Xe điện – động lực giảm phát thải CO2
Theo báo cáo của Tổ chức Giao thông & Môi trường (T&E), lượng khí thải từ ngành giao thông châu Âu trong năm 2024 đạt khoảng 1,05 tỷ tấn CO₂, giảm 5% so với mức 1,1 tỷ tấn vào năm 2019. Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường xe điện, với gần 9 triệu xe, đóng góp quan trọng vào sự giảm thiểu này, giúp tiết kiệm khoảng 20 triệu tấn CO₂, tương đương lượng phát thải của bảy nhà máy nhiệt điện than.
William Todts, Giám đốc Điều hành của T&E, khẳng định: " Các chính sách xanh của EU bắt đầu phát huy tác dụng. Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm có cấu trúc của lượng khí thải từ giao thông. Châu Âu đang dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, nhưng vẫn phải chi hàng trăm tỷ euro để nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài. Đây không phải là lúc để chùn bước trong nỗ lực xanh hóa. Chúng ta cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phát triển bền vững."
Không chỉ xe điện, các chính sách hạn chế phương tiện gây ô nhiễm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng không khí. Một ví dụ điển hình là khu vực phát thải cực thấp (ULEZ) - khu vực được thiết lập nhằm hạn chế phương tiện có mức phát thải cao - góp phần đáng kể vào việc cải thiện chất lượng không khí đô thị tại London, Anh. Sau khi được mở rộng vào năm 2023, chính sách này đã giúp giảm 27% nồng độ NO₂ và 31% bụi mịn PM2.5 chỉ trong vài năm.
Tại London, khu vực phát thải cực thấp (ULEZ) giúp giảm 27% nồng độ NO₂ và 31% bụi mịn PM2.5. (Ảnh minh hoạ)
Báo cáo từ chính quyền London cho thấy ULEZ không chỉ giảm ô nhiễm không khí mà còn mang lại lợi ích sức khỏe rõ rệt. Trước khi mở rộng, mỗi năm có khoảng 4.000 người tử vong tại London do ô nhiễm không khí. Với mức giảm gần 1/3 các chất ô nhiễm độc hại, chính sách này ước tính có thể cứu sống hơn 1.000 người mỗi năm, đồng thời giúp giảm đáng kể chi phí y tế liên quan.
Dù được phần lớn người dân London ủng hộ, ULEZ vẫn vấp phải sự phản đối từ một số nhóm lợi ích, đặc biệt là ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng những khu vực có tỷ lệ sử dụng xe điện cao đều ghi nhận mức ô nhiễm không khí thấp hơn đáng kể, cho thấy xu hướng chuyển đổi này là không thể đảo ngược.
Việt Nam hướng đến giao thông xanh năm 2050
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang quyết liệt triển khai các chính sách xanh, Việt Nam cũng đẩy mạnh các biện pháp tương tự để cải thiện chất lượng không khí và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, ngành giao thông đặt ra các cột mốc quan trọng: Đến năm 2030, 50% phương tiện giao thông tại các thành phố lớn sẽ là xe điện; đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông trên toàn quốc sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh.
Chính phủ cũng triển khai nhiều chính sách ưu đãi, trong đó đáng chú ý là miễn lệ phí trước bạ lần đầu cho xe điện từ ngày 1/3/2025 đến hết ngày 28/2/2027.
Việt Nam đặt mục tiêu 100% phương tiện giao thông sử dụng điện hoặc năng lượng xanh năm 2050.
Năm 2025, TP Hà Nội triển khai thí điểm mô hình phát thải thấp tại hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm. Trong đó, có cơ chế đặc thù về thuế phí, khoanh vùng khu vực làm vùng phát thải thấp, hạ tầng giao thông, kết nối giao thông công cộng và giao thông cá nhân, hệ thống camera giám sát và lực lượng giám sát…; dán tem cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch.
Theo vtcnews.vn
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Trump và làn sóng "thu hồi quyết định" đầy bẽ bàng: Áp lực từ công chúng buộc phải thay đổi chính sách 21/03/2025
-
Người dân Ukraine: 'Thà có chiến tranh, còn hơn có nền hòa bình đáng xấu hổ' 01/03/2025
-
Ba con bài chiến lược của Zelensky mà Trump không thấy hoặc cố tình bỏ qua 02/03/2025
-
Đàm phán giữa Ukraine và Mỹ tại Ả Rập Xê Út kết thúc: Những kết quả quan trọng đầu tiên 11/03/2025