Tối 18-12, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte mời nhiều lãnh đạo cấp cao châu Âu đến tư dinh ăn tối để thảo luận sâu về vấn đề viện trợ Ukraine khi ông Trump chính thức lên nắm quyền ở Nhà Trắng.

1 Chau Au Khan Truong Tinh Chuyen Giup Ukraine

Ông Zelensky chụp ảnh cùng ông Rutte tại tư dinh tổng thư ký NATO vào tối 18-12 - Ảnh: AFP

NATO không công khai những ai được mời dự, nhưng truyền thông châu Âu khẳng định danh sách đó bao gồm: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Ngoại trưởng Anh David Lammy...

Cuộc gặp của những "cộm cán"

Có thể thấy những quan chức trên đại diện cho hầu như mọi lực lượng ủng hộ Ukraine ở phương Tây ngoài Mỹ. Mục tiêu của cuộc thảo luận: tìm ra phương án khả dĩ để tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi nguồn USD và vũ khí từ Washington sẽ sớm không còn dồi dào.

Báo Financial Times dẫn lời ông Zelensky tại buổi nói chuyện ở tư dinh của ông Rutte: "Tôi muốn thảo luận về những bảo đảm an ninh đối với Ukraine cho cả hôm nay và ngày mai. Điều cực kỳ quan trọng là việc không bị chia rẽ. Thay vào đó cần có quan điểm chung cho toàn châu Âu về cách bảo vệ Ukraine và giúp chúng tôi mạnh hơn".

Sau khi buổi gặp mặt kết thúc, tổng thống Ukraine tuyên bố trên mạng xã hội X rằng ông và ông Rutte đã có "một cuộc họp quan trọng và rất sâu sắc" với trọng tâm là "củng cố năng lực quốc phòng cho Ukraine và đảm bảo sự bền vững của hòa bình mà chúng ta đang cùng nhau nỗ lực đạt được". 

Ông Zelensky tự tin cho rằng NATO "sẽ làm mọi điều để đảm bảo Ukraine mạnh mẽ nhất có thể khi tình hình bước vào giai đoạn ngoại giao tích cực".

Ngoài những thông tin trên, nội dung của buổi gặp mặt đến nay vẫn chưa rõ ràng. Giới truyền thông nhận định các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ chỉ đưa ra tuyên bố chính thức sau khi bế mạc Hội nghị Hội đồng châu Âu ngày 19-12.

Toan tính của châu Âu

Việc họp riêng cho thấy rõ những toan tính khẩn trương của châu Âu đối với cuộc chiến ở Ukraine thời gian tới. Cuộc chiến tranh lớn nhất tại châu Âu thời kỳ hậu Thế chiến 2 đang sắp bước vào khúc quanh quyết định với sự xuất hiện của gương mặt tuy cũ mà mới: Donald Trump.

Nhiều tuần qua, ông Trump không hề giấu giếm ý định thu hẹp viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Ông thường xuyên chỉ trích chính quyền ông Biden "vung tiền qua cửa sổ" khi cung cấp những gói viện trợ khủng cho Kiev. Ông cũng đã công khai yêu cầu Nga và Ukraine ngừng bắn ngay lập tức để nhanh chóng đàm phán hòa bình, bất chấp việc Ukraine đang thất thế nặng trên chiến trường.

Thậm chí, theo báo Wall Street Journal, trong cuộc gặp ba bên với ông Macron và ông Zelensky hôm 7-12 tại Paris (Pháp), ông Trump thẳng thừng tuyên bố không muốn để Ukraine gia nhập NATO. Điều này trực tiếp "thổi bay" lời hứa suốt gần ba năm qua của các lãnh đạo liên minh này về việc kết nạp Ukraine sau khi chiến tranh kết thúc. Đối với Ukraine, lời hứa đó chính là phần thưởng lớn nhất cho nỗ lực kiên cường của họ chống Matxcơva.

Thực tế những biến động về chính trị, kinh tế, xã hội tại Anh, Pháp, Đức và nhiều nước châu Âu khác trong thời gian qua đều chỉ ra rằng lục địa già đã "thấm đòn" từ cuộc chiến ở Ukraine. Những nước này cũng muốn cuộc chiến kết thúc càng sớm càng tốt. Tuy nhiên ông Rutte và các đồng sự vẫn khẳng định bây giờ chưa phải thời điểm thuận lợi cho việc ngừng bắn.

Các lãnh đạo châu Âu cho rằng Kiev chỉ nên đàm phán khi đạt được vị thế vững chắc hơn. Hiện tại Nga đang liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường, trong khi Ukraine đối mặt với vô vàn khó khăn. Đàm phán lúc này khó mang lại các điều khoản có lợi cho Kiev. Vì vậy châu Âu nhận thấy cần nhanh chóng thay Mỹ cung cấp tài chính và khí tài để Ukraine tiếp tục chiến đấu.

Một cách tiếp cận khác mà ông Rutte cùng các đồng sự có thể sẽ triển khai là tiếp tục thuyết phục ông Trump rằng việc chiến tranh kết thúc bằng một thỏa thuận không tốt cho Kiev sẽ khiến chính quyền Mỹ có vẻ yếu đuối trước Trung Quốc.

"Quân bài úp"?

Theo New York Times, các nhà lãnh đạo châu Âu có thể đã thảo luận về việc triển khai quân đội NATO đến Ukraine trong cuộc họp tối 18-12. Ý tưởng này, lần đầu được ông Macron đề xuất từ đầu năm và gần đây được ông Trump nhắc lại, dù bị hầu hết lãnh đạo châu Âu phản đối nhưng vẫn được giữ như một "quân bài úp" chưa bao giờ bị loại khỏi "ván bài" Ukraine.

NGỌC ĐỨC

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC