Ngày 20/11, lãnh đạo và quan chức nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt lên tiếng về thông tin đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở Đức đã thất bại.
Tuyên bố từ Điện Elysee nêu rõ Pháp hy vọng Đức sẽ vẫn là một đối tác "ổn định và vững mạnh" để hai nước tiếp tục "cùng nhau tiến về phía trước." Tuyên bố nhấn mạnh diễn biến mới này càng cho thấy cần thiết việc Pháp phải nắm thế chủ động trong một dự án củng cố châu Âu mà nước này kỳ vọng sẽ cùng triển khai cùng Đức.
Trong khi đó, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas bày tỏ tin tưởng rằng hệ thống chính trị của Đức sẽ là nền tảng để duy trì tính ổn định vốn đã trở thành đặc trưng của chính trị nước này.
Phát biểu trước khi bước vào cuộc họp của các ngoại trưởng EU tại Brussels, Ngoại trưởng Hà Lan Halbe Zijlstra cho rằng việc Đức cần thêm thời gian để thành lập chính phủ là "tin tức xấu đối với châu Âu."
Đức là một quốc gia có tầm ảnh hưởng ở châu Âu vì thế việc Berlin thiếu vắng một chính phủ sẽ rất khó để nước này có lập trường vững chắc trong EU.
Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders bày tỏ quan điểm lạc quan hơn khi cho rằng việc đàm phán thành lập chính phủ liên minh hậu bầu cử thường cần nhiều thời gian.
Thủ tướng Angela Merkel. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Cộng hòa Séc Ales Chmelar bày tỏ hy vọng Đức sẽ thành lập được một chính phủ vững mạnh sớm nhất có thể.
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU sắp mãn nhiệm của Đức Michael Roth, một thành viên của đảng Dân chủ xã hội (SPD) nhưng không tham gia vào tiến trình đàm phán thành lập chính phủ, cho biết đây là trường hợp chưa từng có tiền lệ và Đức sẽ cần phải đánh giá tình hình và đưa ra quyết định phù hợp.
Đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức giữa đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel, đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo đường lối thân thiện với doanh nghiệp và đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường đã kết thúc đêm 19 rạng sáng 20/11 (theo giờ địa phương) trong thất bại nặng nề, khi FDP tuyên bố rút lui khỏi cuộc đàm phán.
Việc các chính đảng tại Đức không đạt được thỏa thuận hình thành một liên minh là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị ở nước này.
Truyền thông Đức đồn đoán CDU/CSU có thể liên minh với đảng Xanh thành lập chính phủ thiểu số, song một chính phủ như vậy sẽ không ổn định và cũng không phải là điều mong muốn của Thủ tướng Merkel.
Kịch bản được nhiều ý kiến nhìn nhận dễ xảy ra là nước Đức phải tiến hành bầu cử lại.
Theo đó, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier trước hết sẽ giải tán Quốc hội liên bang và kêu gọi tổng tuyển cử mới. Tuy nhiên, đây là điều các chính đảng không mong muốn xảy ra do lo ngại đảng cánh hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) có cơ hội giành thêm ghế tại cơ quan lập pháp Đức.
Nguồn: TTXVN