Thời cuộc thôi thúc Nga và Trung Quốc càng phải cùng hội cùng thuyền thật sự với nhau.
Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) ở Vladivostock (Nga) năm nay không chỉ có sự tham gia lần đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà còn có cả cuộc gặp gỡ thứ 3 trong thời gian chưa đầy 3 tháng giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Tập Cận Bình.
Thời điểm của việc ông Tập Cận Bình tham dự EEF và gặp ông Putin lại trùng với thời điểm Nga tổ chức cuộc tập trận Vostock-18, cuộc tập trận với quy mô lớn nhất kể từ cuộc tập trận Zapad-81 mà Liên Xô và Khối Warsaw tổ chức năm 1981.
Trung Quốc lần đầu tiên tham dự tập trận của Nga trên lãnh thổ Nga, lại còn với lực lượng quân đội, vũ khí và thiết bị quân sự lớn chưa từng thấy ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ Trung Quốc.
Ông Putin và ông Tập Cận Bình cùng làm bánh bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) ở Vladivostock (Nga). Ảnh: Dailymail.
Ông Putin và ông Tập Cận Bình còn có những hình ảnh khiến truyền thông Phương Tây từ đó đưa ra khái niệm “Ngoại giao làm bánh” với hàm ý thể hiện mối quan hệ cá nhân rất chặt chẽ và tin cậy lẫn nhau giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình.
Những biểu hiện bên ngoài này phản ánh đúng thực trạng hiện tại của mối quan hệ gữa hai láng giềng lớn của nhau. Kết quả của cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc không dừng lại ở những phát biểu của ông Putin và ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong “bối cảnh tình hình quốc tế chuyển biến nhanh chóng, gia tăng bất ổn và khó lường”.
Nga và Trung Quốc còn ký kết nhiều thoả thuận về hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư nói chung và nhằm vào phát triển khu vực Viễn Đông của Nga nói riêng. Ông Putin và ông Tập Cận Bình còn thảo luận về ý định bắt đầu sử dụng đồng tiền quốc gia trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư để dần ngừng sử dụng các đồng ngoại tệ khác, đặc biệt là đồng USD.
Có thể thấy được từ đó là mối quan hệ song phương này tiếp đà phát triển mạnh mẽ có được từ khá lâu nay, thực chất chứ không danh nghĩa, giúp cho hai bên trở thành đối tác chiến lược thật sự của nhau, thậm chí chẳng khác gì là đồng minh của nhau mà không cần phải thành lập liên minh.
Bên cạnh mục tiêu gây dựng và phát triển quan hệ láng giềng tốt để phát triển kinh tế xã hội, tận dụng nhu cầu và thế mạnh của nhau để giải quyết những vấn đề đặt ra riêng trong phát triển kinh tế xã hội ở từng bên, Nga và Trung Quốc còn có nhu cầu co cụm với nhau chặt chẽ hơn để đối phó với những thách thức chung cũng như riêng đến từ bên ngoài.
Nga bị Mỹ và EU cùng một số đối tác khác tiến hành những biện pháp trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính do tiếp nhận Crimea và hậu thuẫn phe ly khai ở vùng lãnh thổ miền đông của Ukraine.
Quan hệ Nga – Trung được mô tả trong cuộc gặp giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình là tốt nhất trong lịch sử. Ảnh: Sputnik.
Trung Quốc bị phê phán trong một số vấn đề đối nội, bị đối phó chuyện thay đổi hiện trạng và quân sự hoá khu vực Biển Đông, đặc biệt là hiện bị phía Mỹ tiến hành xung khắc thương mại rất quyết liệt.
Có thể nói cả Nga lẫn Trung Quốc đều bị Mỹ và đồng minh của Mỹ cạnh tranh chiến lược trên nhiều phương diện và ở nhiều nơi trên thế giới. Thời cuộc như thế thôi thúc Nga và Trung Quốc càng phải cùng hội cùng thuyền thật sự với nhau.
Thông điệp của hai nước láng giềng này từ việc ông Tập Cận Bình tham dự EEF năm nay ở Vladivostock, từ cuộc gặp gỡ mới giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình cũng như từ việc Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vostock-18 là Nga và Trung Quốc kề vai sát cánh với nhau ở khu vực, ở châu lục và trên thế giới, trong quan hệ song phương và trong mọi chuyện chung của thế giới, về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nhưng cũng còn cả về chính trị an ninh khu vực, châu lục và thế giới.
Thông điệp của Nga – Trung là Mỹ và đồng minh càng thách thức và cạnh tranh chiến lược với hai nước này thì mối quan hệ song phương Nga – Trung càng thêm bền chặt, càng thêm thực chất và càng là chỗ dựa cho họ để đối phó với Mỹ và đồng minh.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Nguồn: Tri thức trẻ