Chính phủ liên bang Mỹ đang đứng trước nguy cơ cạn tiền và không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đúng hạn trong nửa đầu tháng 9 tới nếu Quốc hội không nhanh chóng phê duyệt tăng trần nợ công.

42 1 Chinh Phu My Doi Mat Voi Nguy Co Vo No Vao Dau Thang 9 Toi

 Quang cảnh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington DC, ngày 6/10/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong thông báo đưa ra ngày 8/7, Trung tâm chính sách lưỡng đảng (BPC) có trụ sở ở Washington cảnh báo Bộ Tài chính Mỹ có thể vượt khả năng vay nợ trong 2 tháng tới do các nguồn thu từ thuế của Chính phủ trong năm nay thấp hơn so với dự báo. BPC sử dụng các mô hình kinh tế để dự đoán khả năng thanh toán các khoản hóa đơn của Chính phủ. 

Ông Shai Akabas, Giám đốc chính sách kinh tế thuộc BPC, thừa nhận mặc dù viễn cảnh trên nhiều khả năng nhất sẽ diễn ra vào đầu tháng 10 và mọi dự báo đều có thể không chính xác, song với những hệ quả kinh tế tiêu cực tiềm tàng, sẽ "thật vô trách nhiệm nếu Quốc hội phớt lờ dự báo mới này".

Ông nhấn mạnh cách duy nhất ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ trong năm nay là Quốc hội cần phải thông qua việc nâng trần nợ trong những tuần tới.

Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, BPC đã dự đoán Bộ Tài chính Mỹ sẽ rơi vào tình trạng "cháy túi" vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới.

Mức trần nợ công của Mỹ trước đó được quy định 20.500 tỷ USD. Tháng 2/2018, Quốc hội Mỹ đã chấp thuận đình chỉ thực hiện quy định này cho đến hết ngày 1/3 như một phần trong thỏa thuận về dự luật chi tiêu ngân sách năm 2019 giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Hồi đầu tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã hối thúc các nghị sĩ Quốc hội nâng trần nợ công để tránh nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ.

Nợ công của Mỹ được tính là cộng dồn tổng thâm hụt ngân sách hằng năm. Tháng 2 vừa qua, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2019 có thể sẽ lên mức 897 tỷ USD, tăng 15,1% so với mức 779 tỷ USD trong năm ngoái.

Cơ quan trên cảnh báo thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD mỗi năm bắt đầu từ năm 2022 và sẽ không giảm dưới mức này cho tới năm 2029.

CBO cũng dự báo Bộ Tài chính sẽ rơi vào tình trạng "cháy túi" vào thời điểm gần cuối năm tài khóa 2019 hoặc đầu tài khóa 2020, tức vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới, nếu Quốc hội không tăng trần nợ./. 

Nguồn: TTXVN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC