Chính trường Anh tiếp tục rối ren sau khi Chính phủ Anh thất bại trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện về chiến lược Brexit. Điều này khiến viễn cảnh Brexit càng thêm u ám. Liên minh châu Âu và các nước thành viên trong đó có Pháp đã ngay lập tức triển khai các biện pháp dự phòng cho kịch bản Brexit không có thỏa thuận.
EU đang triển khai các biện pháp dự phòng cho kịch bản Brexit không thỏa thuận. Ảnh: Reuters
Liên minh châu Âu hôm qua (3/9) đã cảnh báo công dân, doanh nghiệp trong khối về nguy cơ một Brexit không thỏa thuận. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Mina Andreeva đã không ngần ngại nhận xét rằng, kịch bản Brexit mà không có thỏa thuận đang ngày càng rõ nét hơn bao giờ hết. Việc cần làm hiện nay là các công dân và doanh ngiệp Liên minh châu Âu cần sẵn sàng cho kịch bản này có thể xảy ra vào ngày 31/10 tới.
“Tiến trình Brexit sẽ diễn ra vào ngày 31/10 tới. Kịch bản Brexit không có thỏa thuận đang ngày càng rõ nét hơn. Đây là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi mọi người cần chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này khi nó xảy ra. Dù rằng, đây không phải là kịch bản mà chúng tôi mong muốn. Chúng tôi vẫn tin rằng, kết quả tốt nhất là một Brexit dựa trên thỏa thuận đã được hai bên đã nhất trí”, bà Andreeva nói.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu cũng nhấn mạnh, kể từ sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson với các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mới đây, Liên minh châu Âu và Anh đã liên tục tăng cường đối thoại về Brexit.
Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa có sự đột phá trong đàm phán. Bà Andreeva cũng cho biết, bà chưa nhận được thông tin nào về các đề xuất của Anh cho Brexit liên quan điều khoản “chốt chặn” – một vấn đề gây tranh cãi giữa Anh và Liên minh châu Âu cho đến thời điểm hiện nay.
Không chỉ Liên minh châu Âu, bản thân từng nước thành viên châu Âu cũng đã bắt đầu “rục rịch” chuẩn bị các biện pháp dự phòng kịch bản Brexit không có thỏa thuận. Pháp là quốc gia đầu tiên đã bắt đầu triển khai các biện pháp “đi tắt đón đầu” nhằm tránh một cú sốc cho doanh nghiệp và người dân trong nước. Theo đó, nhà chức trách Pháp sẽ chạy thử các biện pháp dự trù cho Brexit trong thời gian một tháng nhằm hỗ trợ các công ty Pháp có sự chuẩn bị đầy đủ, trước khi sự kiện này chính thức diễn ra vào ngày 31/10 tới.
Thông tin được Bộ trưởng phụ trách các vấn đề hải quan Pháp Gerald Darmanin nhấn mạnh trước báo giới mới đây: “Kể từ khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng phụ trách vấn đề hải quan, chúng tôi đã triển khai các biện pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Trong khoảng một tháng tới, chúng tôi sẽ hoạt động như Brexit đang thực sự diễn ra. Chúng tôi sẽ triển khai các biện pháp tập duyệt để sẵn sàng cho sự kiện Brexit vào ngày 31/10 tới. Chúng tôi đã thuê thêm khoảng 700 nhân viên hải quan và chúng tôi cũng đã triển khai các biện pháp kiểm soát biên giới thông minh có sự đổi mới về mặt công nghệ”.
Các doanh nghiệp xuất khẩu của Pháp trước đó cũng đã được cảnh báo về tình trạng ách tắc kéo dài có thể xảy ra tại khu vực biên giới khi vận chuyển hàng hóa bằng xe tải từ Anh vào Liên minh châu Âu và ngược lại, khi Brexit diễn ra. Khoảng 700 nhân viên hải quan bổ sung của Pháp cũng đã được tập huấn những biện pháp và nhà chức trách nước này cũng đã triển khai biện pháp khai báo hải quan qua mạng nhằm buộc các công ty phải khai báo hàng hóa trước khi đưa hàng đến khu vực biên giới.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 7, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson, người từng kêu gọi loại bỏ điều khoản chốt chặn hoàn toàn, tuyên bố sẽ đưa xứ sở sương mù ra khỏi Liên minh châu Âu trong mọi hoàn cảnh vào thời hạn chót 31/10, nhằm tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân hồi năm 2016. Tuy nhiên, tuyên bố cương quyết này khiến ông Johnson đang phải đối mặt với sự phản đối gay gắt của các nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái chính trị, những người tuyên bố sẽ đưa ra một dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận ngay khi cơ quan lập pháp làm việc trở lại sau thời gian nghỉ Hè 6 tuần.
Kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện Anh hôm qua được xem là câu trả lời của các nghị sĩ với Thủ tướng Anh, khiến ông phải hứng chịu thất bại lớn về chiến lược Brexit của mình sau cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Hạ viện, đồng thời phải kêu gọi bầu cử sớm. Theo đánh giá của giới phân tích, với chiều hướng này, chính trường Anh sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với những sóng gió mới trong thời gian tới, đặt ra nhiều nguy cơ cho tiến trình Brexit./.
Nguồn: VOV.VN