Thương hiệu 7-Eleven được sáng lập tại Dallas, bang Texas (Mỹ), nhưng được cố doanh nhân người Nhật Masatoshi Ito mở rộng thị trường trên toàn cầu - Ảnh: BLOOMBERG
Alimentation Couche-Tard (ACT) là một công ty lớn của Canada với các thương hiệu như Couche-Tard, Circle K và Ingo.
Trong thông cáo báo chí phát hành ngày 19-8, Couche-Tard tiết lộ rằng họ đã gửi một "đề xuất thân thiện, không ràng buộc" đến Seven & I, công ty có trụ sở tại Nhật Bản, với ý định mua lại toàn bộ cổ phần đang lưu hành của công ty này.
Động thái này được xem là nỗ lực thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của một doanh nghiệp nước ngoài nhắm vào một công ty Nhật Bản, đồng thời là vụ mua lại xuyên biên giới lớn nhất trong năm nay.
Việc chào mua diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đưa ra các quy định mới về việc thâu tóm doanh nghiệp, qua đó khuyến khích đầu tư nước ngoài.
Seven & I là một tập đoàn lớn, sở hữu nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị và các doanh nghiệp khác, bao gồm cả 7-Eleven với tổng cộng khoảng 85.000 cửa hàng trên toàn thế giới.
Seven & I mô tả đề xuất của Couche-Tard là một "đề xuất ban đầu, không ràng buộc và bảo mật".
Seven & I cam kết sẽ tiến hành "đánh giá nhanh chóng, cẩn trọng và toàn diện" về đề xuất này thông qua một ủy ban đặc biệt mới được thành lập.
Ủy ban này sẽ xem xét các kế hoạch hoạt động độc lập của công ty và "các lựa chọn khác".
"Tại thời điểm này, hội đồng quản trị và ủy ban đặc biệt chưa đưa ra quyết định nào về việc chấp nhận hay từ chối đề xuất từ ACT, tham gia vào các cuộc thảo luận với ACT hay theo đuổi bất kỳ giao dịch thay thế nào", Seven & I cho biết.
ACT thông báo họ "tập trung vào việc đạt được một thỏa thuận mà hai bên cùng đồng ý" nhưng lưu ý rằng "không có gì chắc chắn ở giai đoạn này rằng bất kỳ thỏa thuận hay giao dịch nào sẽ được thực hiện".
Nếu thương vụ mua lại Seven & I thành công, ACT có thể sẽ mở rộng đáng kể mạng lưới cửa hàng của mình, vốn đã bao gồm 16.700 cửa hàng hiện tại. Khi đó, Couche-Tard sẽ mở rộng đáng kể sự hiện diện của mình tại Bắc Mỹ và châu Âu, đồng thời kiểm soát gần 20% thị trường cửa hàng tiện lợi của Mỹ.
Theo ông Neil Saunders, Giám đốc điều hành của GlobalData, thương vụ mua lại "gần như chắc chắn sẽ thu hút" sự giám sát chặt chẽ từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ - cơ quan quản lý chống độc quyền của nước này. Ngoài ra, ông Saunders nhận định, việc mua lại một công ty Nhật Bản khá phức tạp, có thể gây ra những thách thức, do các công ty này thường thận trọng và phản đối bất cứ sự thay đổi nào.
Tập đoàn Couche-Tard đã thực hiện một số vụ mua lại trong thập kỷ qua, tuy nhiên chưa có thương vụ nào có quy mô lớn vượt qua lần này. Vào năm 2021, tập đoàn đã cố gắng mua lại chuỗi siêu thị Carrefour, song đã bị chính phủ Pháp chặn lại.
Thương hiệu cửa hàng tiện lợi 7-Eleven được sáng lập tại Dallas, bang Texas (Mỹ), tuy nhiên đã được cố doanh nhân người Nhật Masatoshi Ito mở rộng thị trường trên toàn cầu.
Cả hai công ty đều dự kiến công bố kết quả tài chính quý mới nhất trong vài tháng tới.
ACT dự kiến công bố lợi nhuận quý đầu tiên vào ngày 4-9, trong khi Seven & I sẽ công bố kết quả quý 3 của mình vào tháng 10.
MINH KHÔI
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online