Phía bên ngoài nhà tang lễ Leo F. Kearns của khu Queens thành phố New York, chiếc xe đầu kéo dài 12m đã đậu ở đó hàng tuần qua. Chiếc thùng lạnh đang vận hành 24/24, đặt cạnh quầy tính tiền. Bên trong là 36 thi thể đặt xếp chồng trên các giá kệ. Họ đều là nạn nhân của dịch bệnh quái ác, mang tên Covid-19.
Kể từ khi nhận trách nhiệm coi sóc chiếc xe này, Patrick Kearns (50 tuổi), giám đốc nhà tang lễ hiếm khi được ngủ ngon giấc. Ông thường xuyên bật dậy lúc nửa đêm, ám ảnh tột độ về nó, vì ông biết sẽ có thêm nhiều thi thể nữa được chở đến vào ngày hôm sau.
"Tỉ lệ thiệt mạng là quá cao, đến nỗi không thể chôn cất hay hỏa táng kịp."
Với hơn 18.000 ca thiệt mạng và số lượng có xu hướng tăng lên mỗi ngày, Covid-19 là cơn khủng hoảng gây thương vong kinh khủng nhất đối với New York kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha hơn 100 năm trước. Ở thời điểm đỉnh dịch tháng 4, gần như cứ 2 phút lại có 1 người New York thiệt mạng, với số lượng lên đến trên 800 ca/ngày, cao gấp 4 lần so với tỉ lệ bình thường. Ngay cả khi số ca mới đang chậm dần lại, hàng trăm thi thể vẫn được chuyển tới mỗi ngày.
Trong khi các bệnh viện bị áp đảo bởi số người nhiễm bệnh cần chăm sóc tích cực, thi thể của bệnh nhân đang đẩy dịch vụ tang lễ tại New York đến giới hạn. Nhà xác của bệnh viện, nhà tang lễ, nghĩa trang, nhà mồ... tất cả đều đang quá tải.
Tình trạng này được thể hiện rõ nhất vào chiều ngày 29/4, khi cảnh sát phát hiện hàng chục thi thể đang phân hủy chất chồng trong 2 chiếc xe tải bên ngoài nhà tang lễ Utica Avenue tại Brooklyn. Andrew T. Cleckley - chủ sở hữu nhà tang lễ giải thích đơn giản: "Chúng tôi hết sạch chỗ rồi," và "chẳng biết đặt ở đâu nữa."
Chuyện xảy ra tại Brooklyn được nhận định là trường hợp cá biệt, và các nhà chức trách cho biết họ đang tiến hành điều tra sâu hơn. Nhưng có một thực tế là trong vòng 2 tháng qua, nhiều nhà tang lễ đã phải đặt thi thể ở sảnh hoặc nhà nguyện nhỏ, bật điều hòa để làm chậm quá trình phân hủy. Một số phải chuyển thi thể đến các thành phố khác, thậm chí là bang khác để tiến hành hỏa táng.
Một số bệnh viện tại thành phố New York đang cạn dần túi đựng thi thể (body bag). Có nơi phải dùng xe nâng hàng hóa để chở thi thể đến các nhà xác di động. Nhiều người thiệt mạng tại nhà, nên các chuyên gia giám định y tế phải làm việc rất vất vả trong quá trình chuyên chở.
Patrick Kearns (ngoài cùng bên phải) sinh ra trong gia đình 4 thế hệ là giám đốc nhà tang lễ
Các nghĩa trang cũng đang không thể đáp ứng nhu cầu chôn cất thi thể, dù 4 khu hỏa táng dự phòng được tận dụng. Để giảm tải, thành phố quyết định những nạn nhân không ai đến nhận trong 14 ngày sẽ được chôn cất tại Đảo Hart thuộc khu Bronx.
Đối với các gia đình nạn nhân, việc hệ thống tang lễ gặp quá tải đang tạo ra một sự tra tấn về mặt tinh thần. Nhiều người cảm thấy đau lòng khi biết thi thể người thân chuyển từ nơi này sang nơi khác. Họ cũng khó mà thuê được xe tang, bởi nhu cầu đang là rất cao. Và bởi lệnh cách ly xã hội, tang lễ không thể được tổ chức.
"Chúng tôi muốn cùng chia sẻ nỗi đau, nhưng chẳng thể nào. Chuyện như vậy chưa từng xảy ra." - trích lời Reginald Teekasingh, một người dân tại New York.
"Không thể kịp được"
Kearns và những giám đốc nhà tang lễ khác, tất cả đang bế tắc. Họ như mắc kẹt trong mớ bòng bong, một bên là những cuộc gọi yêu cầu chuyển thi thể từ bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão, một bên là bế tắc trong khâu chôn cất hoặc hỏa táng.
Trong một tháng bình thường, ông thực hiện khoảng 30 - 40 lễ tang. Nhưng riêng tháng 4, con số yêu cầu đã lên tới hơn 200. Và đó là chưa tính đến 150 tang lễ khác không thể thực hiện được vì không đủ công cụ và sức lực. Số lượng quan tài cũng thiếu hụt trầm trọng.
Có thể nói Kearns đã dành cả đời để phục vụ... người qua đời, nhưng ông chưa từng thấy điều gì tương tự trong suốt quá trình làm nghề, bởi cơn khủng hoảng Covid-19. Giấy chứng tử, cấp phép hỏa táng đều rất khó khăn. Mà thậm chí, việc xác nhận thân nhân cũng cực khó, bởi thi thể liên tục được chuyển đến.
"Sự căng thẳng tăng lên mỗi ngày," - ông phân trần.
Chẳng hạn như ngày 17/4, Kearns cùng 2 trợ lý đến một bệnh viện tại Long Island để nhận thi thể, nhưng nạn nhân hóa ra đã không được đặt đúng ban kệ trong nhà xác của bệnh viện. Trong ánh đèn pin, họ phải lần tìm đúng người trong số hàng chục nạn nhân khác, so sánh tên, số hiệu với dữ liệu đã nhận trước đó. Hay một đêm gần đây khi đang làm việc trên chiếc xe đầu kéo, ông trượt chân ngã đập đầu vào kệ. Sau khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm trên sàn, xung quanh toàn thi thể người qua đời. Một trải nghiệm kinh khủng đến mức chẳng thể quên.
"Chúng tôi bị áp đảo"
Thành phố New York có khoảng 50 nghĩa trang, và chuông điện thoại ở đó hầu như không lúc nào ngưng reo. Các công nhân đào hố làm việc luôn tay, kể cả cuối tuần.
"Chúng tôi hoàn toàn bị áp đảo," - trích lời Julie Bose, chủ tịch nghĩa trang The Evergreens tại Brooklyn. Số ca chôn cất ở đây đã tăng gấp 3 so với bình thường. 4 khu hỏa táng trong thành phố cũng quá tải. Giống như các nhà tang lễ khác, Kearns phải mang thi thể đến các thành phố khác để hỏa táng, có lúc phải đi tới hàng trăm dặm.
Để giảm tải, chính quyền New York đã gỡ bớt một số hạn chế tại các khu hỏa táng trong tháng 3, cho phép họ làm việc tăng ca. Tất cả đang làm việc với công suất tăng gấp đôi, nhưng không nơi nào tiếp nhận thêm ca mới, ít nhất là cho đến tháng 5.
Khói đen tại nhà hỏa táng Green-Wood
Ví dụ cho sự quá tải có thể lấy từ nhà hỏa táng Green-Wood ở Brooklyn, với số ca tăng gấp đôi so với bình thường. Richard Moylan, chủ tịch nhà hỏa táng chia sẻ 2 trong số 5 lò đốt đã bị hỏng vì quá tải.
"Các lò đốt cần phải nghỉ sau mỗi lần hoạt động. Nhưng với làn sóng thi thể chở đến, chúng phải làm việc liên tục."
Dan Wright, đại diện cho 500 công nhân dịch vụ tang lễ của New York thẳng thắn chia sẻ: "Số người qua đời đang tăng nhanh hơn khả năng chúng tôi đưa được họ về nơi an nghỉ cuối cùng."
Tang lễ vẫn được tổ chức, nhưng chỉ giới hạn 10 người tham dự. Thân nhân khi đến cũng không được đứng quá gần, và chỉ được tiếp cận sau khi công nhân chôn cất đã rời đi.
"Tôi thực chẳng biết mình sẽ cảm thấy thế nào nếu phải chôn cất cho mẹ trong điều kiện này," - John Blumer, một công nhân đào huyệt tại nghĩa trang New Montefiore chia sẻ. "Thi hài sẽ được chôn trong đơn độc, người thân không thể dõi theo. Thực sự rất khó khăn."
Cuộc đua tại nhà xác
Khoảng giữa tháng 4, Kearns nhận được cuộc gọi của một khách hàng, với trạng thái hoảng loạn. Người phụ nữ ấy chỉ mới biết tin cha cô qua đời từ 2 tuần trước tại bệnh viện Montefiore thuộc khu Bronx. Cô khẩn khoản cầu xin giúp đỡ, xem liệu ông có thể làm gì.
Kearns hiểu rằng mình có rất ít thời gian. Ông lập tức gọi đến bệnh viện, và phát hiện ra nạn nhân được xếp vào dạng "không ai đến nhận" sau 14 ngày, và đã được lên lịch chôn cất tại đảo Hart. Ngay sau đó, ông cùng các trợ lý vội vàng đến bệnh viện, gần như chạy đua với nhóm vận chuyện của đội giám định y tế cũng đang tới chuyển thi thể ông đi.
"Cuối cùng, may mắn là chúng tôi đã tới trước." - ông chia sẻ. Bình thường, cơ quan giám định sẽ chỉ ra mặt nếu đó là một cái ra đi bất thường. Nhưng trong đại dịch, gần như mọi thi thể đều sẽ qua tay họ, để giảm tải cho hệ thống tang lễ.
Công nhân đào huyệt tại nhà tang lễ Green-Wood
Theo bác sĩ Barbara Sampson - giám đốc đội giám định y tế thành phố, thành phố đã phải tăng gấp đôi khả năng lưu trữ thi thể lên 1800 chỗ, bằng cách đặt thêm 4 khu "nhà xác khẩn cấp" bên ngoài, đồng thời cơi nới thêm các nhà xác. Việc này cho phép thời hạn 14 ngày được gia tăng đôi chút, để các nhà tang lễ có thể kịp đến nhận thi thể trước khi tất cả được đem chôn tại trên đảo Hart.
"Tôi khá tự tin rằng chúng tôi sẽ có đủ chỗ để giữ các nạn nhân bằng sự trân trọng tuyệt đối, để đội tang lễ bắt kịp." - Sampson chia sẻ.
Theo The New York Times, dù chính quyền từ chối tiết lộ có bao nhiêu nạn nhân đã được chôn cất trên đảo trong những tuần qua, thực tế vẫn cho thấy sự u ám. Năm 2019, tổng cộng 280 nạn nhân đã được chôn cất trên đảo. Năm nay là 550 người (số liệu không chính thức), mà 450 trong số đó là từ 2 tháng qua thôi.
Khủng hoảng từ đại dịch khiến nhiều bệnh viện quá tải, cạn kiệt túi đựng thi thể, trong khi nhà xác thì kín chỗ. Nhiều nơi buộc phải ứng biến bằng cách sử dụng các xe container lạnh do thành phố cung cấp. Thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp nạn nhân qua đời 6 - 7 tiếng vẫn chưa được xử lý, vì chẳng còn chỗ nào để đặt nữa.
Đội vệ binh quốc gia tại các nhà xác di động
Bác sĩ Sampson cho biết bà đã phải cắt đặt hơn 1/3 trong số 800 nhân viên ra trở lại tuyến đầu chống dịch, bao gồm gần 200 chuyên gia giám định ADN. Họ sẽ phải trả lời điện thoại, thực hiện điều tra và hỗ trợ các nhà xác.
"Chúng tôi phải tăng cường nhân lực trong mọi lĩnh vực, bằng tất cả những gì có thể," - bà chia sẻ.
Những người hùng thầm lặng
Mỗi ngày vào lúc 7h tối, người dân New York trong thành phố lại tri ân nhân viên y tế bằng những bài hát, kèn hiệu, có người dùng cả... nồi niêu xoong chảo. Nhưng các công nhân đào huyệt, lễ tân nghĩa trang, hay thậm chí giám đốc các nhà tang lễ, chẳng ai được chú ý đến.
"Họ là những người hùng thầm lặng của đại dịch này," - bác sĩ Emily Craig cho biết. "Họ làm việc không nghỉ, nhưng chẳng ai để tâm."
Sự tri ân duy nhất mà Kearns nhận được đến từ chính con gái mình - Fiona Kearns. Ngày 17/4, cô gái ấy đã có đăng một bài viết lên mạng xã hội, mô tả những ngày tháng kinh khủng mà bố đã phải trải qua, để phục vụ những người đã khuất.
"Nếu bạn muốn biết về bố tôi, ông tên là Patrick Kearns. Với tôi ông là một người hùng, và hiện đang phải làm việc 16h mỗi ngày không nghỉ."
Nguồn: Kenh14