Ở nơi thu nhập bình quân đầu người cao gần nhất thế giới như Thụy Sỹ, có khoảng 250 nghìn người – tức 3% dân số – vẫn ăn thịt chó thường xuyên.
Ai đến châu Âu cũng biết người châu Âu rất yêu chó. Họ chăm sóc cho chúng như những thành viên trong gia đình. Chó được xuất hiện ở khắp nơi. Chó đi nhà hàng, chó trong siêu thị, chó trong tiệm cắt tóc, thậm chí trời rét, chủ nuôi còn cho chó vào áo choàng ôm hoặc cho chúng vào túi xách, thò đầu ra ngoài để thở…
Thụy Sỹ là quốc gia có GDP bình quân đầu người năm 2013 ở mức hơn 80.000 đôla Mỹ/năm, cao vượt bậc so với gần như tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật. Nếu chó ở châu Âu đã sướng, thì chó ở Thụy Sỹ còn sướng hơn nữa. Những chú chó được người Thụy Sỹ cưng chiều hết sức. Họ đưa chúng đến những cửa hàng chăm sóc tốt nhất để xén tỉa bộ lông cho đẹp, họ mặc cho những bộ quần áo xinh xắn dễ thương, chó được lên ô tô của chủ, lên tàu điệm ngầm, lên xe bus xe điện…
Việc sở hữu một chú chó ở Thụy Sỹ chẳng hề đơn giản. Tất cả chó sẽ phải được đăng ký và cấy chip để tránh nhầm lẫn và tiện cho việc quản lý. Đối với chó nhập khẩu, các công ty nhập khẩu sẽ phải đưa đến cơ sở thú y để khám trong vòng 10 ngày sau khi nhập cảnh vào Thụy Sỹ.
Ảnh: Ngọc Diệp
c tiêm phòng dại hàng năm cho chó, Thụy Sỹ còn có cả một đạo luật riêng ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm với chủ nuôi với những điều kiện khắt khe như sau:
Hàng ngày chó phải được tiếp xúc với con người và càng nhiều đồng loại càng tốt; những con chó được nuôi nhốt phải được cho đi dạo hàng ngày, hít thở không khí trong lành; khu vực nuôi chó phải có diện tích ít nhất 20 mét vuông, có đầy đủ thức ăn và nước uống…
Không chỉ có vậy, chủ nuôi chó phải đi học các khóa đào tạo nuôi, chăm sóc chó và phải có giấy chứng nhận, giấy này không có thời hạn vĩnh viễn, chủ nuôi sẽ phải thi lại hàng năm (quy định áp dụng từ sau ngày 01/09/2008).
Quy định áp dụng đối với việc nuôi chó thậm chí khác nhau ở mỗi vùng của Thụy Sỹ. Ví như ở Geneva, chủ nuôi chó bắt buộc phải đóng bảo hiểm cho chó, và có những công ty bảo hiểm chuyên chỉ cung cấp dịch vụ này.
Chặt chẽ là vậy, thế nhưng cũng khá lạ lùng khi ngay chính tại nhiều vùng của Thụy Sỹ, người ta vẫn ăn thịt chó.
Và con số này không hề nhỏ. Việc ăn thịt chó vốn chỉ phổ biến ở một số nước châu Á, nơi loài chó được xem như vật nuôi như bất kỳ loài nào khác. Ở Thụy Sỹ, xung quanh số phận của một con vật, có quá nhiều những cách đối xử trái ngược nhau.
Ảnh: Ngọc Diệp
Số liệu của SOS Chats Noiraigue, một tổ chức bảo vệ động vật ở Thụy Sỹ vốn rất phản đối việc ăn thịt chó, cho thấy khoảng 3% người Thụy Sỹ, tương đương khoảng hơn 250 nghìn người vẫn ăn thịt chó trong những bữa ăn hàng ngày. Không ít người nông dân đã chia sẻ về việc ngày hôm nay họ vẫn đi chơi cùng con chó đó, có thể ngày mai đã giết con chó và làm thịt mời một vài người bạn thân đến ăn cùng cho vui.
Ở nhiều khu vực nông thôn khu vực miền Trung và phía Đông của Thụy Sỹ, còn hàng trăm nghìn nông dân có quan niệm giống người Trung Quốc: Con gì chạy được là ăn.
Cho đến giờ, không có con số nào thống kê cho việc bao nhiêu con chó bị giết thịt mỗi năm ở Thụy Sỹ nhưng việc ăn thịt chó được coi như rất phổ biến ở những vùng nông thôn này.
Việc giết thịt chó để kinh doanh thương mại bị cấm, nhưng những người nông dân sống ở vùng nói tiếng Đức ở Thụy Sỹ tự giết chó tại nhà để ăn. Thịt chó thịt mèo thậm chí còn được coi như món ngon trong bữa Giáng sinh.
Đối với những người Thụy Sỹ cưng chiều chó, việc ăn thịt chó quả thực không thể chấp nhận được. Đã có rất nhiều những cuộc biểu tình và thu thập chữ ký để yêu cầu chính phủ ra điều luật cấm ăn thịt chó nhưng chính phủ Thụy Sỹ vẫn không ký quy định cấm với lý do: Hãy để cho mỗi cá nhân tự quyết định.
Người nuôi cứ nuôi cứ cưng chiều, và người ăn cứ ăn.
Những nỗ lực phản đối sau các năm vẫn lên cao trào nhưng cũng chẳng đến đâu bởi chính phủ luôn tôn trọng quyền lựa chọn loại thịt để ăn của mỗi cá nhân.
Nguồn: Cafebiz