Nhận xét này được Tiến sĩ Elmar Giemulla, chuyên gia về luật hàng không của Đức đưa ra.
“Ngay sau khi xuất phát, máy bay có trọng lượng rất nặng, vì chứa nhiều nhiên liệu. Khi hạ cánh khẩn cấp, nhiên liệu dư thừa phải được xả xuống hết. Như tất cả những gì chúng ta thấy, rõ ràng trong trường hợp này phi công không thể sử dụng cơ hội đó bởi đám cháy đã bắt đầu ngay khi máy bay còn ở trên không.
Khi đó, nếu xả nhiên liệu có thể dẫn đến vụ nổ.
Đây là tình huống cực kỳ nghiêm trọng với chiếc máy bay đang bốc cháy và tải nặng mà lại cần hạ cánh. Theo quan điểm của tôi, viên phi công trong tình thế hiểm nghèo đã thể hiện kỹ năng bậc cao nhất”, chuyên gia Đức nhận xét.
Chiếc máy bay Sukhoi Superjet 100 của Hãng hàng không Aeroflot bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh khẩn cấp. (Ảnh: Reuters)
Theo Tiến sĩ Giemulla, máy bay vẫn có thể hạ cánh trong tình huống như vậy mà không nổ tung giúp cho thiệt hại và thương vong ở mức tối thiểu.
Liên quan tới nguyên nhân gây hỏa hoạn trên máy bay, chuyên gia Đức cho rằng đây không phải là thời điểm suy đoán điều này vì dễ bị lợi dụng để đầu cơ.
“Nhưng trong mọi trường hợp, một tia lửa có thể phát sinh do sét đánh hoặc trục trặc thiết bị điện”, ông này cho biết thêm.
Chiều tối 5/5, chiếc Sukhoi Superjet 100 của Aeroflot chở theo 73 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn gặp nạn khi đang trên hành trình từ Matxcơva tới thành phố Murmansk. Máy bay bốc cháy trên đường băng khi hạ cánh, làm 41 người thiệt mạng.
Ủy ban điều tra Nga cho biết điều kiện xấu, trục trặc thiết bị và năng lực chuyên môn kém của những người có liên quan là nhiều trong số các nguyên nhân đang được xem xét.
2 hộp đen của máy bay đã được tìm thấy tại hiện trường vụ tại nạn và mang đi nghiên cứu. Đây được xem là manh mối quan trọng giúp xác định nguyên nhân thảm kịch hôm 5/5.
Nguồn: VTCnews