Ông Sivkov cho rằng, khả năng trinh sát ưu việt của Mỹ sẽ vượt trội lợi thế của Trung Quốc về tên lửa siêu thanh. Để lý giải cho nhận định này, chuyên gia Sivkov đã đưa ra một tình huống giả định về cuộc đụng độ giữa tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc, dựa trên các trận chiến tàu sân bay xảy ra giữa Mỹ và Nhật Bản trong Thế chiến II, đặc biệt là Trận Midway.
Đây là những trận chiến cân não, trong đó chiến thắng hay thất bại phụ thuộc vào việc bên nào phát hiện ra tàu sân bay của đối phương trước, sau đó ra đòn không kích phá hủy tàu đối phương.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. (Nguồn: US Navy).
Hệ thống trinh sát đóng vai trò then chốt
Trong bài viết đăng tải trên ấn phẩm quốc phòng Military-Industrial Courier của Nga, ông Konstantin Sivkov cho rằng: “Vai trò then chốt quyết định tiến trình và kết quả của các cuộc chiến trên biển trong môi trường hiện đại không phải nằm ở sức mạnh và số lượng vũ khí tham gia cuộc tấn công, mà nằm ở năng lực của hệ thống trinh sát trên đại dương. Vượt qua đối thủ trong lĩnh vực này, Hải quân Mỹ có thể san bằng đáng kể ưu thế của Trung Quốc về tên lửa chống hạm siêu thanh”.
Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia có hạm đội tàu sân bay lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã có một tàu sân bay và đang sẵn sàng vận hành một chiếc khác. Thậm chí, Bắc Kinh có thể đóng 5 đến 6 chiếc hoặc nhiều hơn để khẳng định sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương. Điều này khiến Nga, một cường quốc trên bộ chỉ có một tàu sân bay (hiện tàu sân bay này đã ngừng hoạt động sau một sự cố trên biển) trở thành "người ngoài cuộc".
Ông Konstantin Sivkov giả định rằng, do Trung Quốc thiếu khả năng triển khai sức mạnh rộng khắp, chẳng hạn như các căn cứ quân sự ở nước ngoài, nên trận chiến sẽ diễn ra gần các căn cứ cách bờ biển Trung Quốc từ 500 đến 1.500km (hoặc một căn cứ ở Ấn Độ Dương nếu Bắc Kinh có được từ một quốc gia bằng hữu). Nếu yếu thế trong một trận chiến trên tàu sân bay, Hải quân Trung Quốc sẽ tìm kiếm một cuộc giao tranh trong tầm bắn của các tên lửa siêu thanh được phóng từ đất liền hoặc máy bay ném bom.
“Khi Mỹ cố gắng áp đặt một trận chiến ở khoảng cách xa so với các căn cứ ven biển, Trung Quốc sẽ cố gắng né tránh và nếu không thể né tránh được họ sẽ cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách rút quân khỏi khu vực hỏa lực của đối phương một cách nhanh nhất, làm chệch hướng đòn tấn công và sau đó đáp trả”, ông Konstantin Sivkov nói.
Những tàu sân bay nhỏ của Trung Quốc, có kích thước chỉ bằng một nửa tàu sân bay của Mỹ và mang được một nửa số máy bay sẽ phải phụ thuộc vào tàu ngầm, máy bay tuần tra H-6K trên đất liền và vệ tinh giám sát để xác định vị trí của lực lượng tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Trái lại, các tàu sân bay Mỹ sẽ dễ dàng hơn khi xác định vị trí của tàu sân bay đối phương bởi chúng được trang bị máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye, máy bay tác chiến điện tử EA-18, máy bay cảnh báo sớm radar tầm xa (AWACS).
Ông Sivkov cho rằng, hệ thống phòng thủ của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ vô hiệu hóa các tàu ngầm và máy bay tuần tra của Trung Quốc, ngăn chúng phát hiện ra vị trí của lực lượng đặc nhiệm. Trong khi đó, máy bay và tàu ngầm của Mỹ sẽ tìm thấy vị trí của hạm đội Trung Quốc và tấn công bằng tên lửa chống hạm.
Trung Quốc có thể chịu thiệt hại nhiều hơn Mỹ
Mặc dù Sivkov không nêu chi tiết phương pháp luận của mình, nhưng ông chỉ ra "ước tính định lượng" cho thấy hạm đội chiến đấu của Trung Quốc chỉ có thể nắm được vị trí sơ bộ của tàu Mỹ, trong khi phía Mỹ sẽ nắm được chi tiết và rõ ràng hơn vị trí của tàu Trung Quốc.
“Ở giai đoạn này của cuộc chiến, các bên sẽ phải chịu những tổn thất nhất định. Trung Quốc có thể mất 1 hoặc 2 tàu ngầm, một tàu mặt nước, 2 hoặc 3 máy bay trinh sát, từ 2 đến 4 máy bay chiến đấu. Thiệt hại về phía Mỹ không nghiêm trọng bằng, nhưng Mỹ có khả nămg mất 1 tàu ngầm, 1 hoặc 2 máy bay trinh sát, 2 đến 4 máy bay chiến đấu”.
Tiếp đến là giai đoạn cao trào của trận chiến. Trong tình huống này, ông Sivkov ước tính tàu sân bay của Trung Quốc có thể chỉ tung ra 5 hoặc 6 chiếc máy bay để tấn công, trong khi số còn lại được giữ lại để tuần tra phòng thủ trên không. Các máy bay này sẽ phóng tên lửa chống hạm để vô hiệu hóa hoặc đánh chìm hai tàu khu trục của Mỹ ở vòng ngoài của nhóm tác chiến tàu sân bay.
Tuy nhiên, tàu sân bay của Mỹ có thể tập hợp một lực lượng tấn công gồm hơn 30 máy bay tiêu diệt một số tàu hộ tống của Trung Quốc. Để phá hủy tàu sân bay Trung Quốc, tàu sân bay Mỹ cần phải tung đòn tấn công thứ hai.
Trong lúc đó, 4 hoặc 5 tàu khu trục của Trung Quốc sẽ cố gắng tiến vào tầm bắn tên lửa của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Mỗi tàu khu trục có thể bắn 16 tên lửa YJ-18, cộng thêm 6 tên lửa tiêu diệt tàu sân bay. Về phần mình, Mỹ sẽ cố gắng đưa các tàu hộ tống tiến lên phía trước và sử dụng không đoàn của tàu sân bay để triệt tiêu mối đe dọa từ tàu mặt nước của đối phương.
“Mô hình hóa tình hình ở giai đoạn này cho thấy, nhóm tàu sân bay của Trung Quốc có cơ hội tốt để tiếp cận tuyến tấn công nhưng có khả năng chịu tổn thất từ 40 đến 50%. Một đợt tấn công bằng 30 đến 40 tên lửa chống hạm YJ-18, có tính đến khả năng suy yếu của hệ thống phòng thủ Mỹ sau các đợt giao chiến trước đó, sẽ khiến tàu sân bay Mỹ ngừng hoạt động, với xác suất từ 20 đến 30%. Trái lại, cuộc tấn công thứ hai mà các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Mỹ thực hiện (ước tính vào khoảng 24 chiếc) nhằm vào tàu sân bay Trung Quốc sẽ đạt hiệu quả từ 40 đến 50%”, chuyên gia Sivkov phân tích.
Ông Sivkov cho rằng ở giai đoạn này, các lực lượng của Trung Quốc sẽ rút lui, trong khi lực lượng Mỹ sẽ truy đuổi và cố gắng thực hiện một cuộc không kích cuối cùng.
“Cuối cùng, tàu sân bay Trung Quốc sẽ bị hư hại nghiêm trọng và bị vô hiệu hóa, thậm chí bị đánh chìm. Trung Quốc cũng sẽ mất 4 đến 5 tàu hộ vệ, 1 hoặc 2 tàu ngầm và hơn một nửa số máy bay trên tàu sân bay. Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ mất từ 2 đến 3 tàu chiến, 17% đến 20% số lượng máy bay. Tàu sân bay Mỹ sẽ bị thiệt hại tương đối ít hoặc không có thiệt hại. Nói cách khác, nhóm tàu sân bay của Trung Quốc sẽ bị đánh bại và mất khả năng tiếp tục chiến đấu. Trái lại nhóm tàu sân bay Mỹ sẽ chỉ suy yếu một chút sau cuộc giao tranh”.
Chuyên gia quân sự Nga cho rằng, các trận chiến tàu sân bay ở thế kỷ 21 sẽ là sự tái hiện lại các trận chiến tàu sân bay từ thời Chiến tranh thế giới thứ 2 ở Thái Bình Dương, nơi máy bay chiến đấu và tàu ngầm đóng vai trò phụ trợ còn cuộc giao tranh thực sự là giữa các tàu sân bay của Mỹ và Nhật Bản. Tuy vậy, sự hiện diện của tên lửa đạn đạo diệt hạm tầm xa, máy bay ném bom trang bị tên lửa siêu thanh bay từ đất liền, tàu ngầm siêu êm và vệ tinh trinh sát có thể làm thay đổi tình hình./.
Hồng Anh (biên dịch)
Theo National Interest
Nguồn: vov.vn