Theo ông Lê Văn Bàng, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ, ông John McCain là một người bạn lớn của Việt Nam ở Mỹ, người luôn "toàn tâm toàn ý" với Việt Nam.
LTS: Thượng nghị sĩ John McCain, người có nhiều duyên nợ với Việt Nam, đồng thời là một người đã đóng góp rất nhiều cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ vừa qua đời ở tuổi 81 sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư.
Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng chia sẻ với độc giả những cảm nghĩ của ông Lê Văn Bàng, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ, về người mà ông gọi là "người bạn lớn của Việt Nam".
Vai trò của ông John McCain trong bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ là vô cùng lớn. Trong suốt quá trình 30 năm, từ những năm 1987-1988 khi ông McCain bắt đầu làm Thượng nghị sĩ cho đến bây giờ, ông là người luôn luôn ủng hộ bình thường hóa quan hệ và tăng cường quan hệ với Việt Nam.
Trong thời kỳ đầu, khi chính trường Mỹ còn khó khăn cho chuyện bình thường hóa quan hệ, ông McCain đã rất khôn khéo, chú ý vấn đề người mất tích của Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội.
Đồng thời vào lúc đó, phía Việt Nam ta cũng đề xuất hỗ trợ cho người tàn tật hoặc những người mất tích ở Việt Nam, ông John McCain cũng đồng ý làm ngay và làm song song với Việt Nam.
Trong những thời điểm quan trọng đối với quan hệ Việt - Mỹ, ông John McCain luôn ở bên cạnh Việt Nam. Khi chính quyền Clinton bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, họ đều phải mời ông McCain đến đứng ở phía sau để ủng hộ vì ông là Thượng nghị sĩ uy tín của đảng Cộng hòa rất sẵn sàng trong quá trình bình thường hóa.
Hay trong khi bỏ phiếu cho Việt Nam hưởng quan hệ thương mại ở Quốc hội Mỹ, ông John McCain cũng là người chủ chốt.
TNS John McCain và Đại sứ Lê Văn Bàng (đầu tiên và thứ hai từ phải sang), cùng TNS John Kerry (đầu tiên bên trái) trong một sự kiện. Ảnh: Lao động.
Có những thời điểm "nguy kịch" như năm 2001, khi Mỹ bị đánh bom Trung tâm Thương mại tại New York, nước Mỹ không muốn đón bất kỳ đoàn nào sang thăm Mỹ. Nhưng tháng 11 năm đó Việt Nam cần có đoàn Bộ Thương mại sang để trao đổi công hàm về vấn đề Hiệp định thương mại (BTA) chính thức có hiệu lực.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhất quyết không đón và nói rằng họ không có tâm trạng nào để đón Việt Nam trong lúc này cả. Tôi đã phải trao đổi với ông McCain, ông nhận lời nói chuyện với ông Colin Powell, là Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ để đón đoàn Việt Nam và ông đã làm.
Sau này chính ông là người đề nghị khoản viện trợ quân sự cho các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, và bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam.
Mặc dù là phi công từng bị quân đội Việt Nam bắn rơi và bị giam giữ 5 năm nhưng sau khi về nước, ông McCain có tình cảm rất thân thiện rất Việt Nam. Có thể nói, ông McCain luôn ở bên Việt Nam trong những thời điểm quan trọng đối với quan hệ Việt - Mỹ.
Khi nào có vấn đề gì khó khăn cần vận động chính phủ hay Bộ Ngoại giao Mỹ, thường tôi sẽ đến gặp "hai ông John", là các ông John McCain và John Kerry, các Thượng nghị sĩ luôn ủng hộ Việt Nam, để tìm sự hỗ trợ.
Trên mọi lĩnh vực từ quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, quân sự, an ninh sau này, ông đều ủng hộ 100%, có thể nói ông đi đầu và kêu gọi những người Mỹ khác cùng đi theo. Ông John McCain đã toàn tâm toàn ý với Việt Nam trong suốt 30 năm qua.
Đối với riêng tôi, ông McCain cũng có những kỷ niệm thú vị. Là người vui vẻ, khôi hài, có lần hai bên gặp nhau, ông ấy nói "Trên thế giới tôi có mỗi bức tượng ở hồ Trúc Bạch, nhờ ngài Đại sứ bảo người dọn sạch, đừng để bọn chim 'đi bậy' lên".
Khi biết thông tin ông qua đời, tôi cảm thấy rất đáng tiếc. Ông đã chiến đấu rất mạnh mẽ với căn bệnh ung thư gần 10 năm nay. Trong thời gian đó, ông vẫn nhớ đến Việt Nam.
Ông là người bạn lớn của Việt Nam ở Mỹ.
Nguồn: soha.vn