Không thể phủ nhận rằng xuất phát điểm là người da màu đã mang lại cho Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris một khởi đầu thuận lợi trên đường đua vào Nhà Trắng, giúp bà tạo ra sức ảnh hưởng lớn đối với đa dạng nhóm cử tri. Tuy nhiên, nhóm cử tri da trắng mà phần nhiều đang ủng hộ ông Trump lại là mối đe dọa lớn hơn đối ứng viên Dân chủ trong ngày bỏ phiếu, bởi họ có xu hướng ủng hộ cho những gì đối lập với tư tưởng và giá trị tiến bộ mà bà Harris muốn mang lại cho nước Mỹ.
Theo dữ liệu thống kê, cho đến nay, tính về chủng tộc, nhóm cử tri đăng ký đi bỏ phiếu đông nhất tại Mỹ là người da trắng. Sức ảnh hưởng của nhóm cử tri này không chỉ đến từ số lượng mà còn đến từ mức độ tin cậy: đây là nhóm nhân khẩu học có nhiều khả năng xuất hiện tại thùng phiếu vào ngày bầu cử.
Trong cuộc bầu cử Mỹ 4 năm trước, cử tri da trắng chiếm 69% tổng số cử tri đã đăng ký; tiếp theo là người da đen và người gốc Tây Ban Nha, mỗi nhóm chiếm 11%. Người Mỹ gốc Á và những nhóm nhân khẩu học khác chỉ chiếm 8%. Tỷ lệ cử tri da trắng đi bỏ phiếu thậm chí còn cao hơn ở một số bang chiến trường quan trọng, tiêu biểu như Pennsylvania với 81% cử tri đăng ký là người da trắng và Michigan với 79%.
Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: CNN
Kịch bản thứ nhất: Lôi kéo thêm cử tri da trắng
Nhiều chuyên gia gợi ý bà Harris có thể xây dựng một liên minh đa chủng tộc áp đảo gồm tất cả các cử tri không phải da trắng để cân bằng sức mạnh của nhóm cử tri này. Trong trường hợp không thể làm được điều đó, bà phải lôi kéo một bộ phận cử tri da trắng ủng hộ đang ủng hộ ông Trump về phe mình.
Rủi ro đối với bà Harris là những cử tri da trắng không ủng hộ cựu Tổng thống có thể bị thuyết phục bởi lập luận của đối thủ chính của ông trong cuộc đua giành chức ứng cử viên của đảng Cộng hòa - bà Nikki Haley.
"Tôi không cần phải thích ông ấy hay đồng ý hoàn toàn với chính sách nghị sự cử ông ấy. Nhưng tôi hiểu rằng, cuộc sống của người dân sẽ tốt hơn với một chính sách nhập cư cứng rắn, một nền kinh tế phát triển và tình hình an ninh được bảo đảm. Đó là những gì mà ông Trump có thể mang lại nếu tái đắc cử", bà Haley phát biểu tại Đại hội đảng Cộng hòa ở Wisconsin hồi tháng 7.
Trong trường hợp có thể duy trì sự ủng hộ từ nhóm cử tri da màu trung thành và một phần nhỏ cử tri nữ da trắng đang đứng về phía đảng Dân chủ nhờ chính sách tự do sinh sản, bà Harris hoàn toàn có thể giành chiến thắng mà không cần phải giành được đa số phiếu của người da trắng. Bốn cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần nhất đã chứng minh hiệu quả của chiến lược tranh cử này.
Năm 2008, ông Barack Obama đã chạy đua với đối thủ da trắng John McCain đến từ đảng Cộng hòa. 55% cử tri da trắng đã bỏ phiếu cho đảng "đỏ" nhưng chiến thắng cuối cùng lại thuộc về cựu Tổng thống Obama nhờ những lá phiếu từ đông đảo từ các nhóm chủng tộc khác. Bốn năm sau, một chiến thắng tương tự cũng mở ra nhiệm kỳ thứ hai cho ông tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, vào năm 2016, ứng cử viên Hillary Clinton đã thua cuộc trước đối thủ Trump khi chỉ dành được 37% số phiếu bầu của người da trắng. Thất bại của bà nhanh chóng được bù đắp với chiến thắng năm 2020 của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden với chiến thuật tương tự người tiền nhiệm Obama - nỗ lực cân bằng mức độ ảnh hưởng với mọi nhóm cử tri.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đã quá muộn để bà Harris lôi kéo thêm cử tri da trắng về phe Dân chủ và chiến thuật khôn ngoan nhất hiện nay là củng cố một liên minh đa chủng tộc mà đảng "xanh" đã xây dựng từ đầu cuộc bầu cử.
Trong trường hợp bà Harris thất bại
Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy Phó Tổng thống đang gặp bất lợi ngay trong nhóm cử tri tiềm năng mà bà hướng đến. Cuộc thăm dò của tờ New York Times/Siena cho thấy bà Harris đang thua kém về tỷ lệ ủng hộ trong nhóm cử tri da trắng so hơn ba ứng cử viên Dân chủ trước đó. Trong khi đó, vẫn giữ vững ảnh hưởng đối với người Mỹ da trắng theo đường lối bảo thủ, ông Trump lai tạo ra nhiều thiện cảm đối với nhóm cử tri gốc Latin theo cách mà những người tiền nhiệm Mitt Romney và John McCain không thể làm được.
Có nhiều giả thuyết về lý do tại sao ứng viên Dân chủ Kamala Harris lại đánh mất sự ủng hộ từ nam giới trong các nhóm chủng tộc thiểu số. Nhiều ý kiến cho rằng cách thức chính quyền đương nhiệm xử lý cuộc chiến ở Trung Đông và chi phí sinh hoạt gia tăng trong thời gian gần đây là hai nguyên nhân quan trọng nhất.
Cựu Tổng thống Barack Obama. Ảnh: Getty
Trong nỗ lực tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ nhóm người thiểu số, tuần này, bà Harris vừa đến thăm Arizona. Đây là quê hương của Thượng nghị sĩ John McCain, cũng như một cựu ứng cử viên tổng thống khác là Barry Goldwater - người được coi là cha đẻ của chủ nghĩa bảo thủ hiện đại. Suốt 70 năm qua, Arizona đã bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa trong mọi cuộc bầu cử tổng thống, ngoại trừ hai năm 1996 và 2020 - khi các ứng viên Dân chủ Bill Clinton và Joe Biden lần lượt giành chiến thắng tại tiểu bang này.
Tuy nhiên, sự hiện diện của bà Harris tại Arizona cũng chưa thể đảm bảo khả năng bang này gia nhập vào phe xanh trong cuộc bầu cử năm nay. Dân số ở Arizona đang thay đổi "chóng mặt" với 1/3 là người gốc Tây Ban Nha, trong khi chỉ có 29% cử tri đã đăng ký là đảng viên Dân chủ. Các kết quả thăm dò dư luận mới nhất cũng cho thấy bà Harris đang xếp sau ông Trump về tỷ lệ ủng hộ ở bang này (45% so với 49%) do những vấn đề quan trọng đối với người dân ở đây, bao gồm chính sách nhập cư và chi phí sinh hoạt đều có thể trở thành điểm yếu của Phó Tổng thống, khi chính đảng của bà đã nắm giữ Nhà Trắng trong suốt bốn năm qua.