Nhà hát Opera Sydney, Úc
Trên thực tế, các dự án càng tốn tiền thì càng khó hoàn tất đúng thời hạn và đúng ngân sách đề ra.
Nhà hát Opera Sydney, Úc có chi phí ban đầu ước tính chỉ là 7 triệu đôla Úc (khoảng 4 triệu bảng Anh).
Nhưng rốt cuộc, tổn phí là hơn 100 triệu đôla Úc, mất hơn 10 năm làm xong năm 1973.
Tại Đức, dự án sân bay Berlin Brandenburg ban đầu dự kiến tốn 2,83 tỉ euro, khai trương 2012.
Nhưng tới cuối năm 2012, chi phí đã lên 4,3 tỉ euro, rồi tăng lên 5,4 tỉ năm 2014. Đến năm 2016, chi phí tốn tới 6,9 tỉ euro.
Nhưng đến hôm nay, sân bay vẫn chưa làm xong, và không rõ đến bao giờ mới hoạt động.
Tại Đức, dự án sân bay Berlin Brandenburg vẫn chưa xong
Tây Ban Nha khai trương sân bay 1,1 tỉ euro, Ciudad Real Central, năm 2008. Đây là một dự án của nhà đầu tư tư nhân.
Năm 2012, sân bay đóng cửa vì quá ít hành khách sử dụng, và công ty quản lý phá sản. Lúc xây sân bay trong cơn sốt xây dựng, ít ai quan tâm rằng sân bay này cách quá xa thủ đô Madrid.
Năm 2015, ban đầu Tây Ban Nha tưởng đã bán lại sân bay cho công ty Trung Quốc với giá 10.000 euro, nhưng giao dịch thất bại.
Đến hôm nay, vẫn chưa ai mua lại và sân bay còn nguyên đó, trống không.
Sân bay Ciudad Real Central giờ bỏ hoang
Tại Mỹ, một công trình tai tiếng là đường hầm Big Dig ở Boston thay thế cho đường cao tốc trên cao. Khi bắt đầu năm 1991, dự kiến nó tốn 2,8 tỉ đôla. Nhưng công trình chỉ làm xong năm 2007, với giá 14,6 tỉ đôla.
Tại Anh, cho đến gần đây, vẫn có những đại dự án tốn tiền mà trễ hẹn, quá ngân sách.
Năm 2007, sân vận động Wembley được xây mới, khai trương trễ một năm. Mặc dù ngân sách cố định là 458 triệu bảng, nhưng rốt cuộc công trình ngốn thêm 300 triệu nữa.
Tuy vậy, từ hơn một thập niên qua, nước Anh được cho là đã rút ra được nhiều bài học có ích để có một số thành công trong các đại công trình.
Năm 2008, nhà ga số 5 của sân bay Heathrow khai trương đúng hạn, đúng mức ngân sách 4,2 tỉ bảng.
Một số người cho rằng các đại công trình ở Anh có thể phân ra làm hai thời kỳ: trước và sau khi có nhà ga số 5 của Heathrow, với những cải thiện tốt hơn trong việc xây dựng.
Một nghiên cứu năm 2017 của nhóm tác giả - Andrew Davies, Mark Dodgson, David M. Gann, và Samuel C. MacAulay - nêu ra 5 bài học khi thực thi các đại công trình tốn trên 1 tỉ đôla.
Rút ra kinh nghiệm
Bài học thứ nhất, theo họ, là nghiên cứu cẩn thận những gì đã diễn ra trước đó.
Khi làm nhà ga số 5 của Heathrow, nhóm dự án nghiên cứu mọi sân bay quốc tế đã mở cửa 15 năm trước đó. Họ cũng tìm hiểu toàn bộ các dự án tốn 1 tỉ bảng tại Anh trong 10 năm trước đó.
Họ thấy một vấn đề là việc sử dụng hợp đồng giá cố định khiến rủi ro chỉ thuộc về nhà cung cấp, tạo ra quan hệ thù địch với nhà thầu. Ngoài ra, hợp đồng giá cố định khiến các bên không muốn thay đổi, mà đóng băng các thiết kế ngay từ đầu để giữ giá, và không đổi gì nữa khi làm.
Họ tính rằng nếu dùng hợp đồng cố định cho nhà ga số 5, dự án sẽ trễ một năm, và vượt quá ngân sách.
Vì thế, họ đặt ra một mô hình hợp đồng linh động, hợp tác, chứ không giữ giá cố định.
Chuẩn bị trước bất ngờ
Khi làm nhà ga số 5, nhóm dự án kết luận hợp đồng giá cố định phù hợp cho tình hình dễ đoán trước và ổn định.
Nhưng họ đặt ra thêm các hợp đồng linh động - bù thêm khi chi phí gia tăng - cho những tình huống không đoán trước, dễ xảy ra bất ngờ.
Dạng hợp đồng này ban đầu có vẻ dở vì chi phí ban đầu cao. Nhưng nó lại giúp cho hoạt động có thể dễ dàng thay đổi khi tình huống thay đổi, tạo ra văn hóa hợp tác giữa nhà thầu và khách hàng.
"Thỏa thuận nhà ga số 5" sau này được sử dụng như mô hình cho Thế vận hội 2012 ở London.
Thử nghiệm trước
Khi sử dụng công nghệ mới, bài học là cần kiểm tra chúng trong các xét nghiệm, và trong môi trường nhỏ.
Khi làm nhà ga số 5, một thử thách là lắp mái vòm với cấu trúc dài hơn 150 mét. Nhóm xây dựng đã lắp thử chúng ở địa điểm khác, để rút ra 140 bài học.
Khi nhà ga số 5 chính thức khai trương, những ngày đầu tiên hoạt động đã gây ra tai tiếng, cũng vì không diễn tập trước.
Rút kinh nghiệm, một nhóm làm nhà ga khác, số 2, đã diễn tập khai trương…hai năm trước ngày mở cửa chính thức tháng 6/2014.
Chia nhỏ rủi ro
Một đại dự án bao giờ cũng gồm hai phần: những nhiệm vụ đã chuẩn hóa, lặp lại, và những thủ tục mới mẻ.
Để cân bằng hai phần này, một bài học là hãy chia nhỏ đại công trình thành những tiểu dự án, những quá trình nhỏ. Kết quả là sẽ có những loại hợp đồng và những hợp tác khác nhau, phù hợp với từng thách thức.
Thế vận hội London 2012 áp dụng hợp đồng giá cố định cho những mảng đã quen thuộc, và hợp đồng linh động cho những tiểu dự án bất trắc hơn (như sân vận động Olympic).
Khuyến khích sáng tạo
Dự án đường sắt Crossrail đang xây dựng ở London, vào năm 2012, thiết lập quy trình khuyến khích các thành viên xây dựng gửi ý tưởng sáng tạo qua mạng.
Tính đến năm 2015, chương trình này đã thu hút hơn 800 ý tưởng đóng góp.
Nguồn: BBC