Đài truyền hình CGTV đưa tin Trung Quốc dự kiến kéo một giàn khai thác dầu nước sâu nửa nổi nửa chìm ra Biển Đông vào tháng 6.  

42 1 Cong Ty Trung Quoc Bi My Cam Van Chuan Bi Keo Gian Khoan Dau Moi Ra Bien Dong

Giàn khai thác dầu nước sâu nửa nổi nửa chìm của Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC). ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CGTV.

Theo CGTV ngày 18.1, đây là giàn khai thác dầu khí đầu tiên thuộc loại này được đóng tại Trung Quốc, hoàn tất trong vòng 21 tháng và là dự án của Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC).

Với diện tích mặt sàn lớn bằng 2 sân bóng đá tiêu chuẩn, phần thân chính của giàn khai thác có trọng lượng 110.000 tấn, tương đương 3 tàu sân bay cỡ trung. CGTV gọi đây là giàn khai thác nặng nhất của Trung Quốc. Giám đốc dự án You Xuegang của CNOOC cho biết: “Đây là giàn khai thác đầu tiên trên thế giới có thể trữ tối đa 20.000 mét khối dầu trong 10 ngày, cho phép các tàu có thêm thời gian vận chuyển dầu về đất liền”.

Giàn khai thác này đã sẵn sàng để được kéo đến lô dầu khí Lingshui 17-2 ở độ sâu 1.500 mét, cách thành phố Tam Á, đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 150 km, theo CGTV. Các tàu sẽ kéo giàn khai thác từ xưởng ở tỉnh Sơn Đông đến Hải Nam trong hải trình kéo dài 1 tháng. Ông You cho biết thêm giàn này sẽ hoạt động vào tháng 6.

CGTV đưa ra thông tin trên vài ngày sau khi chính phủ của Tổng thống Donald Trump hôm 14.1 áp đặt thêm một loạt biện pháp trừng phạt đối với các công ty và quan chức quân sự Trung Quốc vì hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong số đó, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm CNOOC vào danh sách đen được gọi là “Danh sách thực thể”, với cáo buộc CNOOC tiếp tay cho chính quyền Trung Quốc dọa dẫm các nước láng giềng ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Mỹ cho biết: "CNOOC đã nhiều lần quấy rối, đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, với mục tiêu gây rủi ro chính trị cho các đối tác của Mỹ, bao gồm Việt Nam".

Trước đây, các tàu hải cảnh Trung Quốc từng đi theo giàn khoan Hải Dương 981 của CNOOC xâm phạm chủ quyền Việt Nam năm 2014 và hộ tống tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm chủ quyền, thềm lục địa Việt Nam năm 2019.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết CNOOC "thay mặt quân đội Trung Quốc thực hiện hành động bắt nạt để dọa dẫm các nước láng giềng".

Các công ty bị liệt vào “Danh sách thực thể” của Bộ Thương mại Mỹ sẽ bị buộc phải xin giấy phép nếu muốn nhập khẩu những mặt hàng công nghệ cao từ nhà cung cấp Mỹ. Việc cấp giấy phép sẽ bị hạn chế hoặc khắc khe hơn.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, chuyên gia Lucio Blanco Pitlo III thuộc Tổ chức Asia Pacific Pathways to Progress Foundation (Philippines) nhận xét: “Giàn khai thác mới có thể giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng đơn phương thăm dò và khai thác tài nguyên ở Biển Đông”.

“Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào CNOOC có thể ảnh hưởng đến việc nhập khẩu công nghệ, thiết bị và dịch vụ có nguồn gốc từ Mỹ. Hiện vẫn chưa rõ liệu động thái từ Mỹ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của giàn khai thác mới của Trung Quốc hay không. Mặt khác, biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng có thể ngăn chặn những quốc gia sẵn sàng thực hiện thăm dò chung với CNOOC, chẳng hạn các công ty năng lượng Philippines như PNOC và PXP”, ông Pitlo lưu ý.

Phúc Duy

Nguồn: thanhnien.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC