Một thầy tu vội vã chạy khỏi khu vực hỏa thiêu thi thể COVID-19 sau khi hành lễ. Ảnh: Getty Images
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 26/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 147.763.698 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.121.769 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 710.912 và 9.270 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 125.711.613 người, 18.930.316 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 110.480 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (354.531 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (38,553 ca) và Mỹ (34.268); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.806 ca), tiếp theo là Brazil (1.188 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (347 ca)
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 32.823.921 triệu người, trong đó có 586.148 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 17.306.300 ca nhiễm, bao gồm 195.116 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 14.340.787 ca bệnh và 390.797 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà hỏa táng Nigambodh Ghat ở New Delhi, Ấn Độ ngày 22/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Châu Á- Ấn Độ nguy cấp trước "quái vật" COVID-19
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm mới cao nhất thế giới và cũng là cao nhất tại nước này từ trước tới nay, với 354.531 ca.
Đây là ngày thứ năm liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày tại quốc gia Nam Á này vượt con số cao chưa từng thấy của ngày hôm trước, trong khi nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và oxy. Trước tình hình trên, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal đã quyết định gia hạn thêm 1 tuần lệnh phong tỏa tại thành phố này nhằm kiểm soát dịch bệnh. Theo ông, phong tỏa là "vũ khí cuối cùng" mà chính quyền có để đối phó với làn sóng dịch bệnh, song do ca nhiễm tăng nhanh nên chính quyền buộc phải dùng tới.
Trong tuần từ 18 đến 25/4, Ấn Độ ghi nhận 16.257 ca tử vong, tăng tới 89% so với tuần trước đó. Hiện nước này đã ghi nhận tổng cộng 195.116 người thiệt mạng vì COVID-19.
Bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ thở oxy miễn phí tại Ghaziabad, Ấn Độ ngày 24/4/2021. Ảnh: Reuters/TTXVN
Mỹ, Pháp, Anh hỗ trợ Ấn Độ
Ngày 25/4, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ "ngay lập tức" cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo vệ có sẵn cho Ấn Độ - quốc gia đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch.
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Pháp ra thông báo cho biết nước này sẽ đề nghị hỗ trợ Ấn Độ tăng cường khả năng bổ sung hệ thống máy thở "quan trọng" trong những ngày tới, để giúp quốc gia Nam Á này chống chọi lại với đại dịch COVID-19. Theo thông báo, kế hoạch hỗ trợ của Pháp bao gồm cả các máy trợ thở.
Trước đó, chính phủ Anh cho biết sẽ gửi hơn 600 thiết bị y tế, trong đó có máy tạo oxy và máy thở, tới Ấn Độ để hỗ trợ quốc gia Nam Á này đối phó với tình trạng gia tăng đột biến số ca COVID-19.
Các bình oxy được chuẩn bị để sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ ngày 19/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hơn 1 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu
Hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu tính tới ngày 24/4, mang lại hy vọng cho cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm này trong bối cảnh số ca mắc trên thế giới tiếp tục tăng mạnh, chủ yếu do sự gia tăng số ca mắc ở Ấn Độ.
Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) dựa trên các nguồn tin chính thức, đã có ít nhất 1.002.938.540 liều vaccine đã được sử dụng tại 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn một nửa trong số đó, khoảng 58%, đã được sử dụng tại 3 nước gồm Mỹ với 225,6 triệu liều, Trung Quốc với 216,1 triệu liều và Ấn Độ với 138,4 triệu liều.
Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ dân số, Israel vẫn dẫn đầu khi cứ mỗi 10 người lại có gần 6 người được tiêm chủng đủ liều vaccine. Xếp sau Israel là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với hơn 51% dân số đã nhận được tiêm ít nhất một mũi vaccine, tiếp theo là Anh với 49%, Mỹ (42%), Chile (41%), Bahrain (38%) và Uruguay (32%). Tại Liên minh châu Âu (EU), 128 triệu liều đã được tiêm cho 21% dân số. Các quốc gia có thu nhập thấp chỉ chiếm 0,2% số liều vaccine đã được sử dụng.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Faridabad, Ấn Độ ngày 24/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tới nay, vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh-Thụy Điển)/Đại học Oxford bao chế vẫn là chế phẩm được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới khi được vào chương trình tiêm chủng của 156 trong tổng số 207 quốc gia và vùng lãnh thổ trên.
Trong khi đó, vaccine của Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) đã được sử dụng tại 91 nước, chiếm 44% trong tổng số 207 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tiếp theo là vaccine của hãng Moderna (Mỹ) với 46 nước hay tương đương 22%; vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) với ít nhất 41 nước - 20%; vaccine Sputnik V (Nga) với ít nhất 31 nước - 15% và vaccine Sinovac (Trung Quốc) với ít nhất 21 nước - 10%.
Châu Âu: Thụy Sĩ có ca đầu tiên mắc biến thể ở Ấn Độ
Đáng lo ngại, Thụy Sĩ đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ. Ca bệnh này là một hành khách quá cảnh hàng không tại Thụy Sĩ và không đến trực tiếp từ Ấn Độ. Hiện nhà chức trách Thụy Sĩ đang tiến hành tham vấn về việc liệu có đưa Ấn Độ vào danh sách các nước có nguy cơ cao, theo đó, người dân đến từ quốc gia Nam Á này sẽ phải cách ly ngay tại điểm đến.
Đức lên kế hoạch nới lỏng hạn chế đối với người đã tiêm vaccine
Bộ Tư pháp liên bang Đức đang đề xuất quy định mới, theo đó một số hạn chế nghiêm ngặt trong công tác phòng dịch có thể được loại bỏ đối với những người đã được tiêm đủ mũi vaccine ngừa COVID-19.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Freising, Đức, ngày 12/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Tư pháp liên bang Đức Christine Lambrecht cho biết một số hạn chế nhất định cần sớm được loại bỏ đối với những người đã được tiêm đủ mũi vaccine ngừa COVID-19.
Bà Lambrecht nói: “Nếu có thể chắc chắn rằng việc tiêm phòng không chỉ ngăn ngừa nhiễm virus mà còn có thể chống lại sự lây lan của nó, thì các biện pháp phòng chống cũng phải được xem xét. Đây không phải là đặc quyền dành cho những người được tiêm chủng mà là một yêu cầu của Hiến pháp”.
Hiện ngày càng có nhiều lời kêu gọi cần sớm nới lỏng quy định đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Peter Altmaier cho rằng nếu quy định này có được thông qua thì cũng chưa thể thực hiện ngay.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bỉ tạm cấm sinh viên nước ngoài
Bộ trưởng phụ trách Tị nạn và Nhập cư của Bỉ Sammy Mahdi, đã yêu cầu Ủy ban phòng chống COVID-19 tạm thời cấm sinh viên nước ngoài đến Bỉ để theo học các khóa học hay thực tập.
Đề nghị này được đưa ra sau khi nước này ngày 22/4 phát hiện 20 sinh viên trong nhóm 43 sinh viên Ấn Độ đến Bỉ học 1 năm chuyên ngành y tá đã nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ. Các sinh viên này nhập cảnh châu Âu hôm 12/4. Trước khi lên máy bay tại Ấn Độ, tất cả đã làm xét nghiệm PCR và khi xuống máy bay tại Paris đã làm xét nghiệm nhanh, kết quả đều là âm tính. Sau đó nhóm sinh viên di chuyển tới 2 thành phố khác nhau của Bỉ và tự cách ly 2 tuần trong ký túc xá. Bảy ngày sau khi nhập cảnh, xét nghiệm PCR lần thứ hai cho kết quả có 20 sinh viên đã nhiễm biến thể mới.
Đông Nam Á: Dịch bệnh lây lan tại 22/25 tỉnh thành Campuchia
Dịch COVID-19 đã lan ra khắp 22/25 tỉnh thành của Campuchia, trong đó tỉnh Banteay Meanchey giáp giới với Thái Lan lần đầu tiên đã công bố một số điểm nóng dịch bệnh.
Theo số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố chiều 25/4, số ca nhiễm mới theo ngày ở nước này vẫn ở mức 3 chữ số, với 616 trường hợp. Toàn bộ 616 ca nhiễm mới đều liên quan tới “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”, gồm công dân Campuchia và Trung Quốc sống tại các tỉnh Kampong Speu, Koh Kong, Kampong Chnang, Kandal, Kampong Thom, Mondulkiri, Svay Rieng, Prey Veng, Takeo, Sihanoukville và thủ đô Phnom Penh.
Tính đến nay, Campuchia ghi nhận 9.975 bệnh nhân COVID-19, bao gồm 74 ca tử vong.
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Phnom Penh, Cambodia, ngày 17/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Thái Lan: Ca tử vong lần đầu lên 2 con số
Ngày 25/4, Thái Lan lần đầu tiên ghi nhận số người tử vong vì đại dịch COVID-19 theo ngày ở mức hai con số, trong khi số ca mắc mới trong 24 giờ qua vẫn vượt ngưỡng 2.000 người.
Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) thông báo ghi nhận thêm 2.438 ca mắc COVID-19, trong đó chỉ có 5 ca nhập cảnh, nâng tổng số các ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 55.460 ca. CCSA cũng ghi nhận 11 người tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người không qua khỏi vì COVID-19 lên 140 bệnh nhân.
Bệnh viện dã chiến tại một sân vận động ở ngoại ô Bangkok vào ngày 18/4/2021. Ảnh: AFP
Trước đó một ngày, Thái Lan cũng ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở mức cao kỷ lục là 2.839 ca. Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết các tỉnh trưởng có thể đóng cửa các địa điểm công cộng và áp đặt lệnh giới nghiêm nếu cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Cùng ngày, Thái Lan đã thông báo lệnh cấm người nước ngoài từ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm một biến thể của virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giới chức thủ đô Bangkok đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm như công viên, phòng tập thể dục thể thao, rạp chiếu phim và trung tâm và nhà trẻ từ ngày 26/4 đến hết ngày 9/5. Các trung tâm thương mại vẫn mở cửa song Hiệp hội Các nhà bán lẻ Thái Lan đã giới hạn giờ mở cửa tại Bangkok, cũng như tại 17 tỉnh khác.
Hàng nghìn ca nhiễm mới tại Philippines, Indonesia và Malaysia
Philippines, Indonesia và Malaysia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca lây nhiễm mới trong ngày 25/4, cho thấy diễn biến dịch bệnh ở các nước Đông Nam Á này vẫn rất phức tạp.
Người dân Philippines chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại Quezon City ngày 20/4/2021. Ảnh: Philstar
Ngày 25/4, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này ghi nhận 8.162 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại đây lên 997.523 người. Đây là ngày thứ bảy liên tiếp, Philippines ghi nhận số ca mắc mới dưới 10.000 ca/ngày, tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn ở mức ca.
Trong tuần tới, lực lượng chống COVID-19 liên ngành của Philippines sẽ đưa ra quyết định về gia hạn hay nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại khu vực thủ đô Manila cùng 4 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao. Dự kiến, lệnh phong tỏa phòng dịch sẽ kết thúc vào ngày 30/4.
Tại Indonesia, số ca mắc COVID-19 đã tăng thêm 4.402 ca chỉ trong 1 ngày, nâng tổng số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 1.641.194. Thủ đô Jakarta vẫn là tâm dịch với 896 ca nhiễm mới, tiếp sau là West Java 683 ca, Riau 404 ca, Bangka Belitung 263 ca và Central Java 247 ca. Số bệnh nhân không qua khỏi tại nước này là 44.594 người sau khi ghi nhận thêm 90 ca trong 24 giờ qua.
Indonesia ngừng cấp visa cho khách nước ngoài từng đến Ấn Độ trong vòng 14 ngày trước. Ảnh: EPA-EFE
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia cho biết ghi nhận thêm 2.690 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó có 2.680 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cũng trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 10 ca tử vong do COVID-19. Tính đến thời điểm hiện tại, Malaysia có tổng cộng 392.942 ca nhiễm và 1.436 ca tử vong do COVID-19.
Thu Hằng
Nguồn: baotintuc.vn