Quyết định rúng động
Một ngày sau khi đoàn Mỹ rời Thượng Hải trở về từ vòng đàm phán thương mại “mang tính xây dựng” với đối tác Trung Quốc, ông Trump đã cho đăng tải một loạt dòng trạng thái trên tài khoản Twitter của mình. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/9/2019, Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Điều này có nghĩa gần như tất cả trong hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hằng năm bị áp thuế. Và không chỉ có vậy, ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng còn đe dọa sẽ tăng cường đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc tới khi nào đạt được thỏa thuận thương mại mới thôi.
Trên thực tế, Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã hoàn thành điều trần về việc áp thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ hạ tuần tháng 6/2019.
Bản danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc diện bị đánh thuế lần này dài gần 140 trang, bao phủ gần như tất cả các mặt hàng tiêu dùng chưa bị đánh thuế ở 2 vòng trước (có trị giá lần lượt là 50 tỷ USD và 200 tỷ USD). Đó là điện thoại, máy tính bảng, giầy dép, quần áo, thịt, sữa… chỉ không bao gồm sản phẩm y tế, thuốc, đất hiếm và khoáng sản quan trọng.
Ông Trump gặp ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2019. Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images
Trước khi ông Trump viết những dòng trạng thái khiến thị trường chứng khoán toàn thế giới chao đảo nêu trên, không ít cảnh báo cho rằng Mỹ cần phải thận trọng với quyết định mở rộng quy mô áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Nguyên nhân là do nó sẽ gây ra ảnh hưởng sâu rộng, khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho việc mua sắm, không có lợi cho ông Trump trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần còn ông Trump đã quyết định tranh cử một lần nữa.
Thậm chí, nguồn tin của Bloomberg còn cho hay ông Trump đã từ chối đề nghị của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin về việc thông báo trước biện pháp thuế quan mới cho Trung Quốc.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney cũng báo cáo kỹ lưỡng về tác động đối với thị trường trong trường hợp Mỹ áp thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump đã không hề lo ngại về khả năng quyết định này sẽ làm thị trường chứng khoán lao dốc, cho biết tất cả đã nằm trong dự tính.
Quân bài trả đũa
Sau khi ông Trump quyết định áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích, coi đây là động thái vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận mà hai nguyên thủ Trung-Mỹ đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản).
Thông cáo ngày 2/8 của Bộ Thương mại Trung Quốc còn nhấn mạnh nước này sẽ phải đưa ra các biện pháp trả đũa cần thiết để kiên quyết bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình và tất cả các hậu quả sẽ do Mỹ hứng chịu.
Vậy Trung Quốc có những quân bài nào để trả đũa Mỹ? Theo Bloomberg, phía Trung Quốc có thể ra đòn nhằm vào nông sản Mỹ, hãng chế tạo máy bay Boeing và đất hiếm. Cụ thể:
Quyết định nêu trên của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới Boeing ra sao có thể phần nào thấy được từ diễn biến giá cổ phiếu của hãng chế tạo máy bay này. Sau khi thông tin về biện pháp thuế quan mới loan đi, giá cổ phiếu Boeing lập tức quay đầu, đang tăng 1% thành giảm 2% so với phiên trước.
Nguyên nhân là do Boeing đang đàm phán với nhiều hãng hàng không Trung Quốc về việc cung cấp máy bay thân rộng, nhưng chiến tranh thương mại leo thang có thể khiến phía Trung Quốc trì hoãn, thậm chí là hủy bỏ đơn đặt hàng.
Ảnh minh họa: Getty
Trái với diễn biến của giá cổ phiếu Boeing, sau khi ông Trump viết những dòng trạng thái về việc áp thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, giá cổ phiếu các công ty thuộc lĩnh vực đất hiếm đã tăng mạnh. Bởi đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu cho ngành chế tạo ô tô, trang thiết bị vũ khí quân sự… Trong khi đó, Trung Quốc đang lũng đoạn thị trường đất hiếm thế giới và dư luận lo ngại Bắc Kinh sẽ ra đòn trong lĩnh vực này.
Đối với nông sản Mỹ, trước khi diễn ra vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung thứ 12, Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu thiện chí mua hàng loạt sản phẩm nông nghiệp Mỹ, gồm đậu tương, bông… Hiện nay đang là thời kỳ then chốt để các nhà nhập khẩu nước ngoài đặt mua nông sản Mỹ trong quý III, nếu căng thẳng leo thang, phía Trung Quốc có thể hủy bỏ, gây ra ảnh hưởng tương đối lớn.
Ván cược vô tiền khoáng hậu
Ông Trump bất ngờ leo thang trừng phạt thuế quan đối với Trung Quốc rõ ràng là muốn sử dụng thủ pháp “gây sức ép tối đa” để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong đàm phán thương mại. Tuy nhiên, vì sự tôn nghiêm và lợi ích quốc gia, phía Trung Quốc thực sự rất khó để đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ trong bối cảnh “bị dí súng vào đầu”.
Logic trong sự cứng rắn của Trung Quốc có thể đến từ sự tự tin đối với tình hình kinh tế vĩ mô. Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin Bắc Kinh cho biết giới quyết sách Trung Quốc nhận định kinh tế nước này đã thoát đáy, cho nên, không cần vội vàng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Ngược lại, bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, biện pháp thuế quan khiến nông dân và người tiêu dùng Mỹ thiệt hại trở thành vấn đề đau đầu đối với ông Trump.
Đối với Mỹ, theo chuyên gia kinh tế cao cấp Robert E. Scott thuộc Viện Chính sách kinh tế (Mỹ) có thể ông Trump cho rằng chiến tranh thương mại nếu kéo dài thêm hơn 1 năm nữa cũng không gây ra ảnh hưởng mang tính thảm họa đối với kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, nếu kinh tế Mỹ xuất hiện dấu hiệu không lạc quan, một số chuyên gia cho rằng “bàn tay hữu hình” của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể là cứu cánh.
Rốt cuộc, hai nước cùng cứng rắn trong vấn đề thương mại, không ai chịu nhường ai. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách thương mại thuộc Viện Nghiên cứu Cato (Mỹ) Simon Lester, sở dĩ hai bên khó đạt được thỏa thuận thương mại là do Mỹ đang theo đuổi một thỏa thuận chủ yếu liên quan tới việc Trung Quốc phải nhượng bộ còn Trung Quốc cũng muốn nhìn thấy một số nhượng bộ lớn từ Mỹ.
Cuộc tranh cử của ông Trump vào năm 2020 dường như đã trở thành một yếu tố có ảnh hưởng then chốt đối với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: Getty
Vấn đề ở chỗ chính giới hai nước đều tự cho rằng mình sở hữu những quân bài đàm phán có trọng lượng hơn, cho nên đều không muốn nhượng bộ. Dường như, hai nước đầu đang đặt cược đối với vận mệnh đất nước.
Nhưng nếu cứ kiên trì lập trường hiện nay e rằng chỉ khiến chiến tranh thương mại leo thang, dồn hai nước tới chỗ “lưỡng bại câu thương”.
Đối với Mỹ, sau khi tăng cường biện pháp thuế quan không rõ người tiêu dùng Mỹ có thể tiếp tục thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng trong bao lâu. Hiện nay, một bộ phận nông dân và nhà chế tạo Mỹ nói họ đã cảm nhận được áp lực từ chiến tranh thương mại.
Bên cạnh đó, việc đồng USD mạnh lên cũng là một phiền toái đối với kinh tế Mỹ. Đồng USD mạnh sẽ làm gia tăng thâm hụt thương mại và tổn thất đối với ngành chế tạo Mỹ do sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ giảm xuống. Nhưng ngay cả khi Fed giảm lãi suất hôm 31/7, xu thế đi lên của đồng USD vẫn chưa bị chặn lại.
Ông Trump luôn coi tăng trưởng kinh tế là một trong những thành tích nổi bật từ khi lên cầm quyền, nhưng chiến tranh thương mại kéo dài, ảnh hưởng đối với kinh tế Mỹ sẽ dần xuất hiện. Cộng thêm tác động từ đồng USD mạnh, tất cả có thể sẽ phủ bóng mây đen lên kinh tế Mỹ, đương nhiên không có lợi cho việc tranh cử tái nhiệm của ông Trump.
Đối với Trung Quốc, kinh tế nước này đã ổn định hay chưa tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi, rất khó kết luận “sau mưa trời đã nắng”. Cho dù một vài chỉ số đã tăng trở lại, nhưng trong bối cảnh căng thẳng thương mại tiếp tục, áp lực kinh tế giảm tốc vẫn lớn.
Bằng chứng là Trung Quốc đã thực hiện hàng hoạt biện pháp kích thích kinh tế, ổn định tăng trưởng, nhưng Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) vẫn dưới mức 50 điểm, cho thấy sản xuất vẫn trong tình trạng bị thu hẹp.
Nguồn: DKN.tv