Tháng 4/2018, khi Kim Jong Un (Kim Chính Ân) nắm tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tươi cười bước qua dải phân cách biên giới, lịch sử của bán đảo Triều Tiên dường như bước sang một trang mới. Người ta đã mơ về viễn cảnh một bán đảo Triều Tiên không còn chiến tranh, không còn mối đe dọa hạt nhân và thậm chí dân tộc Triều Tiên trở về một mối dưới một chính phủ liên bang do nhân dân lựa chọn.

42 1 Dai Ke Cua Kim Jong Un Trong Cuoc Gap Thuong Dinh Voi Donald TrumpÔng Kim Jong Un và Moon Jae In nắm tay nhau bước qua dải phân cách biên giới Nam-Bắc Triều Tiên ngày 27/4/2018 (Ảnh: Press Pool)

Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng chỉ cách thượng đỉnh Moon-Kim vài tháng, bán đảo Triều Tiên đã ở bên miệng hố chiến tranh. Kim Jong Un đe dọa tấn công bằng tên lửa hạt nhân thẳng vào thủ đô Washington của Mỹ. Bình Nhưỡng gọi Seoul là “con rối của bọn tư bản” và đội pháo binh biên giới miền Bắc tập trận để sẵn sàng biến Seoul thành bình địa chỉ trong một giờ.

Từ Nhà Trắng, ông Trump khoe Mỹ còn có kho hạt nhân lớn hơn và nếu cần thì sẵn sàng xóa sổ Bắc Hàn. Mỹ yêu cầu Bắc Hàn phải từ bỏ hạt nhân để đổi lấy việc khỏi bị trừng phạt kinh tế, Bắc Hàn thì tuyên bố hạt nhân là lá chắn bảo vệ sinh mạng của họ và chỉ xem xét giải trừ khi Mỹ không tập trận với Hàn Quốc nữa và rút quân về nước – một lựa chọn mà Mỹ chắc chắn không bao giờ đồng ý.

Khi mà bế tắc dường như không tìm được lối thoát thì bỗng nhiên Kim Jong Un từ “gã tên lửa tý hon” trở thành một chàng trai ngoan đáng yêu đến không ngờ.

Từ việc đánh tiếng với Hàn Quốc về triển vọng của một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nam Hàn tới việc ngừng hoàn toàn các vụ thử tên lửa.

Sau hội nghị Liên Triều, bán đảo Triều Tiễn bỗng chốc sóng im bể lặng, hai bên bắt tay nhau cam kết hòa bình vĩnh viễn, nỗ lực hướng tới một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Mọi vấn đề, căng thẳng, mâu thuẫn vài tháng trước đó suýt đẩy Nam-Bắc Triều Tiên vào bờ vực chiến tranh, bỗng dưng tan biến như bọt biển.

Vậy điều gì đã xảy ra? 

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Kim Jong Un

Năm 2011, Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) cha của Kim Jong Un qua đời, ngai vàng nhà họ Kim được truyền lại cho người con trai út Kim Jong Un chứ không phải anh trai Kim Jong Nam.

Trước đó, Bắc Kinh luôn muốn đưa Kim Jong Nam lên nắm quyền chứ không phải Jong Un, bởi nắm rõ thiên hướng nhút nhát, thích ăn chơi và dễ kiểm soát của ông này, trái với tính cách mạnh bạo ngông cuồng của Kim Jong Un.

Khi bị thất sủng Kim Jong Nam đã chạy sang nương nhờ tại Macau, Trung Quốc. Báo chí phương Tây mô tả Kim Jong Nam là “người có tư tưởng cởi mở” hơn người em cùng cha khác mẹ Kim Jong Un, tuy nhiên ngoài việc có 2 gia đình với 2 người vợ ở Macau và Hồng Kông, công việc hằng ngày của Kim Jong Nam là tới các sòng bài ở Macau và Malaysia đánh bạc.

Chắc chắn nguồn tiền cũng đến từ Bắc Kinh với mục tiêu nuôi dưỡng kẻ mà họ mưu đồ thế chỗ Kim Jong Un.

Kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền, quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng nguội lạnh hẳn.

Lãnh đạo Trung Quốc không hề cho mời Kim sang như một nghi thức truyền thống công nhận người đứng đầu của đất nước mà Trung Quốc bảo hộ từ năm 1949.

Tại sao Kim Jong Un lại lạnh nhạt với Bắc Kinh như vậy? Có những đồn đoán bên lề rằng cái chết của người cha Kim Chính Nhật không phải là ngẫu nhiên.

CIA đã nắm trong tay bằng chứng rằng Chính Nhật bị Trung Quốc ám sát.

Trong vòng đàm phán sáu bên vòng đàm phán thứ năm – giai đoạn ba (năm 2007), Bắc Triều Tiên đồng ý đóng cửa các cơ sở hạt nhân, đổi lại, họ muốn nhận viện trợ về nhiên liệu và bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Theo đúng lịch trình, Kim Chính Nhật sẽ đồng ý từ bỏ hạt nhân để đổi lấy viện trợ và mở cửa kinh tế với Mỹ và Nhật Bản, tuy nhiên điều này đã khiến Bắc Kinh bất an. Năm 2009, Kim Chính Nhật đã bị gây áp lực, buộc phải phóng tên lửa và đàm phán đổ vỡ, Liên Hiệp Quốc lại siết chặt trừng phạt, Bắc Hàn lại quay trở về sống dưới cái bóng của Bắc Kinh.

Trước khi chết, Kim Chính Nhật cũng không tuân theo lời Bắc Kinh mà cho con trai út làm người kế nghiệp. Rõ ràng là Kim Jong Un và em gái Kim Yo Jong đã được cha truyền đạt lại âm mưu thay máu của Bắc Kinh.

Đây cũng là nguồn gốc cho mối bất hòa sâu sắc giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, cũng là khởi nguồn cho tham vọng thoát Trung của Kim Jong Un.

Kế hoạch thoát Trung của Kim Jong Un

Trước nguy cơ đầu của mình lúc nào cũng có thể bị Bắc Kinh thay thế, Kim Jong Un cùng em gái đã lập một kế hoạch để thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc, một tham vọng chưa có tiền lệ kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1953.

Các nhà quan sát gần như đồng nhất trong đánh giá rằng ĐCSTQ, cũng như cách mà họ đã tạo ra Pol Pot ở Campuchia, đã duy trì một chế độ Bắc Hàn chỉ vừa đủ sống sót và thoi thóp lệ thuộc mọi mặt vào Bắc Kinh.

Bắc Kinh sẵn sàng viện trợ để chế độ nhà họ Kim tồn tại càng lâu càng tốt nhằm bảo đảm an ninh cho mặt phía đông duy nhất chưa bị đồng minh của Mỹ làm chủ, tuy nhiên không cho phép Bình Nhưỡng mở cửa, giàu có hoặc tự do với nguy cơ thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn này.

Để thực hiện được tham vọng thoát Trung, Kim Jong Un bộc lộ cho Trung Quốc và thế giới bên ngoài một tính cách “điên rồ và độc ác và khó đoán nhất”. Ông ta liên tục thanh trừ các tướng lĩnh thân Trung Quốc trong gia tộc của mình, đồng thời đẩy mạnh căng thẳng với Hàn Quốc và Mỹ theo định kỳ để làm Bắc Kinh không nghi ngờ.

Thứ hai, Kim Jong Un lao vào phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa. Để thoát Trung, Kim cần có sự ủng hộ của Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên nếu bước vào bàn đàm phán với tư cách một đất nước yếu đuối rệu rã ở mọi mặt, Kim Jong Un có nguy cơ bị truất mất luôn ngai vàng của mình. Ông ta phải có cái gì đó để đánh đổi với người Mỹ, và đó là hạt nhân. 

Sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ hạt nhân của Bắc Hàn dưới thời Kim Jong Un đã khiến Bắc Hàn trở thành tâm điểm của cả thế giới, buộc Mỹ phải xoay trục từ Trung Đông sang Đông Á.

Mục tiêu của việc này là buộc Trung Quốc, lúc này đang có quan hệ nguội lạnh nhất với Bắc Hàn sau vụ ám sát Kim Jong Nam, phải gia nhập cùng Mỹ và Liên Hiệp Quốc, thực hiện nhiều lệnh trừng phạt kinh tế và đẩy mối quan hệ với Bình Nhưỡng ra xa thêm. Tuy nhiên đằng sau Bắc Kinh vẫn phải âm thầm viện trợ để chế độ Bình Nhưỡng không sụp đổ. Bằng chứng là đường ống dẫn dầu chảy thẳng từ Trung Quốc sang Bình Nhưỡng được ví như mạch sống của Bắc Hàn, chưa bao giờ ngừng chảy quá một ngày.

Sau vụ thử bom hạt nhân thành công nhất vào tháng 9/2017, Bắc Hàn lại phát động cuộc khẩu chiến với tân chính quyền Donald Trump và tân chính quyền Hàn Quốc Moon Jae-in. Động thái này nhằm kiểm chứng “độ rắn” của ông Trump. Nếu Mỹ chịu xuống thang và ngồi vào bàn đàm phán mà không cần Bắc Hàn từ bỏ hạt nhân, Kim sẽ vừa có được viện trợ của Mỹ và Hàn Quốc vừa giữ được hạt nhân giống như cha mình. Tuy nhiên, ông Trump liên tục thể hiện là một người quá cứng rắn, không sợ chiến tranh và buộc Bình Nhưỡng phải đồng ý bỏ hạt nhân trước mới đàm phán, Kim Jong Un phải đi những bước thận trọng hơn.

Đầu tiên ông ta cho em gái Kim Yo Jong, một người đã chứng tỏ là một nhà ngoại giao cực kỳ khôn khéo sang Hàn Quốc nhân dịp Olympic để gặp mặt Tổng thống Moon Jae-in, một người gốc Bắc Hàn và luôn luôn muốn hướng đến sự hòa giải hai miền. Nhận được tín hiệu đồng ý gặp mặt trực tiếp của ông Moon, Kim Jong Un lập tức chấm dứt hoạt động thử tên lửa, bom hạt nhân cũng như dừng khẩu chiến với Donald Trump.

42 2 Dai Ke Cua Kim Jong Un Trong Cuoc Gap Thuong Dinh Voi Donald Trump(Kim Yo Jong, em gái Kim Jong Un lãnh sứ mạng làm cầu nối với Tổng thống Nam Hàm Moon Jae-in. Cô Kim được truyền thông phương Tây ca ngợi là đã dùng chiến thuật “ngoại giao quyến rũ” để trở thành tâm điểm khi có mặt ở Hàn Quốc)

Thông qua Hàn Quốc, Mỹ đã nhận được tín hiệu cầu hòa của Bắc Hàn. Ông Trump lập tức cử giám đốc CIA Mike Pompeo tới Bắc Hàn để gặp trực tiếp Kim Jong Un vào ngày 1/4. Trong chuyến đi này, Bắc Hàn cũng cam kết thả ba con tin người Mỹ đã bị Bình Nhưỡng xử tù khổ sai.

Trước khi gặp Moon ngày 27/4, Kim Jong Un âm thầm tới Trung Quốc “đi chầu” để báo cáo về kế hoạch gặp mặt ông Moon này nhằm làm yên lòng Bắc Kinh. Một mặt Kim biết rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận mình “vượt mặt” tới gặp lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ trước mà không thông qua Bắc Kinh, một mặt Kim Jong Un vẫn cần Trung Quốc bảo vệ nếu các cuộc đàm phán với phía Nam Hàn đổ bể. Tuy nhiên trong cuộc gặp với Tập Cận Bình, rõ ràng Kim Jong Un đã không đề cập tới việc nước này sẵn sàng từ bỏ hạt nhân để đổi lấy hòa bình và phát triển kinh tế. Quả thực sau khi tin tức từ Nam Hàn lọt ra rằng Bình Nhưỡng sẽ đóng cửa các bãi thử hạt nhân vào tháng 5 và mời chuyên gia cũng như ký giả của Mỹ tới thị sát, Trung Quốc đã tức giận chơi trò chọc gậy bánh xe.

Các tờ báo của Bắc Kinh cho đăng phát hiện mới nhất của “các chuyên gia Trung Quốc” rằng sở dĩ Kim cam kết đóng bãi thử hạt nhân là vì nó đã bị sập từ tháng 9 năm ngoái, do đó, Kim không hề thành thực trong cam kết từ bỏ hạt nhân để đổi lấy hòa bình của mình.

Ngay lập tức CIA Mỹ phản bác “bãi thử Punggye-ri vẫn hoạt động bình thường vì còn 2 hầm ngầm vẫn có thể sử dụng trong tương lai“. Tiếp đà phản bác của Viện Mỹ – Hàn Quốc tại Đại học Johns Hopkins, Kim Jong Un tuyên bố thẳng “một số người Trung Quốc nói rằng chúng tôi sẽ tháo dỡ cơ sở đã không còn sử dụng được nữa, nhưng vẫn có 2 đường hầm lớn còn nguyên và đây là điều kiện rất tốt mà bạn sẽ thấy”.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều thành công tốt đẹp, sau khi Moon Jae-in được xác nhận mục đích ban đầu của Kim Jong Un là thoát khỏi sự kìm kẹp của Trung Quốc. Hai bên nói về hòa bình vĩnh viễn và viễn cảnh thống nhất.

Khi ông Moon bày tỏ muốn đến núi Trường Bạch tại Bắc Hàn, Kim Jong Un đã thành thực trả lời:

 “Thật tình tôi lo là hệ thống vận tải của chúng tôi tệ lắm, có thể làm ông khó chịu… Tôi sẽ mất mặt nếu ông tới thăm Triều Tiên sau khi sống trong môi trường của Hàn Quốc“. Câu trả lời đơn giản này của lãnh đạo Bắc Hàn khác hoàn toàn những tuyên truyền về “tư bản giãy chết” những lời kêu gọi “nhân dân Hàn Quốc đang thoi thóp dưới gót giày của đế quốc tư bản” mà KCNA thường xuyên tung ra. Đây là một sự nhận xét thành thực, đồng thời thể hiện mong muốn thay đổi hiện trạng của đất nước.

Thượng đỉnh Trump-Kim vào đầu tháng 6 sẽ là mảnh ghép cuối cùng trong kịch bản thoát Trung đầy táo bạo và bất ngờ của Kim Jong Un. Sự đánh đổi chương trình hạt nhân tiến bộ của mình để đổi lấy đảm bảo từ Nhà Trắng và thoát khỏi lưỡi gươm Damocles từ Bắc Kinh đối với Kim Jong Un là hoàn toàn xứng đáng, ngoài ra, nó còn mở ra nhiều con đường phát triển mới cho dân tộc Triều Tiên.

Con đường nào tiếp theo cho Bắc Hàn?

Năm 1986, đối diện với sự sụp đổ của Đảng, Đặng Tiểu Bình vứt bỏ mô hình kinh tế tập trung học từ Liên Xô, áp dụng cái gọi là thuyết “mèo trắng – mèo đen”, quay về phía kinh tế thị trường, mở cửa đất nước với tư bản nước ngoài. Nhờ đó, ĐCSTQ tiếp tục nắm giữ được quyền lực cho tới ngày nay.

Đây có thể xem như bài học khả thi nhất của Kim Jong Un khi vừa muốn giữ chế độ, vừa thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh.

Trên Nikkei Review số ra 30/4, nhà báo Katsuji Nakazawa nhận định: “Kim Jong-un đang xây dựng một mô hình kinh tế – xã hội đặc thù của Triều Tiên, chứ không chấp nhận nhập khẩu mô hình cải cách của Trung Quốc.”

Kim sẽ không lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, bởi cái giá phải trả có thể là chính cái đầu của ông ta. Kim Jong-un đang tìm kiếm 2 sự bảo đảm từ Tổng thống Donald Trump, một là Washington sẽ không can thiệp vào chính phủ của ông, hai là bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.

Nếu Donald Trump gật đầu, nguồn vốn từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể nhanh chóng đổ vào Triều Tiên. Chỉ cần Kim Jong-un đủ khéo léo, ông có thể nhận được sự chuyển giao công nghệ từ phương Tây như Trung Quốc đã từng nhận được. Khi ông Kim Jong-un vượt qua các thách thức này, dừng chương trình hạt nhân và tên lửa, điều này sẽ được ông Tập Cận Bình chào đón, bởi lựa chọn này tốt hơn nhiều một cuộc chiến tranh giữa Mỹ với Triều Tiên.

Nhưng ngay sau đó, Trung Quốc sẽ thấy “nguy cơ” Mỹ và Triều Tiên, có thể thêm Hàn Quốc, sẽ giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên mà không cần Bắc Kinh.

Một dự đoán lạc quan và táo bạo hơn là Kim Jong Un chấp nhận thoái lui quyền lực để hai miền Triều Tiên sớm thống nhất dưới một nhà nước liên bang. Làm được điều này, dân tộc Triều Tiên sẽ sớm được đoàn tụ và Kim Jong Un, giống như các tướng lĩnh trong chính quyền quân sự của Miến Điện, có thể trở thành anh hùng dân tộc.

Tuy kịch bản này khó có thể xảy ra nếu xét về lịch sử tàn bạo của gia tộc họ Kim và địa ngục mà người dân Bắc Hàn vẫn đang phải vận lộn để tồn tại, nhưng bất kỳ một con đường nào khác hướng tới mở cửa và hòa bình với thế giới đều sẽ giúp nhân dân Triều Tiên có được một tương lai tốt đẹp hơn so với hàng chục năm sống dưới lá chắn của Trung Quốc.

Trọng Đạt

trithucvn.net

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC