Người vô gia cư trên đường phố New York (Ảnh minh họa: AP)
Chỉ 3 tuần trước, Miguel Rodriguez vẫn còn tận hưởng cuộc sống dễ chịu với công việc bồi bàn tại La Ferme, một nhà hàng Pháp tại bang Maryland. Đây là công việc anh đã làm suốt 20 năm qua.
Nền kinh tế Mỹ trước đó phát triển mạnh mẽ và Rodriguez từng có một cuộc sống thoải mái.
Mọi thứ thay đổi sau một đêm khi La Ferme buộc phải đóng cửa do lệnh phong tỏa toàn bang nhằm kiểm soát sự bùng phát của dịch Covid-19.
Vợ của Rodriguez, người làm bồi bàn tại một nhà hàng khác, cũng bị mất việc.
Dịch Covid-19 ngay lập tức đẩy hàng triệu người lao động Mỹ vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói, trong một cuộc khủng hoảng đang làm lộ dần và khoét sâu thêm tình trạng bất bình đẳng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các gia đình thu nhập thấp và trung lưu là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nhất bởi dịch Covid-19, và họ cũng không có nhiều khoản tiết kiệm.
“Đây là đòn giáng nặng nề vào hàng triệu người Mỹ, những người gần như chưa hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008”, Edward Alden, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định.
Theo Alden, tiền lương thực sự của người dân Mỹ phải mất tới 8 năm mới hồi phục sau cuộc khủng hoảng năm 2008, và cũng mới tăng với nhóm lao động thu nhập thấp trong 2 năm gần đây.
Tiền lương năm 2019 tăng nhanh nhất trong 20 năm qua, một phần nhờ một số bang nâng mức lương tối thiểu.
“Cuộc khủng hoảng lần này, với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, sẽ xóa bỏ toàn bộ thành tựu đã đạt được trước đó”, chuyên gia Alden nhận định.
Chuỗi tăng trưởng việc làm suốt 1 thập niên tại Mỹ đột ngột dừng lại hồi tháng 3, khi nền kinh tế nước này mất 701.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 4,4% – mức cao nhất trong 45 năm qua.
Tổng thống Donald Trump, người đang chạy đua tái tranh cử, vẫn thường tự hào về tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục trong nhóm dân cư da màu và gốc Tây Ban Nha tại Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ tất nghiệp của cả hai nhóm này đều tăng lên hồi tháng trước.
Thậm chí trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng, tình trạng bất bình đẳng vẫn tiếp tục được nới rộng giữa một bên là nhóm người Mỹ giàu có nhất, gồm những người tích lũy lợi nhuận đáng kể từ phố Wall, và 90% dân số còn lại.
Theo chuyên gia kinh tế Gregory Daco tại Oxford Economics, dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu vào khủng hoảng và tình trạng suy thoái “sẽ càng làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng” trong xã hội Mỹ.
Gần 10 triệu người lao động Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 2 tuần cuối của tháng 3. Tình trạng mất việc đột ngột tập trung vào nhóm lao động dịch vụ thu nhập thấp, trong khi tỷ lệ tiết kiệm của người dân Mỹ ở mức cực thấp.
Tiết kiệm ít
Rodriguez, 55 tuổi, buồn bã khi lần đầu tiên phải trông cậy vào trợ cấp thất nghiệp kể từ khi ông từ El Salvador đặt chân tới Mỹ vào năm 1983.
Rodriguez lo ngại rằng khoản tiền trợ cấp không đủ để ông nuôi 3 đứa con.
“Tôi vẫn có một ít tiết kiệm bây giờ, nhưng tôi cũng chỉ có thể cầm cự thêm vài tháng nữa”, Rodriguez nói với AFP.
Rodriguez không phải trường hợp duy nhất. Theo cuộc khảo sát của Oxford Economics, một nửa dân số Mỹ không có các khoản tiết kiệm khẩn cấp để ứng phó với những tình huống khó khăn bất ngờ về tài chính.
Đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp nhất, tình hình còn nguy cấp hơn, khi 3/4 trong số này không có tiền tiết kiệm.
“Những người cần (tiền tiết kiệm) nhất lại là những người có ít nhất”, chuyên gia Daco nói.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng, hiện chưa rõ tình trạng suy thoái kinh tế tại Mỹ sẽ kéo dài bao lâu.
Giáo sư Bradley Hardy tại Đại học American cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với những tác động về việc làm và tiền lương “kéo dài ít nhất tới đầu năm 2021”.
“Với tỷ lệ tiết kiệm thấp và nợ cao, nhiều gia đình Mỹ không có đủ khoản tiền dự trữ cần thiết để vượt qua cơn bão kinh tế đang tới”, ông Hardy nhận định.
Theo chuyên gia Alden, tương tự cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc khủng hoảng Covid-19 lần này một lần nữa cho thấy rõ “sự tổn thương lớn” của nhiều người dân Mỹ.
Thành Đạt
Theo AFP