Nga đầy sức hút với nhà đầu tư phương Tây.
Khoảng 4 năm sau khi lệnh trừng phạt đầu tiên đối với Moscow bị Washington và các đồng minh áp đặt, các khoản đầu tư của Đức vào nền kinh tế Nga đạt 3,2 tỷ euro, mức cao nhất trong một thập kỷ qua, RT thông tin.
Đồng rúp thấp khiến đầu tư vào Nga trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư Đức. Biểu đồ: Phòng Thương mại Nga-Đức
Số liệu này được công bố bởi Phòng Thương mại Nga- Đức. Chủ tịch Phòng Thương mại này - ông Matthias Schepp nhấn mạnh rằng, ngoài việc đầu tư đáng kể vào các dự án như đường ống khí đốt tự nhiên Nord Stream 2, thị trường của Nga mang đến cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức.
Con số này đã ở trên mức kỳ vọng của Moscow. Các nhà phân tích cho rằng, điều này xảy ra là do các lợi ích mà công ty Nga mang lại cho đầu tư từ Đức lớn hơn những gì mà Mỹ đã tuyên bố trừng phạt.
Điều này cho thấy các công ty Đức đã vượt qua cú sốc gây ra bởi các biện pháp trừng phạt chống Nga ban đầu và hiện đang gấp rút bù đắp những tổn thất mà họ phải chịu, vì họ dường như tin rằng lợi ích của mối quan hệ đối tác với Nga là vượt quá những nguy cơ mà Mỹ có thể ban bố.
Chuyên gia Jack Worthington thuộc công ty tư vấn và thương mại Arundel & Co có trụ sở tại New York (Mỹ) cho rằng, ban đầu, các nhà đầu tư Đức rất khó để tìm được các đối tác quốc tế có thể sẵn sàng thực hiện bất kỳ hoạt động nào với bất kỳ lợi ích nào ngoài Nga vì sợ chịu phải sự trừng phạt của Mỹ.
Nhưng trong năm 2018, các công ty Đức đã hiểu rằng, những tổn thất mà họ phải chịu do miễn cưỡng đối phó với đối tác Nga thậm chí còn cao hơn những rủi ro có thể mang lại do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
"Người Đức cảm thấy tự do hơn khi giao dịch với Nga vì lợi ích của họ, bất chấp các áp lực của Mỹ. Nỗi sợ hãi về rủi ro có thể xảy ra cuối cùng lại nhường chỗ cho những dự đoán về các cơ hội kinh tế cùng có lợi tại một thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn, dễ tiếp cận và ở ngay trước cửa ngõ của Đức" - chuyên gia này nhận định.
Nhà kinh tế học người Đức Max Otte tin rằng Đức và Nga đã có sự hợp tác và phát triển suốt nhiều thập kỷ, khó có thể bị phá vỡ bởi bất kỳ hạn chế nào do bên thứ ba áp đặt.
Sự tăng vọt gần đây trong đầu tư của Đức vào Nga là một phần trong nỗ lực đầu tư nước ngoài rộng lớn hơn của Berlin.
Không chỉ đầu tàu kinh tế của châu Âu là Đức có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Moscow mà Anh - quốc gia luôn tuyên bố các động thái ngoại giao mạnh mẽ vào Nga - cũng đổ dòng tiền lớn vào Nga.
Đầu tư Anh là một trong số những nhà đầu tư lớn vào trái phiếu Nhà nước Nga bên cạnh các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu.
Trưởng bộ phận thị trường nợ và thị trường vốn toàn cầu của VTB Capital, một đơn vị phát hành trái phiếu Nhà nước Nga cho biết: "Các nhà đầu tư của Anh đã mua 40% trái phiếu bằng đồng euro, các nhà tài chính châu Âu mua 18% số trái phiếu được bán ra. Các doanh nhân từ Mỹ mua khoảng 17% số trái phiếu Nga đã phát hành".
Các nhà đầu tư Anh cũng chọn Eurobond bằng đồng USD. Họ sở hữu tới 55 số trái phiếu mệnh giá USD. 21% số trái phiếu mệnh giá USD được mua bởi các nhà đầu tư Mỹ, 8% số trái phiếu là sở hữu của các nhà đầu tư châu Âu và 11% số trái phiếu đã được mua thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Nga.
Trái phiếu của Nga được nhìn nhận là một kênh đầu tư hấp dẫn cho giới đầu tư Mỹ và Châu Âu mà có thể tránh được trừng phạt của Mỹ-phương Tây đối với Nga.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ thế nào, thị trường Nga vẫn là một thị trường hoàn toàn hấp dẫn với các nhà đầu tư châu Âu. Các nhà đầu tư châu Âu sẽ tìm mọi cách để hợp pháp hóa đầu tư vào Nga, né các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và châu Âu.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, Mỹ cố gắng để chen chân vào con đường phát triển kinh tế tự nhiên trong quan hệ giữa Nga và châu Âu. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như đã thất bại hoàn toàn.
Huy Vũ
Nguồn: baodatviet.vn