Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng đề xuất của các bác sĩ Pháp về việc thử nghiệm phương pháp điều trị Covid-19 tại châu Phi là “tàn tích của tư tưởng thuộc địa”.

“Nói thật, tôi cảm thấy rất sốc. Vào thời điểm khi chúng ta cần sự đoàn kết, những bình luận phân biệt chủng tộc như vậy thực sự không giúp được gì, mà đi ngược lại với tinh thần đoàn kết”, Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 6/4.

Ông Tedros đề cập tới bình luận do hai bác sĩ Jean-Paul Mira, người đứng đầu khoa điều trị tích cực tại bệnh viện Cochin ở Paris, và Camille Locht, giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp (Inserm), đưa ra hồi tuần trước.

Xuất hiện trên kênh truyền hình Pháp hôm 1/4, hai bác sĩ đã thảo luận về việc liệu vắc xin lao BCG có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị Covid-19 hay không. Vắc xin này đang được thử nghiệm lâm sàng nhằm mục đích điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Hà Lan và Australia.

Bác sĩ Mira đề xuất rằng châu Phi có thể là nơi phù hợp để thử nghiệm lâm sàng phương pháp điều trị này.

42 1 De Xuat Thu Thuoc Tri Covid 19 O Chau Phi Bac Si Phap Hung Bao Chi Trich

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: AFP)

"Tại sao chúng ta không thực hiện nghiên cứu này ở châu Phi, nơi không có khẩu trang, phương pháp điều trị và phòng chăm sóc tích cực? Điều này khá giống một số nghiên cứu về AIDS được thực hiện với gái mại dâm tại đó. Chúng ta thử nghiệm ở đó vì biết rằng họ có nguy cơ nhiễm bệnh cao và không biết tự bảo vệ chính mình", bác sĩ Mira giải thích.

Bác sĩ Loch cũng đồng tình với quan điểm trên.

“Ông nói đúng. Và chúng tôi đang cân nhắc về một cuộc nghiên cứu ở châu Phi cùng với việc thực hiện cách tiếp cận tương tự với BCG”, bác sĩ Loch nói.

“Châu Phi không phải phòng thí nghiệm”

Sau khi cuộc thảo luận giữa hai bác sĩ được chia sẻ trên mạng xã hội, họ ngay lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt.

Esprit D’Ebene, nhóm làm việc với những thanh niên gốc Phi yếu thế tại Pháp, phản bác trên Facebook rằng “những đề xuất kiểu như vậy không bao giờ được chấp nhận, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới”.

“Người châu Phi không phải những con chuột thí nghiệm để ai đó có thể thử nghiệm dược phẩm mà không có bất kỳ biện pháp bảo đảm nào cho họ”, nhóm Esprit D’Ebene nhận định.

Một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất là Didier Drogba - cựu cầu thủ nổi tiếng người Bờ Biển Ngà.

“Châu Phi không phải phòng thí nghiệm. Tôi lên án mạnh mẽ những phát ngôn xúc phạm, giả dối và phân biệt chủng tộc sâu sắc như vậy”, Drogba viết trên Twitter.

Hiệp hội luật sư tại Morocco chỉ trích bình luận của bác sĩ Mira là “phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử và đầy thù ghét”. Hiệp hội này cảnh báo sẽ đệ đơn kiện lên công tố viên Pháp.

Đảng Xã hội đối lập của Pháp cũng lên án những bình luận của bác sĩ Mira, nhấn mạnh "châu Phi không phải phòng thí nghiệm dành cho những con chuột".

Theo CNN, bác sĩ Mira đã lên tiếng xin lỗi trong thông cáo do bệnh viện Cochin phát đi hôm 3/4.

“Tôi muốn bày tỏ lời xin lỗi của tôi tới những ai bị tổn thương, bị sốc và bị xúc phạm bởi những bình luận mà tôi đã đưa ra một cách thiếu sót trong tuần này. Những phát biểu đó không phản ánh toàn bộ con người tôi, cũng như những gì tôi đang làm hàng ngày, trong gần 30 năm qua”, bác sĩ Mira cho biết.

Viện nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp cũng lên tiếng bênh vực bác sĩ Locht, cho rằng các bình luận gây tranh cãi được cắt xén từ một cuộc trao đổi dài hơn.

“Mục đích duy nhất của ông ấy là khẳng định rằng dịch bệnh là vấn đề toàn cầu và mọi quốc gia đều được hưởng lợi từ kết quả của cuộc nghiên cứu”, viện nghiên cứu Pháp giải thích quan điểm của bác sĩ Locht.

Thành Đạt

Tổng hợp




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC