Ngày 20-6, báo chí quốc tế đưa tin về việc hơn 1.000 người đã chết trong cuộc hành hương đến thánh địa Mecca (Hajj) ở Saudi Arabia, trong bối cảnh nhiệt độ khu vực lên tới gần 52 độ C.

1 Den Luc Loai Nguoi Phai Chap Nhan Nang Nong Cuc Do La Binh Thuong Moi

Những người tham gia cuộc hành hương hajj (Saudi Arabia) ở thánh địa Mecca dùng ô che nắng hồi giữa tháng 6 - Ảnh: AFP

Tình hình trên diễn tả mối lo về vấn đề nắng nóng không chỉ tại Trung Đông. Chỉ trong những ngày đầu của mùa hè, nắng nóng cực độ đã khiến hàng trăm người tử vong, trong khi hàng triệu người khác trên toàn cầu phải vật lộn với cái nóng.

Nhiều người chết do nắng nóng

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu có thể một lần nữa là động lực cho các đợt nóng kỷ lục, khiến mùa hè năm nay vượt qua năm trước để trở thành mùa hè nóng nhất trong 2.000 năm.

Chính phủ Mexico ngày 20-6 cho biết họ ghi nhận 155 trường hợp tử vong liên quan nhiệt độ cao tính từ đầu tháng 3-2024, chỉ riêng trong tuần qua là 30 trường hợp.

Trong đợt sóng nhiệt chết người quét qua Mexico, Trung Mỹ và phía tây nam nước Mỹ, Mexico hồi tuần trước ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ ở sa mạc Sonoran chạm mốc 51,9oC.

Ngày 20-6, Cơ quan Khí tượng Mỹ đưa ra cảnh báo nhiệt độ rất cao với nhiều khu vực thuộc bang Arizona, với mức nhiệt dự kiến lên đến 45,5oC.

Báo cáo từ World Weather Attribution (WWA), một tổ chức quốc tế tập hợp các nhà khoa học khí hậu, cho biết đợt nóng chết người bắt đầu hồi tháng 5 từ Trung Mỹ lan đến Mexico và vùng tây nam nước Mỹ có khả năng là do biến đổi khí hậu cao gấp 35 lần.

Bên cạnh đó các nước ở Địa Trung Hải cũng đang hứng chịu thêm một tuần với mức nhiệt cao khó chịu.

Nhiệt độ cao góp phần gây ra cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp, cũng như dọc theo bờ biển phía bắc châu Phi ở Algeria, Đài quan sát Trái đất của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ thông tin.

Bộ trưởng Bộ Khủng hoảng khí hậu và bảo vệ dân sự Hy Lạp Vassilis Kikilias cho biết các quan chức nước này đã xác minh các dấu hiệu cho thấy đám cháy rừng đang xảy ra gần Athens là hậu quả của việc đốt phá, cũng như dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

"Gần như cứ mỗi 10 phút lại có một đám cháy mới bùng phát", báo Independent dẫn lời một người phát ngôn của lực lượng cứu hỏa Hy Lạp. Người này nói thêm rằng họ đang phải vật lộn với hàng loạt đám cháy.

Giữa đợt nắng nóng, một số du khách nước ngoài tại Hy Lạp đã tử vong hoặc mất tích khi đi bộ đường dài dưới nhiệt độ cao. Trong nhiều tuần gần đây có ít nhất năm du khách được phát hiện đã chết tại các đảo ở Hy Lạp.

Theo Hill (Mỹ), nắng nóng khắc nghiệt là thảm họa gây chết người hàng đầu trong các thảm họa khí hậu.

Trong năm nóng nhất lịch sử 2023, hơn 2.300 người Mỹ đã chết vì nhiệt độ cao, cùng với đó là hơn 70% người lao động toàn cầu phải đối mặt với các nguy cơ do thời tiết nóng khắc nghiệt.

Như một cái lò nướng

Những đợt nóng cực độ tưởng chừng như hiếm gặp nay đang ngày càng trở thành một hiện tượng... bình thường.

Báo cáo của WWA chỉ ra việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm tăng nhiệt độ trung bình và các đợt sóng nhiệt xảy ra trên toàn cầu trong nhiều tháng qua sẽ sớm trở nên một điều rất bình thường.

Ghi nhận tại nhiều khu vực ở Mỹ, công tác sản xuất đang ở mức kỷ lục, kéo theo nồng độ CO2 trong khí quyển đang tăng nhanh hơn bao giờ hết.

"Ở đây như một cái lò nướng, bạn không thể ở được" - bà Margarita Salazar Pérez (82 tuổi), cư dân thành phố Veracruz (Mexico), chia sẻ với Hãng tin AP về đợt nắng nóng ở quốc gia này hồi tháng 5.

Nghiên cứu của WWA nhận thấy các đợt nóng có khả năng trở nên nóng hơn và có nhiều khả năng xảy ra hơn trong một thế giới đang ấm dần lên.

Năm 2024 có thể là năm nóng ngang với năm 2023 lịch sử, hoặc vượt qua năm này để trở thành năm nóng nhất.

Nhóm nghiên cứu WWA nhận thấy các đợt nắng nóng thiêu đốt toàn cầu hồi tháng 7-2023 sẽ "gần như không thể xảy ra", nếu không có hiện tượng Trái đất nóng dần lên do việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Chuyên gia Friederike Otto thuộc nhóm WWA cho biết các đợt nóng gần đây nguy hiểm hơn khi ban đêm trở nên nóng hơn.

Nhà khoa học khí hậu thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) này nói biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ ban đêm tăng 1,6oC, cùng với đó là khả năng nhiệt độ cao bất thường vào thời gian này cũng tăng gấp 200 lần.

Trả lời tạp chí Newsweek, bà Otto cảnh báo con người cần ngừng ngay việc đốt nhiên liệu hóa thạch và các đô thị cần có kế hoạch để đối phó với các làn sóng nhiệt.

"Các thành phố cần có kế hoạch đối phó với nhiệt độ cao, thông tin cho người dân về sự nguy hiểm của nhiệt độ, cung cấp không gian công cộng với các đài phun nước mát mẻ để người dân có thể nghỉ ngơi. Cùng với đó là một chiến lược dài hạn tăng cường không gian xanh và giảm bê tông hóa trong đô thị", bà Otto hiến kế.

Theo một nghiên cứu được Saudi Arabia công bố vào tháng trước, nhiệt độ tại Mecca cũng đang tăng 0,4oC mỗi thập niên.

Buổi tối cũng không hết nóng

Theo Đài CNN, buổi tối ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ đang ngày càng trở nên nóng bức một cách khó chịu và nguy hiểm.

Miền bắc Ấn Độ đang phải trải qua một mùa hè nắng như thiêu đốt. Một phần của thủ đô New Delhi vào đầu tháng 6 ghi nhận mức nhiệt 49,9oC - mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trên khắp Ấn Độ. Ngay cả khi mặt trời đã lặn, cái nóng vẫn không buông tha cho người dân tại đây.

Báo cáo hồi tháng 5 của Trung tâm Khoa học và môi trường (Ấn Độ) cho biết nhiệt độ vào ban đêm tại thành phố này chỉ giảm 8,5oC, so với mức giảm 12,2oC tại các khu vực ngoại ô.

NGHI VŨ

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC