Bắc Kinh tuyên bố hôm thứ Sáu (10/5) rằng sẽ sử dụng “các biện pháp cần thiết” để đáp trả quyết định của Hoa Kỳ về việc tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, từ 10% lên 25% vào thứ Sáu, theo SCMP.
“Trung Quốc lấy làm tiếc một cách sâu sắc rằng Hoa Kỳ đã quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ đô la Mỹ hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết”, Bộ Thương mại Trung Quốc nêu quan điểm trong một tuyên bố.
Mặc dù vậy, tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc không nêu rõ các bước sẽ được thực hiện để trả đũa chính sách thuế mới của Mỹ với hàng xuất khẩu của họ.
Trong một diễn biến liên quan, theo SCMP, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã tới Washington từ hôm thứ Năm để tham dự vòng đàm phán thương mại thứ 11 giữa hai nước. Cuộc hội đàm bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều (giờ địa phương), nhưng chưa đầy một giờ rưỡi đồng hồ sau, vào lúc 6.25pm ông Lưu đã rời phòng họp, điều đó cho thấy cuộc thảo luận với phái đoàn Mỹ đã bị cắt ngắn hơn rất nhiều so với các cuộc đàm phán trước đây.
Mỹ có thể cử tàu sân bay đi ngang eo biển Hormuz, nằm sát Iran
Một chỉ huy lực lượng hải quân Hoa Kỳ ở Trung Đông nói với Reuters hôm thứ Năm rằng tính báo Mỹ có đề cập tới sự nguy hiểm của Iran, nhưng điều đó không ngăn cản được việc ông có thể cử một tàu sân bay đi qua Eo biển Hormuz, nằm sát Iran.
Chuẩn đô đốc Admiral Jim Malloy không cho biết liệu nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln hiện đang trong hành trình hướng tới Trung Đông có đi qua eo biển Hormuz hay không. Eo biển Hormuz là tuyến vận tải biển chuyên trở tới một phần năm lượng dầu trên thế giới.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Lincoln được chính quyền đưa đến Trung Đông như một lời cảnh báo đối với Iran. nhóm tàu này đã đi qua kênh đào Suez và tiến vào Biển Đỏ dưới sự chỉ huy của Chuẩn đô đốc Malloy.
“Nếu cần, tôi sẽ đưa nó [tàu sân bay] vào trong eo biển, tôi sẽ làm như vậy”. Chuẩn đô đốc Malloy nói qua cuộc phỏng vấn bằng điện thoại. “Tôi không bị hạn chế, hay gặp thách thức dưới bất kỳ hình thức nào đối với việc điều động nó tới bất kỳ đâu ở Trung Đông”.
Hình ảnh tàu sân bay USS Abraham Lincoln được ghi lại trong khi nó đi qua Kênh đào Suez ở Ai Cập ngày 9 tháng 5 năm 2019. (Ảnh: Reuters)
Singapore lần đầu tiên phát hiện người bị nhiễm virus đậu khỉ
Singapore cho biết đã phát hiện trường hợp đầu tiên bị nhiễm virus đậu khỉ (monkeypox) hiếm gặp do một người đàn ông Nigeria, 38 tuổi, mang đến, giới chức của quốc đảo nói rằng anh này có thể đã bị nhiễm bệnh do ăn thịt rừng trong một đám cưới, theo Reuters.
Virus đậu khỉ, một loại virus tương tự như virus gây bệnh đậu mùa ở người đã bị loại trừ vào năm 1980, không dễ lây lan từ người sang người, nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp có thể gây tử vong.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh có trụ sở tại Hoa Kỳ, việc người nhiễm virus đậu khỉ, từ trước tới nay, chỉ được ghi nhận ba lần ở những nơi nằm ngoài châu Phi đó là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Israel.
Người nhiễm virus đậu khỉ thường bắt đầu bằng các triệu trứng như sốt và đau đầu sau đó trên người nổi những mụn nhỏ. Bệnh kéo dài trong khoảng thời gian từ hai đến bốn tuần. (Ảnh: AFP)
Mỹ-Hàn nhóm họp về việc Triều Tiên phóng tên lửa
Đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên của Hoa Kỳ, Stephen Biegun, đã tổ chức một loạt các cuộc họp với các quan chức Hàn Quốc tại Seoul vào thứ Sáu, một ngày sau khi Triều Tiên phóng hai tên lửa ra biển Hoa Đông, theo Yonhap.
Ông Biegun và người đồng cấp phía Hàn Quốc, Lee Do-hoon, đã chủ trì một cuộc họp của “nhóm hành động” chung nhằm tìm kiếm các cách tiếp cận của các đồng minh để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa, viện trợ nhân đạo, thực thi lệnh trừng phạt và quan hệ liên Triều, Yonhap cho hay.
Vụ phóng 2 quả tên lửa hôm thứ Năm của Bắc Hàn diễn ra chưa đầy một tuần sau khi họ cho bắn hàng loạt tên lửa ra biển Nhật Bản, bất chấp thiện chí của Hàn Quốc và Hoa Kỳ khi hai nước này đã thống nhất việc viện trợ nhân đạo cho 10 triệu người Triều Tiên đang thiếu đòi.
Nữ Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha (phải) nói chuyện với phái viên đặc trách Triều Tiên của Hoa Kỳ Stephen Biegun hôm 10 tháng 5 năm 2019. (Ảnh: Yonhap)
Cựu giám đốc tình báo Venezuela nói cần xây dựng ‘nhà nước mới’
Cựu giám đốc cơ quan tình báo Venezuela SEBIN, người bị Maduro thay thế vào tuần trước sau cuộc nổi dậy đầu tiên của phe đối lập, hôm thứ Năm nói rằng Venezuela “cần xây dựng một nhà nước mới và chống tham nhũng”, theo Reuters.
Trong lần xuất hiện công khai đầu tiên kể từ khi bị Maduro sa thải vào ngày 30/4, ông Manuel Ricardo Cristopher Figuera nói rằng người Venezuela “xứng đáng được sống trong một đất nước tốt hơn”, ông Christopher nói trong một video được đăng trên Twitter bởi kênh truyền hình Venezuela NTN24.
Trước đó, trong bức thư ngỏ gửi người dân Venezuela, được công bố vào tối 30/4, Manuel Ricardo Cristopher Figuera, viết rằng ông luôn trung thành với Tổng thống Nicolas Maduro, nhưng đã đến lúc “xây dựng lại đất nước”.
Ông Manuel Christopher và Maduro. (Ảnh: THX)
Nguồn: DKN.tv