Tuy trào lưu ủng hộ châu Âu vẫn còn thắng thế, nhưng tương quan lực lượng trên chính trường châu Âu đã có những thay đổi sâu sắc và đầy phức tạp.
Toàn cảnh Nghị Viện Châu Âu trong nhiệm kỳ 2019-2024. Reuters
Chưa hẳn là một cơn sóng thần nhưng ít ra cũng là một cơn địa chấn nhỏ. Cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu 2019 cho thấy đã qua rồi thời hai xu hướng chính trị - tả và hữu truyền thống - thống lĩnh nghị trường. Phe ủng hộ châu Âu vẫn chiếm đa số, nhưng phe dân túy, chủ nghĩa dân tộc tiếp tục đà tiến làm cho diện mạo, « mầu sắc » chính trị ở Nghị Viện Châu Âu có nhiều thay đổi cơ bản.
Chính trường châu Âu giống như một bức tranh treo tường. Hôm qua vẫn còn là tấm ảnh hai khối mầu tả-hữu đối lập ngự trị, thì hôm nay là một bức họa mới với nhiều mảng mầu sắp đặt cạnh nhau.
Hai xu hướng vốn chủ đạo là liên minh cánh hữu PPE (Tập hợp đảng Nhân Dân Châu Âu) và cánh tả S&D (Xã hội và Dân chủ), liên kết với nhau lãnh đạo nghị trường châu Âu trong nhiều năm qua, tuy vẫn chiếm số đông (PPE 180 ghế và S&D 150 ghế) nhưng không có được đa số tuyệt đối cần thiết 376 nghị sĩ để có thể áp đặt thông qua các dự luật.
Các đảng phái dân túy, chủ nghĩa dân tộc thắng thế tại một số nước nhưng chỉ có được tổng cộng 92 ghế, chưa đủ để tạo thành một thế lực chính trị mạnh thật sự tại nghị trường. Trong khi mà các nhóm theo xu hướng tự do (khoảng 100 ghế) và ủng hộ sinh thái (70 ghế) lần lượt chiếm các vị trí thứ ba và tư.
Theo AFP, với một quang cảnh chính trị vỡ vụn thành từng mảng, các luật chơi trong nghị trường sẽ bị thay đổi theo. Việc tìm kiếm đồng thuận sẽ càng phức tạp hơn, bất kể là những dự án cải cách lớn hay trong việc phân chia các vị trí lãnh đạo ở Bruxelles.
Việc tìm người thay thế ông Jean-Claude Juncker ở vị trí chủ tịch Ủy Ban Châu Âu sẽ là bài trắc nghiệm đầu tiên cho Nghị Viện mới. Cuộc đua này đã bắt đầu từ trước khi diễn ra bầu cử, tại thượng đỉnh Sibiu tại Rumani ngày 09/05/2019, giờ lại được khởi động ngay từ sáng nay giữa các nhóm chính trị tại Nghị Viện Châu Âu.
AFP lưu ý, cho dù nguyên thủ và lãnh đạo 28 nước thành viên có chọn được người để thay thế, ứng viên này cũng phải có được đa số tức 376 lá phiếu ủng hộ tại Nghị Viện. Nói một cách khác, ứng viên này phải có được sự đồng thuận của ít nhất ba nhóm chính trị tại Nghị Viện, chứ không phải là hai như trước đây.
Nguồn: Minh Anh/ RFI