Với người nghèo hay binh lính cấp thấp ở Venezuela, nạn đói là thứ đang tấn công họ mỗi ngày, không phải việc ai sẽ lãnh đạo đất nước.

42 1 Doi   Cuoc Khung Hoang Cap Bach Nhat Voi Nguoi Dan Venezuela

Người dân bới rác tìm thức ăn cạnh một siêu thị ở Caracas, Venezuela hôm 25/7/2017. Ảnh: Reuters.

Tuần trước, nhóm phóng viên CNN lái xe qua những ngọn đồi xung quanh thành phố Caracas, khắp nơi là cảnh bốt cảnh sát bị đốt cháy, xe bị lật, xếp hàng chờ mua bánh mỳ, thùng rác cháy âm ỉ.

Carolina ngồi trước hiên nhà cùng gia đình, kể về cuộc sống những ngày qua trong khu ngoại ô nghèo đói ở thủ đô. Trong tủ lạnh nhà họ còn hai chai soda, một ít mỳ pasta và gia vị, vài thứ lặt vặt khác. Trong lúc em họ ngồi chơi điện tử, Carolina cho phóng viên CNN thấy video cảnh sát đột kích vào khu vực này.

"Tay tôi quay phim mà run lẩy bẩy", cô kể về đoạn video đầy tiếng súng và tiếng gõ nồi niêu xoong chảo phản đối của người dân. 

Hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối chính quyền của Tổng thống Maduro tuần qua. Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời, nhận được ủng hộ từ các nước Mỹ, Anh và một số nước châu Mỹ Latin, đã kêu gọi thực hiện cuộc bầu cử mới.

"Chúng tôi không chịu đựng thêm được nữa. Chúng tôi đang bị giày xéo. Chúng tôi luôn luôn phải đi ăn xin, phải cầu xin. Đây không còn là chuyện chính trị nữa, mà là chuyện sinh tồn. Người ta đang tàn sát nhau chỉ vì một cân gạo, một cân bột, hay một chai nước", Rony, một em họ của Carolina, nói.

Trong lúc cuộc tranh chấp về việc ai sẽ đứng đầu Venezuela leo thang thành cuộc đấu địa chính trị giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc và những nước khác, các phóng viên CNN đã dành gần một tuần ở Venezuela trò chuyện với binh lính, gặp gỡ người giàu, người nghèo. Với họ, cuộc khủng hoảng trực tiếp không phải là số phận của chủ nghĩa xã hội ở Nam Mỹ, hay địa chính trị thời hậu Chiến tranh Lạnh, mà là nạn đói.

Năm 2017, trọng lượng trung bình của người Venezuela giảm 11 kg. Đó là hậu quả của nhiều năm lạm phát, quản lý kinh tế sai lầm và tham nhũng. Venezuela từng là nơi giàu có nhất khu vực nhờ tài nguyên dầu mỏ, nhưng trong một siêu thị ở đây tuần trước, không thể tìm thấy trứng hay bánh mỳ.

Một giỏ đồ tối thiểu gồm nước, các loại hạt, phô mai, giăm bông hay trái cây có giá 200 USD.

42 2 Doi   Cuoc Khung Hoang Cap Bach Nhat Voi Nguoi Dan Venezuela

Kệ hàng trong một siêu thị ở Guaicaipuro trống rỗng vì khủng hoảng lương thực ở Venezuela hồi tháng 8/2018. Ảnh: New York Times.

Trong vòng một tháng, khan hiếm thực phẩm có thể khiến giá cả trong những cửa hàng thực phẩm này cao hơn. Nếu mua bằng đồng nội tệ bolivar, giá có thể tăng gấp đôi vì tiền mất giá. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán siêu lạm phát ở Venezuela năm 2019 là 10 triệu%. Chi phí tăng vọt, sức mua giảm mạnh, thực phẩm trở thành thứ quý giá nhất.

Hơn 10 năm trước, người dân Colombia đổ tới Venezuela làm việc vì lương cao. Giờ đây, người Venezuela chạy qua Colombia, trở thành người dọn dẹp, ăn xin, thậm chí bán dâm, để đổi lấy miếng ăn.

Băng qua Cầu Quốc tế Simon Bolivar từ Colombia vào Venezuela, các phóng viên CNN đi qua một dòng người Venezuela theo hướng ngược lại. Liên Hợp Quốc ước tính hai triệu người sẽ rời khỏi Venezuela trong năm nay, cùng hơn ba triệu người khác đã bỏ đi, sống rải rác ở các nước khu vực Nam Mỹ. 

Xe dừng lại thành hàng dài trên đường. Xăng vẫn rẻ, vẫn dồi dào ở Venezuela, nhưng ở khu vực biên giới này, nó bị bán lậu cho người Colombia. Do đó, người Venezuela không mua được xăng, một số người cho hay phải ngủ trên xe nhiều ngày để đợi đổ xăng.

Ở Caracas, trẻ em nhặt rác đầy trên phố, Tại một trong những khu phố xa hoa nhất thủ đô, đoàn phóng viên gặp Uzmaria, 14 tuổi, cùng 5 - 6 đứa trẻ nữa. Chúng lục lọi thùng rác, tìm thức ăn về cho cả nhà. 

"Chúng cháu nhặt nhạnh mọi thứ, xin ăn, một mẩu da gà cũng lấy về nuôi gia đình", cô bé Uzmaria nói. 

Hai cậu bé lớn hơn trong nhóm đang nghịch dao nhựa, luyện phòng vệ. "Anh cháu bị một băng đảng giết hồi tháng 7. Anh ấy biến mất, họ tìm thấy xác anh ấy ở bờ sông", Uzmaria nhớ lại.

Hôm 23/1, hàng trăm nghìn người đã tới trung tâm thành phố Caracas để xem Juan Guaido, tân chủ tịch quốc hội, tự xưng là tổng thống lâm thời. Đám đông có người già, người trẻ, người giàu, người nghèo, giơ tay phải lên lúc Guaido tuyên thệ, sau đó di chuyển về nhà.

Tối hôm đó, một nhóm thanh niên ném đá ngoài trụ sở căn cứ không quân La Carlota ở Caracas. Lực lượng Vệ binh Quốc gia đáp trả bằng hơi cay, truy đuổi bằng xe máy. Phóng viên CNN nhìn thấy hai người bị cảnh sát đánh.

Guaido và những người đã đào tẩu khỏi Venezuela kêu gọi quân đội chống lại chính phủ Maduro. Quốc hội do phe đối lập kiểm soát đã soạn thảo luật ân xá để bảo vệ những người đào tẩu. Nhưng các quan chức hàng đầu vẫn tuyên bố trung thành với Tổng thống Maduro.

Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez cũng phát biểu một bài dài ủng hộ ông trên truyền hình quốc gia.

Tuy nhiên, trong lòng quân đội, bất mãn vẫn tồn tại. Một người lính giấu tên vì sợ bị trả thù cho hay đang rất khó khăn vì mỗi tháng chỉ được trả lương 1,5 USD.

"Nếu tôi mua một con gà, cả tháng tôi sẽ phải nhịn ăn", anh nói. "Trong lúc những con cá lớn - những sĩ quan cấp cao, những người được ăn mặc no đủ, ngày càng giàu hơn, thì chúng tôi, tầng lớp dưới cùng, vô cùng khó khăn".

"Tôi cho rằng 80% quân đội sẽ chống lại chính phủ, đặc biệt là binh lính, những người đang gặp khó khăn hơn sĩ quan cấp cao. Các anh thấy đấy, ở một số bang, binh lính đã tham gia vào biểu tình. Vì vậy, nếu quốc tế giúp đỡ, phong trào sẽ lớn hơn", anh nói. 

Khi được hỏi nếu có lệnh nổ súng vào người biểu tình, anh có tuân theo không.

"Tôi thà giải ngũ chứ không đời nào làm thế. Đó có thể là anh tôi, mẹ tôi, hay bất kỳ ai", người lính bày tỏ.

Hồng Hạnh

REUTERS/VNREXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC