Đòn thuế quan của ông Trump có thể gây tổn thất nhất định cho Trung Quốc, nhưng cũng mang tới cơ hội cho Bắc Kinh củng cố vị thế trên toàn cầu.

Khi Tổng thống Donald Trump cuối tuần qua ký sắc lệnh áp thuế thêm 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh không phản ứng quá gay gắt. Họ chỉ kêu gọi Washington bắt đầu đàm phán sau khi cảnh báo không có người thắng trong cuộc chiến thuế quan.

Nhưng chỉ vài phút sau khi lệnh áp thuế của ông Trump có hiệu lực lúc 0h ngày 4/2, Trung Quốc công bố đòn thuế quan đáp trả, áp thuế 10-15% đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như than đá, dầu thô và ôtô từ ngày 10/2.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc có thể không phản ứng mạnh mẽ ngay từ đầu vì hy vọng đạt thỏa thuận với Mỹ nhằm tránh thuế quan lớn hơn, cũng như giữ mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không vượt tầm kiểm soát.

Các quan chức Trung Quốc có thể đã thấy những dấu hiệu tích cực cho mối quan hệ song phương với Mỹ, đặc biệt khi ông Trump mô tả lãnh đạo hai nước đã có "cuộc điện đàm tuyệt vời" tháng trước.

Tuy nhiên, mọi thứ không như họ kỳ vọng và tình hình có thể sẽ khó khăn hơn khi cả đảng Cộng hòa và Dân chủ ngày càng coi Trung Quốc là mối đe dọa kinh tế lớn nhất với Mỹ.

"Sự khó lường của ông Trump chắc chắn sẽ dẫn tới những cú sốc đáng kể trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Ngoài ra, nhiều cố vấn của ông ấy có lập trường cứng rắn, thậm chí cực đoan với Trung Quốc. Không thể tránh khỏi nguy cơ quan hệ song phương sẽ phải đối mặt với những gián đoạn nghiêm trọng trong 4 năm tới", Wu Xinbo, giáo sư kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán ở Trung Quốc, nói.

1 Don Ap Thue Cua My Co The Giup Trung Quoc Tang Vi The Toan Cau

Ông Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters

Động thái áp thuế mới của Washington sẽ gây thêm tác động tiêu cực cho Bắc Kinh, khi nó làm tăng thêm gánh nặng thuế quan mà ông Trump đã áp với hàng chục tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu và không được dỡ bỏ trong thời gian ông Joe Biden nắm quyền.

Bắc Kinh và Washington từng trải qua cuộc chiến thương mại và những đòn áp thuế ăn miếng trả miếng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhưng rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ đó theo chiều hướng có lợi hơn cho Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc không còn phụ thuộc nhiều vào Mỹ như năm 2020. Bắc Kinh đã tăng cường các hiệp định thương mại ở khắp châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á, hiện trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 quốc gia.

Chong Ja Ian, nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Trung Quốc, nhận định sắc lệnh áp thuế thêm 10% của ông Trump có thể không mang lại nhiều đòn bẩy như Mỹ mong muốn.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc thậm chí có thể có được cơ hội lớn hơn trong cuộc chiến thuế quan lần này, khi Tổng thống Trump không chỉ tăng đối đầu với các đối thủ mà còn tạo ra chia rẽ với cả đối tác lẫn đồng minh.

Ông Trump đã quyết định áp thuế 25% với hai láng giềng Canada và Mexico trước khi hoãn lại trong một tháng, thậm chí dọa áp thuế với cả Liên minh châu Âu (EU). Điều này có thể khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ lo lắng về tương lai quan hệ với Washington và tự hỏi điều gì đang chờ đón họ trong chính quyền của ông Trump.

Ngược lại, Trung Quốc trong những năm qua đã nỗ lực xây dựng hình ảnh một đối tác ổn định, ôn hòa và có lẽ hấp dẫn hơn trong mắt nhiều nước.

"Chính sách nước Mỹ trên hết của ông Trump sẽ mang tới nhiều thách thức cho hầu hết quốc gia trên thế giới. Từ góc độ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, sự suy giảm khả năng lãnh đạo và uy tín của Mỹ sẽ có lợi cho Trung Quốc", Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Viện Stimson ở Mỹ, nói.

Là lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nỗ lực tăng cường vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ông vài năm qua đã công du nhiều nơi, hỗ trợ các tổ chức quốc tế lớn và các thỏa thuận quan trọng như hiệp định khí hậu Paris.

Khi ông Trump ngừng tài trợ ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020, Trung Quốc đã cam kết trở thành nhà tài trợ thay thế. Nhiều nhà phân tích cho rằng sau khi Mỹ rút khỏi WHO, Bắc Kinh sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống và thay thế vai trò của Washington ở tổ chức quốc tế quan trọng này.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với các quốc gia và tổ chức quốc tế từ lâu phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ Mỹ, theo Laura Bicker, nhà phân tích của BBC. Bản ghi nhớ do Ngoại trưởng Marco Rubio gửi cho nhân viên dưới quyền hôm 24/1 cho hay Mỹ đã đình chỉ hầu hết viện trợ cho nước ngoài, ngoại trừ hỗ trợ lương thực khẩn cấp và viện trợ quân sự cho Israel, Ai Cập.

Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất thế giới. Hàng trăm chương trình viện trợ nước ngoài do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cung cấp đang bị đình trệ vì chỉ thị mới. USAID, được thành lập theo đạo luật của quốc hội Mỹ và có ngân sách gần 43 tỷ USD, tập trung vào hoạt động cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển trên toàn thế giới nhằm phát huy "sức mạnh mềm" của Mỹ, giờ đây đang đối mặt nguy cơ phải đóng cửa.

2 Don Ap Thue Cua My Co The Giup Trung Quoc Tang Vi The Toan Cau

Công nhân trong một nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hồi tháng 9/2022. Ảnh: AP

"Trung Quốc có thể muốn lấp đầy những khoảng trống đó, bất chấp những khó khăn kinh tế trong nước", Bicker cho hay.

Học thuyết "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump có thể làm suy yếu thêm vị thế của Washington với tư cách lãnh đạo toàn cầu, theo John Delury, nhà sử học về Trung Quốc hiện đại kiêm giáo sư Đại học Yonsei ở Seoul.

"Những động thái như áp thuế với các đối tác thương mại lớn, đóng băng viện trợ nước ngoài phát đi một thông điệp rằng Mỹ không còn quan tâm tới quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế", ông Delury nói.

Delury thêm rằng thông điệp nhất quán của Chủ tịch Tập Cận Bình về toàn cầu hóa "đôi bên cùng có lợi" sẽ mang ý nghĩa hoàn toàn mới khi Mỹ rút lui trên trường quốc tế.

"Bắc Kinh đã tìm kiếm cơ hội thay đổi trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo trong 50 năm qua và nhiệm kỳ khó đoán của Tổng thống Trump có thể mang tới cơ hội đó", Bicker nhận định.

Thùy Lâm (Theo BBC, CNN, AP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC