Thị trường tài chính thế giới chuyển sang tình trạng bất ổn ngay sau khi ông Donald Trump đưa ra tuyên bố bất ngờ tấn công vào Trung Quốc. Tình trạng này có thể còn tiếp diễn khi mà Trung Quốc có cơ sở để phản đòn.

42 1 Donald Trump Quyet Dinh Tan Cong Don Ep Trung Quoc Phan Don

Mâu thuẫn Trung-Mỹ còn lớn.

Thế giới chao đảo

Tính tới đầu giờ chiều 6/5 (giờ Việt Nam), chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa ngừng lao dốc. Chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 5% sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10/5 tới vì cuộc đàm phán giữa hai bên chưa được như mong muốn cho dù đã tới vòng cuối cùng.

Tới cuối giờ trưa 6/5, giờ Việt Nam, chỉ số Shanghai Composite giảm gần 5,2% trong khi đó Shenzhen Composite cũng mất hơn 5%. Thị trường chứng khoán Hong Kong cũng giảm hơn 3,2%. Cổ phiếu của công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE lao dốc trên dưới 10%.

Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm qua, có lúc giảm xuống mức 6,82 NDT đổi 1 USD, tương đương với mức giảm hơn 1,4% so với mức 6,72 NDT đổi 1 USD trong tuần trước.

Trên thị trường tương lai của Mỹ, chỉ số Dow Jones mất khoảng 500 điểm, một tín hiệu cho thấy chứng khoán Mỹ tối 6/5 sẽ tụt giảm. Chỉ số chứng khoán tương lai tầm rộng S&P 500 và công nghệ Nasdaq cũng giảm khoảng 1,5%.

Diễn biến đảo chiều trên thị trường chứng khoán và tài chính thế giới trong phiên sáng nay là bất ngờ bởi trước đó, hầu hết các dự báo đều cho rằng Mỹ và Trung Quốc sắp đạt được một thỏa thuận thương mại. 

Trong tuần vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã hoàn thành cuộc đàm phán áp chót tại Bắc Kinh và đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán cuối cùng tại Mỹ vào hôm 8/5 trước khi chốt lại bằng một cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau đó.

Cuộc đàm phán đi gần tới hồi kết và xoáy sâu vào những vấn đề nhạy cảm như quyền sở hữu trí tuệ, vốn được cho là đã đạt "nhiều tiến bộ" tới khi ông Donald Trump nổi giận và tuyên bố sẽ tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc cho dù đàm phán chưa kết thúc.

Tuyên bố của ông Donald Trump đêm 5/5 (giờ Việt Nam) cho thấy một kịch bản hoàn toàn trái ngược có thể xảy ra: Mỹ và Trung sẽ không đạt được một thỏa thuận nào. Tình hình giờ đã hoàn toàn khác.

Nước Mỹ gần đây có nhiều thay đổi. Nền kinh tế Mỹ vẫn tích cực nhưng áp lực lên ông Donald Trump liên tục gia tăng, từ cả Quốc hội và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Lợi thế của ông Trump trên bàn đàm phán suy giảm và có thể là nguyên nhân dẫn tới những thay đổi trong kết quả đàm phán.

Một kịch bản đen tối

Quan điểm thay đổi gần như 180 độ của ông Trump khiến giới đầu tư lo ngại các thị trường tài chính và chứng khoán sẽ rớt mạnh, nhất là sau khi thị trường chứng khoán Mỹ vừa lập kỷ lục mới, còn chứng khoán Trung Quốc cũng tăng 27-30% kể từ đầu năm.

Đại diện từ MUFG Union Bank cho rằng, sự đảo chiều này là yếu tố có thể dẫn tới một thảm họa khiến TTCK đổ dốc trong tuần này và làm gia tăng những rủi ro bên ngoài tác động tới triển vọng kinh tế Mỹ.

Nỗi lo ngại còn trở nên lớn hơn sau khi Bắc Kinh có những thái độ đầu tiên đối với Mỹ. Trái với những lần nhẫn nhịn trước đó, ngay sau tuyên bố của ông Donald Trump, lần này Bắc Kinh đã có những phản ứng mạnh.

Theo tờ Bloomberg, Trung Quốc tỏ ra bất ngờ với lời đe dọa của ông Donald Trump và đang cân nhắc hủy cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vào 8/5 vì những lời đe dọa của tổng thống Mỹ. 

42 2 Donald Trump Quyet Dinh Tan Cong Don Ep Trung Quoc Phan Don

Ông Donald Trump thất bại trong việc ép Fed giảm lãi suất.

Chưa có một thông tin nào được làm rõ về kết quả của cuộc đàm phán tại Bắc Kinh trong tuần qua và kế hoạch cho cuộc gặp Mỹ - Trung sắp tới, nhưng rõ ràng hành động của ông Donald Trump được xem như một sự nổi giận và một sự bất mãn về tiến trình đàm phán thương mại.

Tuyên bố tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc từ ngày 10/5 (và có sẽ sớm áp thêm 325 tỷ USD lên các loại hàng hoá khác) của ông Trump giống như một cú chốt, một "thời hạn chót" được ăn cả, ngã về không của vị tổng thống Mỹ.

Nó cũng cho thấy sự cứng rắn của Trung Quốc của ông Tập Cận Bình và những chuyển biến của Bắc Kinh trước một chính quyền Donald Trump không còn nhiều lợi thế.

Gần đây, ông Trump đặt kỳ vòng rất lớn vào việc Fed sẽ giảm lãi suất nhưng đã thất bại. Cũng trên trang Twitter cá nhân, ông Trump cho rằng kinh tế Mỹ có thể "đi lên như tên lửa" nếu lãi suất được cắt giảm.

Một quyết định như vậy sẽ giúp nền kinh tế Mỹ duy trì được mức tăng trưởng cao và qua đó chứng khoán sẽ ở trên đỉnh khi ông Trump bước vào cuộc bầu cử 2020.

Ông Trump hiện không còn nhiều không gian về chính sách, trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đã có nhiều thay đổi, ổn định hơn khá nhiều so với nửa cuối 2018. Chứng khoán Trung Quốc tăng nóng tới 30% kể từ đầu 2019 là một lợi thế lớn cho Bắc Kinh trong đàm phán thương mại với Mỹ. Nó trái ngược hoàn toàn với hồi tháng 9 năm ngoái, khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang chật vật và thị trường chứng khoán nước này đang lao dốc.

Tại Việt Nam, sau một thời gian hồi phục vất vả, TTCK quay đầu giảm khá mạnh sau khi nhận được thông tin không mấy tốt lành từ thị trường thế giới. Đầu giờ chiều 6/5, chỉ số VN-Index giảm hơn 15 điểm xuống dưới ngưỡng 960 điểm.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), cho rằng thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh. Thị trường chờ những diễn biến Mỹ - Trung bởi nếu 2 bên trở lại với cuộc chiến gia tăng thuế thì sẽ đe dọa tới sự phục hồi tăng trưởng trên toàn cầu.

Trong khi đó, cũng theo ông Trí, vấn đề dòng tiền cũng được nhiều người quan tâm. Gần đây dòng tiền trên thị trường rất yếu. Các nhà đầu tư để ý tới các chính sách liên quan tới tín dụng và chứng khoán, bất động sản cũng như vốn cho đầu tư công.

Nguồn: M. Hà/ Vietnamnet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC