Dưới đây là một vụ án hình sự của du học sinh đã thu hút dư luận giữa 2 quốc gia Mỹ – Trung, nhưng lại có thể rút ra một bài học lớn về học tiếng Anh cho các bạn sinh viên.
Vụ án hình sự
Cuối tháng 3 năm ngoái, một nhóm sinh viên Trung Quốc đang du học ở Mỹ đã bị cảnh sát bắt vì các tội: bắt cóc, tra tấn, đánh đập, làm nhục hai sinh viên khác.
Hiện 3 sinh viên 19 tuổi này đã nhận được phán xét cuối cùng của toà án Hoa Kỳ vì những tội ác mà họ đã gây ra. Trong đó, án phạt thấp nhất là 6 năm và cao nhất là 13 năm tù giam. Sau khi thi hành án phạt xong, những sinh viên này sẽ bị buộc phải trở về Trung Quốc và gần như không bao giờ còn hy vọng quay lại Hoa Kỳ.
Trên đây là hình ảnh của 3 tội phạm sinh viên này, từ trái qua phải: Địch Vân Giao, Chương Hâm Lỗi, Dương Ngọc Hạm.
Trong đó, cô gái tên Địch Vân Giao bị kết án nặng nhất là 13 năm tù giam.
Đối với mức án phạt này ở Trung Quốc, hầu như không có người dân nào là đồng cảm với cha mẹ của những du học sinh này. Ngược lại, họ còn nhiệt liệt hoan nghênh vì sự công bằng và tính liêm chính trong luật pháp Hoa Kỳ. Nếu là ở Trung Quốc, cho dù bạn có phạm tội lớn đến đâu miễn là nhà có “tiền” và có “thế” thì đều có thể giải quyết được… Nhất là đối với trường hợp người phạm tội là con em của những “cán bộ cao cấp” thuộc chính phủ, nhà nước.
Chỉ cần 6 tháng trong tù tiếng Anh đã lưu loát?
Những sinh viên này đến Mỹ để du học 3, 4 năm, chi phí học tập và sinh hoạt không thiếu một đồng nhưng thành tích học tập lại không có gì tiến triển, thậm chí tiếng Anh cũng không thể sử dụng.
Theo luật sư Đặng Hồng ở Los Angeles cho biết, cậu thanh niên Chương Hâm Lỗi khi lần đầu tiên gặp luật sư còn phải cần đến sự trợ giúp của phiên dịch viên. Điều này khiến ông cảm thấy rất kinh ngạc: Những đứa trẻ này đến Mỹ đã được 3, 4 năm sao vẫn không thể nói được tiếng Anh.
Luật sư Evan Freed bảo vệ Địch Vân Giao hiểu biết rõ hơn về tình hình sinh viên Trung Quốc du học tại đây. Ông nói, những đứa trẻ người Trung này đa phần dùng thời gian du học để chơi điện tử thâu đêm, hay hút thuốc, uống rượu, sau khi tan học thì cùng bạn bè tụ tập. Trong số họ có rất nhiều người không thể vượt qua trình độ sơ đẳng tiếng Anh, nên đành tìm các sinh viên Trung Quốc nhỏ tuổi hơn để cùng chơi với nhau. Hơn nữa, chúng cũng không có cha mẹ ở bên để giám hộ hay quản lý. Mà cha mẹ lại ở tận Trung Quốc xa xôi không nắm rõ tình hình con cái. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng gửi con cái của mình đến Mỹ thì chúng sẽ có được nền giáo dục và một cuộc sống tốt hơn.
Dương Ngọc Hạm là đồng phạm trong vụ bắt cóc, bị phạt 10 năm tù.
Ở Los Angeles có rất nhiều khu vực có cộng đồng người Hoa sinh sống, chẳng hạn như khu China Town, Rowland Heights… Nơi đây tập trung mật độ dân số người Hoa rất cao, thậm chí bạn chỉ cần quay số điện thoại nhầm thì người khác nghe máy cũng có thể là người Hoa. Hơn nữa, có rất nhiều các cửa hàng khu vực kinh doanh của doanh nhân Trung Quốc, từ nhân viên phục vụ người Hoa cho đến ti vi, báo chí… đều là tiếng Trung. Do đó tương đối thuận lợi cho những người mà không biết tiếng Anh vẫn có thể sống thoải mái. Những đứa trẻ này khi được đặt trong một môi trường như vậy, cũng giống như “thả hổ về rừng”, khiến cho chúng càng thấy không cần thiết phải biết tiếng Anh,
Luật sư của Địch Vân Giao cũng nói rằng, cô Giao ở trong tù giờ đây đã dành rất nhiều thời gian để đọc và học Kinh Thánh, hay thậm chí đọc bất kỳ cuốn sách nào mà cô có trong tay. “Chúng tôi cũng mang đến cho cô ấy rất nhiều sách để đọc, tiếng Anh của cô cũng ngày một tốt hơn”.
Nguyên nhân gì khiến họ có thể học tiếng Anh nhanh chóng như vậy?
Thứ nhất, học tiếng nước ngoài phải có một môi trường ngôn ngữ, tốt nhất là đào tạo khép kín. Cha mẹ cho con đi du học tại Mỹ, bước đầu tiên là để học nói tiếng Anh. Mà trong tù nếu bạn không biết nói tiếng Anh thì quả là phiền phức lớn…
Thứ hai, việc học tiếng Anh không phải nằm ở quyết tâm hay không, mà nằm ở vấn đề sinh tồn hay không? Trong tù, nếu không nghe hiểu tiếng Anh thì sẽ không thể nghe được chỉ lệnh của cai ngục hoặc không hiểu được những tù nhân khác yêu cầu hay muốn mình làm gì hay họ đơn giản chỉ tìm một kẻ để bắt nạt. Do đó đây chính là nhu cầu cần thiết để tồn tại. Vì vậy, 3 hoặc 4 tháng trong tù đã có thể thông thạo tiếng Anh là điều không khó lý giải.
Thứ ba, nhất định cần môi trường thực hành thì mới có hiệu quả tốt nhất.
Cũng giống như việc chúng ta học bơi, không thể ở trong bồn tắm luyện tập hay trên giường luyện tập là biết được. Cho dù bồn tắm có nhiều nước đến đâu bạn cũng không thể tự trôi nổi trên đó được. Hay dù bạn có bơi ngửa, bơi ếch hay bơi bướm đủ các tư thế trên giường nhưng đến khi thả vào hồ bơi chưa chắc bạn đã dám nhảy xuống. Nhà tù ở California Mỹ là một nơi đông đúc, hơn 600 người ở cùng một phòng, một giường 3 tầng với đủ các sắc tộc như người da đen, người da vàng và người da trắng… Trong một môi trường phức tạp và khắc nghiệt này, có lẽ chưa tới một vài năm bạn cũng có thể biết nói tiếng Tây Ban Nha không chừng.
Các du học sinh người Việt cũng không ngoại lệ, nếu sống ở các khu vực đông người Việt ở Mỹ, họ cũng không có nhiều nhu cầu giao tiếp và hoà nhập bằng tiếng Anh. Bài viết này không khuyên các du học sinh phải vào tù mới có thể rèn luyện tiếng Anh, chỉ lưu ý rằng các bạn trẻ cần tạo cho mình động lực và môi trường phù hợp để thực hành ngôn ngữ.
Theo Letu
My My biên dịch
Nguồn: DKN.tv