Nếu không vì đợt bùng phát dịch viêm phổi virus corona tại Trung Quốc, Xu Mingxi giờ này đang ngồi trên giảng đường tại một đại học danh giá của New York. Thay vào đó, người thanh niên 22 tuổi suốt 3 tuần qua đành chôn chân ở nhà, cách ly cùng gia đình tại Vũ Hán.
Thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền Trung của Trung Quốc, là nơi bùng phát đại dịch khiến khoảng 69.000 người nhiễm và hơn 1.600 ca tử vong kể từ tháng 12/2019 đến nay. Không chỉ thành phố với 11 triệu dân đang bị phong tỏa, cả Trung Quốc đang chịu một lệnh "cách ly" không chính thức khi hàng loạt nước áp dụng lệnh hạn chế đi lại với người đến từ nước này.
Dù cho Xu Mingxi có được rời khỏi nhà, chính phủ Mỹ cũng không cho anh nhập cảnh.
Du học sinh Trung Quốc cầm trên tay văn bản do chính phủ Australia phát hành liên quan đến các biện pháp ứng phó virus corona. Ảnh: AAP.
Đóng cửa với du học sinh Trung Quốc
Cách Vũ Hán gần 1.000 km, Alex dù đang ở Bắc Kinh cũng chịu chung cảnh ngộ. Suốt 2 tuần qua cô ở nhà cùng mẹ và ông. Tổ dân phố mang nhu yếu phẩm đến tận cửa nhà vì lệnh cách ly tạm thời.
Alex lo không thể đến Sydney cuối tháng 2 và phải hoãn một học kỳ chương trình đào tạo. Australia, Mỹ và chính phủ khoảng 60 quốc gia đang áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh cho công dân Trung Quốc với hy vọng ngăn virus corona chủng mới bùng phát dịch tại nước mình. Hệ quả là một số lượng khổng lồ du học sinh Trung Quốc không thể trở lại giảng đường sau kỳ nghỉ Tết âm lịch.
Năm 2017, gần 900.000 du học sinh Trung Quốc theo học tại các trường nước ngoài.
Điểm đến của gần một nửa số này là Australia và Mỹ, đóng góp hàng tỷ USD cho nền kinh tế các nước. Vẫn chưa có con số chính thức lượng du học sinh Trung Quốc ở ngoài lãnh thổ Mỹ vào thời điểm lệnh hạn chế đi lại có hiệu lực vào ngày 31/1.
Thời điểm đó, nhiều trường đại học Mỹ đã khai giảng trở lại sau kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Về phần mình, Australia ước tính gần 56% du học sinh Trung Quốc, hơn 106.000 sinh viên, vẫn ở nước ngoài khi chính phủ ra lệnh hạn chế nhập cảnh vào đầu tháng 2. Học kỳ dự kiến đến cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 mới khai giảng.
"Đây là thời điểm tệ nhất cho Australia, đúng vào giai đoạn mọi người sắp từ Trung Quốc trở lại Australia", Andrew Norton, giáo sư về chính sách giáo dục đại học và cao hơn, làm việc tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định.
Người gốc Á đeo khẩu trang ở khu trung tâm Melbourne sau khi có ca dương tính với virus corona được ghi nhận tại thành phố. Ảnh: Reuters.
Lựa chọn khó khăn
Ban đầu, đây chỉ là một kỳ nghỉ bình thường cho Xu Mingxi. Anh hội hè và tiệc tùng cùng bạn bè, gia đình. Virus corona là một khái niệm chưa quá đáng sợ, nhưng Xu vẫn cẩn thận đeo khẩu trang và tránh những địa điểm trong danh sách khuyến cáo mà điển hình là ngôi chợ cá ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên, chỉ cách nhà Xu vài km.
Ngày 23/1, khi Xu đang chuẩn bị bay về New York trong đêm, giới chức Vũ Hán thông báo lệnh phong thành.
Vẫn còn đủ thời gian để rời đi nhưng Xu quyết định chờ. Anh nghĩ rằng ở lại Vũ Hán sẽ an toàn hơn và lệnh phong tỏa cũng không kéo dài. Học kỳ mới của Đại học New York, nơi Xu đăng ký ngành đào tạo viễn thông liên lạc tương tác, khai giảng 5 ngày sau.
Ngày 31/1, chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ không cho người nước ngoài từng đến Trung Quốc đại lục nhập cảnh. Nhà trường nói họ có chương trình đào tạo từ xa cho Xu, nhưng với anh phương pháp này không xứng với mức học phí 62.000 USD/năm. Người sinh viên Vũ Hán chấp nhận hoãn một học kỳ và sẽ tốt nghiệp trễ 6 tháng so với chương trình đào tạo ban đầu.
Tại Đại học Sydney, nơi Alex đang theo học ngành luật, nhà trường cho du học sinh Trung Quốc nhiều lựa chọn hơn.
Những người không được nhập cảnh vì lệnh hạn chế đi lại có thể đào tạo từ xa, bắt đầu học kỳ trễ vài tuần hoặc bảo lưu tín chỉ. Alex chọn cách bảo lưu trong trường hợp đến giữa tháng 3 vẫn chưa thể sang Australia.
Học phí mỗi năm của cô lên đến 45.000 AUD (khoảng 30.280 USD), cao hơn nhiều so với sinh viên bản địa. Khi Australia công bố biện pháp hạn chế đi lại vào ngày 1/2, lệnh có hiệu lực ngay lập tức.
Dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các biện pháp này không cần thiết, Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh đây là biện pháp tối ưu cho lợi ích của người dân dựa trên tham vấn từ cơ quan y tế quốc gia.
Trong ngày lệnh có hiệu lực, 80 công dân Trung Quốc đang trên đường đến Australia hoặc chuẩn bị nhập cảnh, trong đó có 47 du học sinh.
Theo lãnh đạo Lực lượng Biên phòng Australia Michael Outram, 18 người quyết định quay về nước. Số còn lại chấp nhận tự cách ly 14 ngày.
"Đây là tình huống rất khó khăn cho du học sinh. Chúng tôi dĩ nhiên hiểu rõ. Họ kẹt giữa dịch bệnh ở Trung Quốc và việc quay lại Australia. Nó gây ra nhiều rắc rối cho thị thực của du học sinh", ông Outram nhận định. David, một du học sinh ngành kỹ sư tại Đại học Sydney, đang phải tự cách ly tại nhà ở Quảng Đông nhiều tuần qua. Anh bức xúc các hành động của chính phủ Australia là quá thờ ơ.
"Tôi cũng đóng thuế. Tôi có đóng góp cho xã hội. Tôi cũng đi hiến máu. Sau tất cả những gì tôi làm, họ vẫn xem tôi không phải một phần xã hội của họ", David chia sẻ anh không muốn dùng tên thật, lo ngại việc xin visa trở lại Australia bị ảnh hưởng xấu.
Hệ thống xe buýt tại Vũ Hán, Trung Quốc, vẫn hoạt động hạn chế dù có lệnh phong tỏa thành phố. Ảnh: Reuters.
Thiệt hại ngắn hạn lẫn dài hạn
Đợt bùng phát dịch virus corona ở còn gây ra hàng tá rắc rối khác cho các trường đại học Mỹ và Australia. Họ phải tìm phương án giải quyết cho những du học sinh nhập học trễ như Xu và Alex, cũng như những người chọn tiếp tục đào tạo từ xa.
Một số trường gần như không đủ năng lực để cùng lúc giải quyết nhiều bài toán như vậy, Andrew Norton cảnh báo. Nếu hàng nghìn du học sinh Trung Quốc cùng quyết định bỏ học kỳ này, đại học ở Australia và Mỹ sẽ thất thu hàng tỷ USD.
Tại Australia, khoảng 23,3% tổng doanh thu của trường đại học năm 2017 là từ du học sinh. Công dân Trung Quốc chiếm 38% tổng du học sinh đăng ký nhập học năm 2018. Giáo dục nước ngoài đóng góp cho nền kinh tế nước này khoảng 37,6 tỷ AUD (25 tỷ USD) trong năm tài khóa 2018-2019.
Còn tại Mỹ, chỉ riêng du học sinh Trung Quốc đã đóng góp đến 14,9 tỷ USD cho nền kinh tế vào năm 2018. Andrew Norton lo ngại đại đa số du học sinh Trung Quốc tại Australia sẽ nhập học trễ ít nhất 3 tháng hoặc cả học kỳ. Về ngắn hạn, Australia sẽ thất thu từ 2-3 tỷ AUD từ du học sinh không thể nhập học.
"Chính phủ hiểu cái giá phải trả về mặt kinh tế là rất lớn từ khu vực đại học và du lịch", ông đánh giá.
Nhiều nước khác cũng chung cảnh ngộ với Australia và Mỹ.
Hàn Quốc có khoảng 70.000 du học sinh Trung Quốc đăng ký đào tạo ở nước này. Học kỳ mới sẽ bắt đầu vào tháng 3, nhưng nhiều trường đã bắt đầu thông báo hoãn khai giảng thêm 2 tuần để hỗ trợ du học sinh sống tại những thành phố bị phong tỏa như Vũ Hán.
Các chuyên gia cảnh báo dịch virus corona chủng mới có thể dẫn đến những tác động sâu rộng hơn đại dịch Sars (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) vào năm 2003, cũng khởi phát từ Trung Quốc.
Nến nền kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại lớn, các gia đình ở nước này sẽ chi ít tiền hơn cho giáo dục nước ngoài. David cho rằng tâm lý ác cảm đối với người Trung Quốc tại một số nước như Australia và Mỹ sẽ khiến du học sinh chọn chương trình đào tạo ở những nước khác.
Phụ huynh tại Trung Quốc gửi con em mình ra nước ngoài không chỉ dựa vào chất lượng giáo dục, mà còn mức độ chào đón và ổn định xã hội.
Alex nói cô bất ngờ trước những phản ứng khác nhau từ các nước trước tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc. Trong khi những đồng hương của cô luôn động viên người dân Vũ Hán, cộng đồng quốc tế lại xuất hiện tâm lý ác cảm với người Trung Quốc.
"Có những làn sóng thù ghét. Tôi cảm thấy mình không được thông cảm. Tôi cảm thấy bị bỏ mặc và mình không được quan tâm", cô chia sẻ bức xúc khi nhiều ý kiến ở Australia cho rằng người Trung Quốc "đáng chịu dịch bệnh" vì họ ăn thịt dơi.
Rahul Choudaha, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học tại UC Berkeley, dự đoán sinh viên Trung Quốc có thể quay lại với các trường trong nước, đặc biệt khi chất lượng đào tạo đại học ở Trung Quốc đã được cải thiện.
Thanh Danh
Nguồn: zing.vn