Ngày 16/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato thông báo đã có thêm 70 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới (Covid-19) trên du thuyền Diamond Princess, hiện đang bị phong tỏa tại cảng Yokohama từ những ngày đầu tháng 2/2020.
Đáng chú ý, tàu có tổng cộng 2666 hành khách cùng hơn 1000 thuyền viên, nhưng mới chỉ xét nghiệm 1219 người đã có đến 355 người dương tính - tỉ lệ gần 30%. Và tất cả số người nhiễm ấy chỉ đến từ 1 nguồn duy nhất - hành khách ở Hong Kong (Trung Quốc), người đầu tiên xác nhận dương tính với virus vào ngày 1/2/2020.
Du thuyền bị cách ly Diamond Princess
5/2, khi con tàu cập cảng Yokohama, Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận 9 hành khách và một thủy thủ đoàn người Philippines dương tính với virus. Những ngày kế tiếp, con số lây nhiễm tiếp tục leo thang lên đến cả trăm người, bất chấp toàn bộ hành khách đã chấp hành lệnh cách ly 14 ngày không rời cabin kể từ 4/2.
Nhưng tại sao con số vẫn tiếp tục gia tăng? Chẳng lẽ lệnh cách ly không có tác dụng?
Những trường hợp được báo cáo chưa chắc đã là nhiễm mới
Satoshi Hori - giáo sư khoa Kiểm soát lây nhiễm tại ĐH Juntendo (Tokyo Nhật Bản) cho biết, ông không nghĩ việc có thêm trường hợp nhiễm bệnh là dấu hiệu cho thấy việc cách ly là không hiệu quả.
"Tôi tin rằng các cuộc xét nghiệm được thực hiện theo đợt, và báo cáo cũng cuốn chiếu theo đó," - Hori chia sẻ.
Giáo sư Brendan Murphy - chuyên gia dịch tễ của Úc cũng đồng quan điểm, cho rằng có thể tất cả những trường hợp được báo cáo đã bị lây nhiễm từ trước khi lệnh cách ly được đặt ra. "Nhìn con số tiếp tục gia tăng, hẳn ai cũng đặt dấu hỏi về câu chuyện này," - Murphy cho biết.
Có một số chuyên gia y tế lại tỏ ra hoài nghi, như Ian Mackay - chuyên gia hàng đầu về virus tại Viện truyền nhiễm Úc. "Lẽ ra có những cách tốt hơn và nhân văn hơn, thay vì giữ họ lại trên tàu trong khi chuyện cách ly chưa tỏ ra hiệu quả."
"Tôi nghĩ bản thân chuyện cách ly có vẻ là nguồn lây nhiễm. Họ đã để tất cả ở trên một con tàu với sự có mặt của virus," - giáo sư David Fisman từ ĐH Toronto (Canada) bày tỏ quan điểm.
Cách vài ngày, hành khách bị cách ly trên tàu được phép lên boong một khoảng thời gian ngắn
Tuy nhiên, các chuyên gia khác - dẫn đầu là giáo sư Shigeru Sakurai - sau khi đến thực tế tại tàu lại cho biết các biện pháp bảo vệ trên du thuyền về cơ bản là rất tốt. Sakurai nhận định, thành viên trên tàu thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn phòng ngừa, dù vẫn còn một số yếu tố cần cải thiện.
"Một bộ phận nhỏ chưa thực hiện khử trùng tay hoặc ngón tay, nên chúng tôi tiến hành hướng dẫn họ. Nhiều người chưa biết rằng virus có thể lây truyền nếu bám trên tay," - ông chia sẻ.
Tại sao không làm xét nghiệm cho toàn bộ con tàu?
Để trả lời một cách ngắn gọn, đơn giản là họ chưa thể làm được. Ở thời điểm hiện tại, trang thiết bị y tế chỉ đủ để xét nghiệm 300 mẫu mỗi ngày. Với hơn 3600 người mắc kẹt trên tàu, làm xét nghiệm cho tất cả sẽ cần một nỗ lực cực kỳ lớn.
Việc xét nghiệm toàn bộ con tàu đòi hỏi nguồn lực lớn hơn
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết chỉnh phủ có khả năng nâng số xét nghiệm lên 1000 trường hợp mỗi ngày, nếu đồng thời cho phép các cơ sở tư nhân làm xét nghiệm. Mục tiêu đặt ra hiện tại là làm sao để toàn bộ các xét nghiệm được hoàn tất vào ngày 18/2 - trước 1 ngày so với thời điểm toàn bộ hành khách có thể được rời tàu về mặt lý thuyết vì đã hết thời gian cách ly.
1 nhân viên kiểm dịch nhiễm virus, nhưng tại sao?
Được biết, hiện tại 355 trường hợp dương tính với virus trên tàu Diamond Princess, trong đó có 1 nhân viên kiểm dịch chịu trách nhiệm đo thân nhiệt và thu thập mẫu khảo sát từ hành khách.
Lý giải cho chuyện này, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết người này dù thực hiện khử trùng toàn bộ cơ thể, nhưng đã không mặc đồ bảo hộ toàn thân ở thời điểm ấy.
"Bởi đó là một nhiệm vụ với rủi ro tương đối thấp." - trích lời giáo sư Hori. "Nếu một nhân viên kiểm dịch phải làm việc với rất nhiều người, có khả năng một lượng nhỏ virus sót lại, và rốt cục người này sẽ phải tiếp xúc với một lượng lớn virus được tích tụ."
Theo ông, nhân viên kiểm dịch này có thể đã chạm vào bề mặt đồ bảo hộ khi cởi ra, rồi vô tình đưa tay lên mặt. "Những tai nạn như vậy có thể xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh lây lan."
Giáo sư Ian Mackay bác bỏ giả thuyết dịch bệnh có thể lan truyền thông qua đường ống thông ký. "Khi virus có thể lan qua không khí, các phân tử virus sẽ theo ống dẫn khí đi khắp con tàu. Điều này có khả năng xảy ra, nhưng rất nhỏ. Và tôi nghĩ nó lây lan qua những con đường ngắn hơn rất nhiều."
Cuộc sống của các thuyền viên
Hành khách trong diện cách ly, họ buộc phải ở yên trong cabin cá nhân, tìm cách giết thời gian bằng phim ảnh, sách báo hoặc các trò board game. Nhưng bên dưới khoang tàu, mọi chuyện xảy ra rất khác.
Hơn 1000 thuyền viên của Diamond Princess, đã có hơn 10 người dương tính với virus Covid-19. Họ được phát khẩu trang cùng găng tay để ngăn dịch bệnh phát tán, đồng thời có thiết bị đo thân nhiệt nhằm kiểm soát bất kỳ ai bộc lộ triệu chứng. Vấn đề nằm ở chỗ, họ có nhiệm vụ chuẩn bị bữa ăn cho hành khách, rửa dọn bát đĩa cùng vật dụng ăn uống, và họ làm điều đó trong sợ hãi.
Binay Kumar Sarkar - nhân viên trên tàu
Binay Kumar Sarkar - một nhân viên người Ấn Độ làm việc trong khoang bếp của du thuyền mới đây đã đăng tải một video lên Facebook, cùng lời cầu khẩn chính phủ Ấn Độ sẽ sớm tiến hành giải cứu anh.
"Mỗi ngày trôi qua virus lại lây lan và đe dọa tính mạng của tất cả mọi người. Chúng tôi đang rất hoảng sợ, mong muốn chính phủ Ấn Độ sẽ sớm đến giải cứu mình,"
Đoạn video được Sakar thực hiện cùng 4 đồng nghiệp khác - cũng là người Ấn Độ, và tất cả đều chưa được xét nghiệm.
Nhiều nhân viên chưa được xét nghiệm
Thời điểm được rời tàu?
Về lý thuyết, thời hạn cách ly trên tàu sẽ là ngày 19/2. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Tất cả những bệnh nhân dương tính với virus đều đã được chuyển đến các cơ sở y tế để điều trị cách ly, và điều này tạo áp lực không nhỏ về trang phục bảo hộ cho các y bác sĩ. Ngoài ra, các trường hợp đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh sẽ phải cách ly tiếp, với thời gian tính từ thời điểm tiếp xúc gần nhất.
Một gia đình quốc tịch Úc đang chờ đến ngày được rời tàu
"Hơn 10 bị nhốt trong một cái hộp, chẳng có gì để làm," - một nữ hành khách người Úc chia sẻ. "Mỗi ngày tôi cố nhìn ra ngoài cửa sổ để biết chuyện gì đang xảy ra dưới kia. Mà có lẽ, ngay cả việc thò đầu ra ngoài cũng là không được."
Nhìn chung, tất cả mọi người đều đang đếm từng giây cho đến ngày 19/2, và hy vọng bản thân vẫn sẽ khỏe mạnh vào thời điểm đó.
Theo Trí Thức Trẻ