Ngày 30/11, Chính phủ Đức đã quyết định sẽ xây dựng 19 trung tâm dự trữ nguồn cung y tế phòng ngừa các tình huống khẩn cấp nhằm tránh lặp lại tình huống giống như hồi đầu năm khi nước này thiếu nghiêm trọng vật tư y tế vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh.
Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn cho biết chính phủ nước này có kế hoạch chi khoảng 1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD) trong năm 2021 để xây dựng 19 trung tâm “dự trữ y tế quốc gia” trên khắp nước Đức để đảm bảo nền kinh tế hàng đầu châu Âu này được chuẩn bị tốt nhất cho các tình huống khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.
Các trung tâm này sẽ là nguồn cung cấp đồ bảo hộ cá nhân như khẩu trang, thuốc men và máy trợ thở. Mỗi trung tâm được thiết kế có thể đảm bảo nguồn cung vật tư y tế trong một tháng cho các bệnh viện, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và phòng khám địa phương.
Trước mắt, các trung tâm này sẽ là nơi chứa hàng vật tư y tế có sẵn hoặc đang đặt mua. Từ năm 2022, Đức đặt mục tiêu sẽ tích trữ chủ yếu vật tư y tế “sản xuất trong nước,” dần thay thế thế chuỗi cung ứng bên ngoài.
Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, Bộ trưởng Spahn cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao khi ngày càng có nhiều người nhập viện trong bối cảnh các cơ sở chăm sóc tích cực (ICU) tại các bệnh viện có nguy cơ không còn giường bệnh.
Theo Hiệp hội Gây mê và Y khoa tích cực Đức (DIVI), khoảng 4.000/5.900 giường bệnh trong các ICU tại 1.300 bệnh viện ở Đức đã có bệnh nhân và số lượng bệnh nhân nhập viện tiếp tục tăng.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo rằng, nếu người dân không thận trọng, có thể sẽ có một làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ ba vào mùa Đông này.
Bà cũng lưu ý, ngoài các nhân viên y tế và những người đặc biệt dễ bị tổn thương, lực lượng cảnh sát cũng nằm trong nhóm nên được ưu tiên tiêm phòng ngay từ đầu một khi có vắcxin phòng COVID-19.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Aachen, miền tây nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), trong mấy tuần gần đây, Đức đang phải hứng chịu những tác động nặng nề của làn sóng đại dịch COVID-19 thứ hai, khiến số ca lây nhiễm tăng mạnh, vượt qua mức 1 triệu ca.
Đại dịch đến nay đã làm hơn 16.000 người ở Đức tử vong, trong khi số bệnh nhân cần được điều trị tích cực đã tăng gấp hơn 10 lần kể từ đầu tháng 10 vừa qua.
Trong bối cảnh nhiều loại vắcxin phòng COVID-19 sắp được cấp phép, sân bay Frankfurt/Main ở Đức đã chuẩn bị sẵn sàng các khâu hậu cần phục vụ việc vận chuyển hàng triệu liều vắcxin đi khắp thế giới.
Frankfurt là trung tâm vận chuyển hàng hóa y tế lớn nhất châu Âu và đây cũng được coi là điểm quan trọng góp phần vào chiến dịch cung cấp vắcxin cho hàng triệu người trên khắp thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19.
Mặc dù tại đây có đầy đủ các trang thiết bị bảo quản vắcxin đạt tiêu chuẩn quốc tế, song loại vắcxin phòng COVID-19 của công ty BioNTech cần được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C trong suốt quá trình vận chuyển.
Do đó, Frankfurt còn cần những containner chuyên dụng đặc biệt có thể duy trì hoạt động tới 120 giờ mà không cần cung cấp năng lượng, đủ thời gian để có thể vận chuyển vắcxin tới những địa điểm xa xôi.
Theo một nghiên cứu của hãng chuyển phát nhanh DHL, có thể cần tới 15.000 chuyến bay để có thể chuyên chở khoảng 10 tỷ liều vắcxin phòng COVID-19.
Nguồn: vietnamplus