Điều Haneul nhớ nhất về thời gian ở quân đội Triều Tiên là cơn đói dai dẳng. Anh đã sụt 10kg chỉ trong tháng đầu tiên trong quân ngũ, do chế độ ăn toàn ngô nghiền và bắp cải mốc.
Sau ba tháng huấn luyện, anh cho biết gần như toàn bộ tiểu đoàn bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và cần được đưa đến trung tâm phục hồi chức năng để bồi dưỡng tăng cân trở lại.
Sau đó, khi họ được sung làm lính gác tiền tuyến ở biên giới với Hàn Quốc, gạo đã thay thế ngô. Nhưng khi đến được bữa ăn của họ, một lượng lớn gạo đã bị các đơn vị hậu phương lấy bớt, và phần còn lại thì bị trộn với cát.
Haneul cho biết đơn vị của anh nằm trong số những đơn vị có khẩu phần ăn đầy đủ nhất, một chiến thuật để ngăn họ đào tẩu sang Hàn Quốc.
Nhưng chiến thuật này đã không ngăn cản được Haneul.
Năm 2012, anh đã liều mạng chạy qua Khu phi quân sự (DMZ) - dải đất phân chia Bắc và Nam Triều Tiên.
Kinh nghiệm của anh và những người lính đào tẩu khác giúp làm sáng tỏ tình trạng của hàng ngàn quân nhân Triều Tiên được triển khai đến tiền tuyến trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.
Nguồn hình ảnh,BBC/Hosu Lee
Haneul được triển khai làm lính biên phòng tại Khu phi quân sự với Hàn Quốc khi anh đào tẩu vào năm 2012
Bình Nhưỡng được cho là đã điều khoảng 11.000 binh lính đến giúp các đơn vị của Nga tái chiếm một phần khu vực Kursk mà Ukraine đã giành lại được trong một cuộc tấn công bất ngờ vào mùa hè.
Đầu tuần này, Seoul, Washington và Kyiv cho biết các binh sĩ này đã ra quân 'với số lượng đáng kể', và đã có những tổn thất đầu tiên.
Giới chức Hàn Quốc ước tính đã có hơn 100 binh lính Triều Tiên đã bị thiệt mạng, và nhiều lính khác bị thương. Số liệu này chưa được xác nhận.
Tuy nhiên, những người đào ngũ và các chuyên gia quân sự khác đã nói với BBC rằng không nên xem thường các binh sĩ này.
Theo tình báo Hàn Quốc, phần lớn trong số họ thuộc đơn vị tinh nhuệ Storm Corps, và có 'tinh thần cao', nhưng 'thiếu hiểu biết về chiến tranh hiện đại'.
Chỉ những nam thanh niên cao lớn, khỏe mạnh mới được chọn vào Storm Corps, theo lời Lee Hyun Seung, người đã huấn luyện lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên hồi đầu những năm 2000 trước khi đào tẩu vào năm 2014.
Ông đã dạy họ võ thuật, cách phóng dao và chế tạo vũ khí từ dao kéo và các dụng cụ nhà bếp khác.
Nhưng dù chương trình huấn luyện của Storm Corps tiên tiến hơn so với các đơn vị chính quy của Triều Tiên, binh lính vẫn chịu cảnh thiếu ăn và thậm chí suy dinh dưỡng.
Các video trên mạng, được cho là của các binh lính ở Nga, cho thấy những người lính trẻ hơn, "yếu ớt", Haneul nói.
Điều này hoàn toàn trái ngược với các video tuyên truyền của Bình Nhưỡng, vốn chỉ phô diễn cho người ta thấy cảnh các thanh niên giật tung xích sắt và đập vỡ các khối băng bằng tay không.
Trong suốt thời gian ở quân ngũ, Haneul kể anh chỉ được bắn ba viên đạn trong một đợt huấn luyện bắn đạn thật.
Lần gần nhất anh gần như phải chiến đấu là khi một người nông dân đói lảo đảo bước vào DMZ để tìm rau.
Haneul kể anh đã bỏ qua chỉ dẫn "bắn bất kỳ kẻ xâm nhập nào" và tha cho người đàn ông đó sau khi cảnh cáo ông ta.
Nguồn hình ảnh,BBC/Maxine Collins
Lee Hyun Seung là một cán bộ huấn luyện lực lượng đặc biệt ở Triều Tiên vào đầu những năm 2000
Thật khó để biết có bao nhiêu thay đổi trong suốt 10 năm qua kể từ khi Haneul đào tẩu, do thông tin từ Triều Tiên rất khan hiếm.
Có vẻ như nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tập trung phần lớn nguồn lực hạn chế của mình vào tên lửa và vũ khí hạt nhân thay vì quân đội thường trực.
Nhưng theo một người lính khác, Ryu Seonghyun, đào tẩu vào năm 2019, ba năm đầu tiên trong quân đội là "cực kỳ khắc nghiệt", ngay cả đối với lực lượng đặc nhiệm.
Thanh niên 28 tuổi này từng làm lái xe trong lực lượng không quân trong bảy năm, cho biết trong thời gian quân ngũ, điều kiện sống ngày một tồi tệ hơn và gạo dần biến mất khỏi các bữa ăn.
"Những người lính được phái vào vùng núi trong nhiều ngày chỉ với một lượng gạo nhỏ và được cho biết đó là một phần trong quá trình huấn luyện sinh tồn."
Được huấn luyện để chiến đấu trên Bán đảo Triều Tiên nhiều đồi núi, làm sao họ có thể thích nghi để chiến đấu trên điều kiện đồng bằng và trong các chiến hào của Kursk, những người đào tẩu đặt câu hỏi.
Điều quan trọng là Storm Corps không phải là đơn vị tiền tuyến.
Ryu nói rằng "Nhiệm vụ của họ là xâm nhập vào các phòng tuyến của kẻ thù và tạo ra sự hỗn loạn sâu bên trong lãnh thổ của kẻ thù".
Nhưng, anh nói thêm, Kim Jong Un không có lựa chọn nào khác ngoài việc điều lực lượng đặc biệt, vì những người lính chính quy phải dành phần lớn thời gian để làm nông, xây dựng hoặc đốn gỗ.
"Kim Jong Un cần điều đi những người có thể chứng tỏ ít nhất là họ có khả năng chiến đấu ở một mức độ nhất định, để tránh làm tổn hại đến danh tiếng của Triều Tiên tại Nga."
Nguồn hình ảnh,BBC/Hosu Lee
Ryu cho biết những người lính được đưa vào vùng núi trong nhiều ngày với một lượng gạo nhỏ, như một phần của quá trình huấn luyện sinh tồn
Rào cản ngôn ngữ dường như tạo thêm một chướng ngại nữa.
Hôm Chủ nhật, đơn vị tình báo quốc phòng của Ukraine cho biết do có các vấn đề trong việc giao tiếp với nhau mà binh lính Triều Tiên đã vô tình nổ súng vào một tiểu đoàn của Nga, khiến tám người thiệt mạng.
Với những đánh giá này, có thể dễ dàng coi các binh lính này là "bia đỡ đạn" và là dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhưng đó sẽ là một sai lầm, những người đào tẩu cho biết.
Lòng trung thành của họ với chế độ và tinh thần chiến đấu có ý nghĩa rất lớn.
Hầu hết những người lính trong Storm Corps đều xuất thân từ gia đình lao động hoặc nông dân, vốn là người rất tuân phục đảng và sẽ tuân theo mệnh lệnh một cách vô điều kiện, Haneul, người có cha và anh họ từng phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm, cho biết.
Các buổi sinh hoạt "tẩy não" về tư tưởng, được tổ chức vào mỗi buổi sáng, nhằm đảm bảo họ đã sẵn sàng về tinh thần, Lee nói thêm.
Anh tin rằng quân đội Triều Tiên "sẽ quen với chiến trường, học cách chiến đấu với kẻ thù và tìm cách để sống sót".
Mặc dù những người lính không được quyền lựa chọn liệu họ có được điều đi hay không, Ryu nghĩ rằng nhiều người sẽ muốn đi.
Những người tham vọng sẽ coi đó là cơ hội để thăng tiến sự nghiệp, anh nói.
Và xét đến cuộc sống quân ngũ ở Triều Tiên khắc nghiệt như thế nào, có thể một số người đã rất vui mừng vì có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài lần đầu tiên.
"Tôi nghĩ họ sẽ sẵn sàng chiến đấu hơn quân đội Nga," anh nói thêm, thừa nhận rằng trong hoàn cảnh của họ, anh cũng muốn được cử đi.
Chun In-bum, cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc, đồng ý với đánh giá của những người đào tẩu.
"Chỉ với thiếu lương thực và huấn luyện, không có nghĩa là họ không có năng lực. Họ sẽ thích nghi nhanh chóng. Chúng ta không nên đánh giá thấp họ".
Trong khi 11.000 quân khó có thể đảo ngược tình thế của một cuộc chiến tranh tiêu hao như vậy – ước tính Nga đang phải chịu hơn một ngàn thương vong mỗi ngày – các chuyên gia và quan chức tin rằng đây chỉ là đợt đầu tiên.
Bình Nhưỡng có khả năng gửi đến 60.000 hoặc thậm chí 100.000 quân nếu họ được luân phiên.
Với những con số này, ông Chun tin rằng họ có thể trở nên hiệu quả.
Ngoài ra, Kim Jong Un sẽ có thể gánh chịu những tổn thất lớn không gây ảnh hưởng đến sự ổn định của chế độ, những cựu chiến binh cho biết.
"Những người được điều đi sẽ là những người không có ảnh hưởng hoặc mối quan hệ gì - nói thẳng ra là những người có thể hy sinh mà không gặp vấn đề gì," Haneul nói.
Anh nhớ lại mình đã cảm thấy sốc khi biết trong đơn vị tiền tuyến của mình không có ai là con cháu của các cán bộ cấp cao: 'Đó là khi tôi nhận ra chúng tôi là những vật thế mạng.'
Anh không mong đợi gì nhiều từ sự phản kháng của gia đình những người đã hy sinh, những người mà anh cho biết con trai của họ sẽ được tôn vinh như những anh hùng.
"Có vô số cha mẹ đã mất con sau khi gửi chúng đi lính," anh nói, nhớ lại người anh em họ thứ hai của mình đã hy sinh.
Dì của anh đã nhận được một giấy khen, ca ngợi con trai mình vì những đóng góp anh hùng.
Những bức ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố vào tháng 3/2024 cho thấy những người lính lực lượng đặc nhiệm đang tham gia một buổi huấn luyện
Lòng trung thành của những người lính và gia đình họ có thể khiến Ukraine và Hàn Quốc bớt hi vọng nhiều người sẽ đào ngũ khi họ tham gia chiến đấu.
Kyiv và Seoul đã thảo luận về việc tiến hành các chiến dịch tâm lý dọc theo tuyến đầu để khuyến khích binh lính đầu hàng.
Nhưng có vẻ như các binh sỹ Triều Tiên không được quyền truy cập điện thoại di động.
Theo tình báo Ukraine, ngay cả điện thoại của lính Nga cũng bị tịch thu trước khi họ gặp quân đội Triều Tiên.
Vì vậy, các chiến lược xâm nhập có thể có cả phát thông điệp qua loa phóng thanh hoặc sử dụng máy bay không người lái để thả tờ rơi.
Cả Ryu và Haneul đều quyết định đào tẩu sau khi đọc được tuyên truyền chống chế độ được gửi qua biên giới từ Hàn Quốc. Nhưng họ nghi ngờ điều này sẽ không hiệu quả khi ở xa nhà như vậy.
Họ nói rằng phải mất một thời gian dài để xây dựng mong muốn và lòng can đảm để đào tẩu.
Hơn nữa, Haneul nghi ngờ các sĩ quan sẽ được lệnh bắn bất kỳ ai cố gắng chạy trốn. Anh nhớ lại cảnh đồng đội của mình nổ súng khi anh chạy qua DMZ.
"Mười hai viên đạn bay chỉ cách đầu tôi một mét," anh nói.
Ngay cả việc bắt giữ binh lính Triều Tiên cũng có thể là thách thức đối với Ukraine.
Ở miền Bắc, việc trở thành tù nhân chiến tranh được coi là cực kỳ đáng xấu hổ và tệ hơn cả cái chết.
Thay vào đó, những người lính được dạy cách tự sát, bằng cách tự bắn mình hoặc kích nổ lựu đạn.
Ryu nhớ lại một hành khúc nổi tiếng có tên là "Dành viên đạn cuối cùng". "Họ bảo bạn phải dành hai viên đạn, một viên để bắn kẻ thù và một viên để tự bắn mình".
Tuy nhiên, cựu cán bộ huấn luyện lực lượng đặc biệt Lee vẫn quyết tâm giúp đỡ. Ông đã đề nghị ra tiền tuyến để giao tiếp trực tiếp với những người lính.
"Khả năng họ sẽ đào tẩu số lượng lớn là không có, nhưng chúng ta phải thử. Nghe những giọng nói quen thuộc như của tôi và những người khác từ Triều Tiên có thể tác động đến tâm lý của họ," ông nói.
Haneul chỉ hy vọng họ trở về Triều Tiên. Ông biết có khả năng một số người thân của ông nằm trong số những người lính được điều đi để giúp Nga.
"Tôi chỉ hy vọng họ sống sót và trở về an toàn".
Tường thuật bổ sung của Jake Kwon và Hosu Lee
Nguồn: BBC