EU hiện nay vẫn lúng túng trong việc tìm ra một giải pháp chung toàn diện cho cuộc khủng hoảng người nhập cư, vốn lên đến đỉnh điểm vào năm 2015.

Ngày 25/1, Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp của các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã nhóm họp tại thủ đô Sofia của Bulgaria, tập trung thảo luận cải cách chính sách tị nạn Châu Âu, cải thiện kiểm soát biên giới và chuẩn bị cho một thỏa thuận của Liên hợp quốc về di cư.

Tuy nhiên, dường như các bộ trưởng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư vào Châu Âu hiện nay.

EU tìm cơ chế đồng thuận giải quyết khủng hoảng nhập cư - 0

Hàng nghìn người nhập cư lũ lụt kéo vào cửa ngõ Châu Âu. Ảnh: Breitbart.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng người nhập cư vào Châu Âu lên đến đỉnh điểm năm 2015, Liên minh Châu Âu vẫn lúng túng trong việc tìm ra một giải pháp chung toàn diện cho vấn đề này.

Cơ chế phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người xin lánh nạn tại Italia và Hy Lạp cho các nước thành viên đang gây chia rẽ nội bộ khối.

Chính sách tị nạn chung Châu Âu, hay còn gọi là Quy chế Dublin, đang gây gánh nặng cho các nước tuyến đầu của cuộc khủng hoảng như Italy và Hy Lạp, đòi hỏi các nhà lãnh đạo Châu Âu phải xem xét có thay đổi phù hợp với tình hình thực tế.

Sau khi các cuộc đàm phán liên quan tới cải cách hệ thống tị nạn Châu Âu được khởi xướng năm 2016, tới nay vẫn chưa có tiến bộ đáng kể nào được ghi nhận, thậm chí bất đồng xung quanh việc thực hiện cơ chế han ngạch ngày càng gây rạn nứt trong nội bộ khối.

Không để vấn đề kéo dài lâu, tại cuộc họp ở Brussels tháng 12 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU thống nhất đưa ra thời hạn chót cho việc sửa đổi Quy chế Dublin vào tháng 6/2018 nhằm tạo ra một cơ chế thường trực cho tất cả các quốc gia thành viên để tiếp nhận người tị nạn. Và hội nghị không chính thức các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp của khối tại Sofia (Bulgaria) là bước đi đầu tiên nhằm tìm ra tiếng nói chung giải quyết những bất đồng hiện nay.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội nghị, Ủy viên Ủy ban Châu Âu phụ trách di cư, ông Dimitris Avramopoulos cho biết các cuộc thảo luận diễn ra trong bầu không khí tích cực và mang tính xây dựng. Dù không có một quyết định đột phá nào được đưa ra, nhưng điều quan trọng hơn cả là các nước đã có sự hiểu biết nhau hơn đồng thời nhận thấy sự cần thiết phải cải cách hệ thống tị nạn hiện nay.

“Tất cả các nước đồng ý chúng ta cần một hệ thống tị nạn đủ mạnh, cân bằng, hiệu quả và công bằng cho tất cả các nước thành viên. Chúng ta cũng cần một hệ thống có thể ngăn chặn một làn sóng di cư thứ hai và việc lạm dụng cơ chế ngay trong nội bộ khối. Chúng ta cần một hệ thống thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và tình đoàn kết giữa các nước thành viên. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được tiến bộ đáng kể để các nhà lãnh đạo có thể đạt được thỏa thuận chung vào tháng Sáu tới”, ông Dimitris Avramopoulos nói.

Ông Avramopoulos cũng cho rằng cải cách chính sách tị nạn như vậy là chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, mà nó phải được thực hiện song song với việc tăng cường bảo vệ biên giới của khối. Ông cũng thúc giục các quốc gia thành viên đẩy nhanh việc trao trả lại người nhập cư bất hợp pháp về nước của họ.

Mặc dù ông Avramopoulos lạc quan về một thỏa thuận cải cách chính sách tị nạn của khối vào tháng 6/2018, dường như các bộ trưởng EU vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ít phút trước khi hội nghị diễn ra, Bộ trưởng ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn, người cũng phụ trách vấn đề di cư, nói rằng không nên để các nước tuyến đầu chịu gánh nặng một mình mà tất cả các quốc gia thành viên đều phải có trách nhiệm chung giải quyết vấn đề. Ông kêu gọi các quốc gia từ chối thực thi hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn của EU phải có quyết định sớm, cùng chung tay chia sẻ gánh nặng hiện nay.

Còn ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia – một trong những nước phản đối việc tiếp nhận người tị nạn một cách miễn cưỡng, tái khẳng định quan điểm của Slovakia là cơ chế phân bổ hạn ngạch của Liên minh Châu Âu không khả thi và vẫn còn có các giải pháp khác.

Cơ chế hạn ngạch không chứng minh được tính hiệu quả trên thực tế, bởi nó không phải là một ý tưởng hay.

Tôi nghĩ chúng ta vẫn còn có các giải pháp khác. Hiện trên bàn nghị sự chúng ta đang có những đề xuất mới và chúng ta cùng cân nhắc chúng.

Còn Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết thời hạn tháng 6/2018 rất khó có thể đạt được một thỏa thuận về vấn đề hạn ngạch.

Và vì vậy ông gợi ý nên tập trung vào việc cải cách chính sách tị nạn của EU, trong đó có vấn đề đoàn tụ gia đình người tị nạn. Được biết tại hội nghị này, đại diện của Bulgaria, nước chủ nhà và hiện là Chủ tịch luân phiên của EU, đã đưa ra một số đề xuất giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, tuy nhiên những đề xuất này không được tiết lộ cụ thể.

Ngày 26/1, các bộ trưởng tập trung thảo luận các vấn đề về tư pháp, trong đó có tương lai của Văn phòng Công tố Châu Âu, thẩm quyền, việc công nhận và thực thi các phán quyết liên quan tới hôn nhân và trách nhiệm của cha mẹ với con cái./.

 

Nguồn: VOV




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC