Toàn cầu ghi nhận 105.860.184 ca nhiễm và 2.306.698 người chết do Covid-19. 77.449.684 người đã bình phục, theo trang cập nhật thời gian thực Worldometers.
Số ca mới hàng ngày giảm xuống dưới mức nửa triệu lần đầu tiên kể từ cuối tháng 10, ở mức 493.000, theo thống kê của AFP. Ca nhiễm mới giảm 13% trong tuần qua, sau khi đạt mức kỷ lục 725.000 vào giữa tháng một.
Ca mới giảm tại gần như mọi khu vực trên thế giới, cụ thể châu Phi giảm 27%, Mỹ và Canada 17%, châu Âu, Mỹ Latinh, vùng Caribe 12% và châu Á 2%.
Trong khi đó, ca nhiễm mới tăng nhẹ 4% ở Trung Đông, trong khi châu Đại Dương ghi nhận 14 ca mỗi ngày, tăng 43%.
Quốc gia ghi nhận mức giảm lớn nhất là Nam Phi, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Phi, nơi số ca mới giảm 49%, ở mức 4.100 trường hợp mỗi ngày. Ca nhiễm đã bắt đầu giảm mạnh từ tuần trước.
Nam Phi đã phát hiện một biến thể nCoV dễ lây lan hơn và ca nhiễm tăng mạnh vào cuối năm ngoái, khiến nước này phải áp dụng lệnh giới nghiêm vào cuối tháng 12/2020.
Lithuania ghi nhận mức giảm mạnh thứ hai là 37% (700 ca mỗi ngày), Mexico (35%, 10.600), Nhật Bản (31%, 3.000), Panama (31%, 1.100) và Bồ Đào Nha (30%, 9.100).
Malaysia là quốc gia ghi nhận tốc độ lây lan nCoV nhanh nhất, khi ca nhiễm mới tăng 30% (4.800 ca mới mỗi ngày). Jordan đứng thứ hai với mức tăng 27% (1.100 ca mới mỗi ngày), theo sau là Peru (23%, 6.500), Iraq (21%, 1.000) và Thổ Nhĩ Kỳ (16%, 7.400).
Mỹ vẫn là nước báo cáo ca mới cao nhất, với trung bình 133.500 ca mỗi ngày, giảm 17% so với tuần trước, theo AFP.
Theo số liệu từ New York Times hôm 5/2, trung bình ca nhiễm hàng ngày ở Mỹ đã đạt đỉnh hôm 8/1 với gần 260.000 ca nhiễm mới. Đến ngày 3/2, con số này là 136.422 ca nhiễm, giảm 47% so với mức đỉnh.
Một số khu vực ở Mỹ, bao gồm vùng thượng Trung Tây, ghi nhận ca nhiễm mới nCoV giảm mạnh so với các địa điểm khác. 4 bang trong khu vực là Minnesota, Bắc Dakota, Nam Dakota và Iowa đã phát hiện các ca nhiễm hàng ngày trung bình giảm ít nhất 80%.
Những nơi ghi nhận ca nhiễm giảm mạnh chủ yếu là các hạt có quy mô nhỏ, vốn ghi nhận tổng ca nhiễm khá thấp. Dữ liệu ở khoảng 600 hạt, những nơi đã ghi nhận ít nhất 100 ca nhiễm hàng ngày vào thời điểm đỉnh dịch, cho thấy các ca nhiễm đã giảm trung bình 60%.
Ca nhiễm mới được cho là giảm rõ rệt nhất ở khu vực Trung Tây. Tại hạt Hennepin, nơi có thành phố Minneapolis, ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm từ 1.200 xuống còn 200. Tại hạt Wayne, nơi có thành phố Detroit, ca nhiễm mới cũng giảm tương tự, từ 1.200 xuống còn 220 trường hợp.
Tuy nhiên, ngay cả khi ca nhiễm nCoV hiện có xu hướng giảm gần như toàn nước Mỹ, một số khu vực vẫn ghi nhận các ca nhiễm gia tăng nhanh so với thời điểm đỉnh dịch từng trải qua hồi năm ngoái.
Bang Maine từng ghi nhận ca nhiễm mới tương đối thấp vào tháng 11 năm ngoái, song con số này đã tăng dần cho đến khi đạt mức cao nhất vào cuối tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, ca nhiễm ở Maine vẫn thấp hơn nhiều so với một số vùng dịch lớn khác ở Mỹ, như chỉ bằng 1/3 tổng ca nhiễm ở Texas.
Giới chuyên gia cho rằng để đánh giá tình hình Covid-19 ở Mỹ, vẫn cần xem xét các yếu tố như biến thể nCoV có gây ra làn sóng gia tăng ca nhiễm hay không và tác động của tiêm chủng. Cả hai loại vaccine Covid-19 được phê duyệt ở Mỹ đều yêu cầu tiêm hai mũi, song các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dù chỉ tiêm một mũi cũng có thể tăng khả năng bảo vệ mọi người khỏi nguy cơ nhiễm virus.
Thượng viện hôm 5/2 duyệt kế hoạch ngân sách cho phép thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD của tân Tổng thống Biden, bao gồm 415 tỷ USD để cải thiện khả năng ứng phó dịch bệnh và triển khai vaccine Covid-19, 1.000 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp các gia đình, khoảng 440 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch.
Dân Mỹ dự kiến nhận được 1.400 USD thay vì 600 USD theo gói cứu trợ được triển khai từ cuối tháng 12/2020. Tiền bảo hiểm hỗ trợ thất nghiệp tăng lên 400 USD thay vì 300 USD/tuần và sẽ được kéo dài tới tháng 9.
Brazil là nước ghi nhận mức tăng ca mới cao thứ hai thế giới, trung bình 48.200 ca mỗi ngày, giảm 16% so với tuần trước. Theo sau là Tây Ban Nha (29.800, giảm 16%), Anh (21.200, giảm 26%) và Pháp (20.600, tăng 1%).
Cơ quan quản lý y tế Brazil ngày 3/2 cho biết họ sẽ thay đổi các yêu cầu xung quanh việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine, để cho phép phê duyệt vaccine được thử nghiệm bên ngoài nước này. Trước đó, chỉ vaccine được thử nghiệm giai đoạn ba ở Brazil mới đủ điều kiện để được phép sử dụng khẩn cấp.
Cơ quan quản lý cho biết động thái này sẽ giúp tăng nguồn cung vaccine trong nước. Hiện tại, chỉ những mũi tiêm do AstraZeneca và công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển mới được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Brazil.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 3/2 cho biết hơn 10 triệu người ở Anh đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên, mô tả cột mốc quan trọng này là "cực kỳ quan trọng".
Anh đặt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên cho tất cả những người trên 70 tuổi, những người dễ bị tổn thương, các nhân viên y tế tuyến đầu vào giữa tháng hai. Tốc độ tiêm chủng hiện đang ở mức 400.000 mũi mỗi ngày, khiến Anh chỉ đứng sau Israel và UAE về số liều tiêm trên 100 người.
Tính đến ngày 3/2, Pháp đã tiêm vaccine cho 1,83 triệu người. Chính phủ Pháp đã đưa ra lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt vào ban đêm sau khi đợt phong tỏa lần thứ hai kết thúc hồi tháng 12 năm ngoái.
Tây Ban Nha đã tiêm chủng cho 1,83 triệu người. Họ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối mùa hè, bất chấp sự thiếu hụt và chậm trễ trong nguồn cung cấp vắc xin. Bộ trưởng Y tế Carolina Darias ngày 3/2 cho biết Tây Ban Nha sẵn sàng sử dụng vaccine Sputnik V của Nga miễn là nó được cơ quan quản lý châu Âu chấp thuận.
Tính theo bình quân đầu người, Bồ Đào Nha là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm cao nhất, với 622 ca trên 100.000 người.
Mỹ là nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong tuần qua, trung bình 3.279 người mỗi ngày, tiếp theo là Mexico (1.111), Brazil (1.035), Anh (1.018), Đức (690), Nga (507) và Pháp (450).
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)
Nguồn: vnexpress.net