Theo MakeUK, gần một nửa số nhà máy ở Anh đã ghi nhận tình trạng hóa đơn tiền điện tăng hơn 100% trong năm qua. 13% nhà máy đã giảm giờ hoạt động hoặc tránh giờ cao điểm, 7% tạm dừng sản xuất trong thời gian dài hơn.
“Cuộc khủng hoảng hiện tại đang khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn, Cắt giảm sản xuất hoặc đóng cửa hoàn toàn nếu không được hỗ trợ sớm”, MakeUK nhận định.
Giới chức Anh hiện cũng đang phải chịu áp lực không nhỏ về việc giải quyết khủng hoảng năng lượng. Một số biện pháp hỗ trợ đã được công bố để giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp đối phó với chi phí tăng cao.
“Chính phủ mới cần phải có những quyết sách khẩn cấp”, Stephen Phipson, Giám đốc điều hành của MakeUK, nói với Bloomberg. "Chúng tôi đã bị tụt hậu so với các đối thủ khác trên toàn cầu.”
Trong khi đó tại Đức, một nguồn thạo tin cho biết liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đã chốt kế hoạch hỗ trợ trị giá khoảng 40 tỷ euro để giúp hàng triệu hộ gia đình đối phó với giá điện tăng cao.
Gói hỗ trợ này sẽ được sử dụng trong năm 2022 - 2023, và giá trị tổng thể của gói có thể sẽ còn tăng thêm do đóng góp từ chính quyền các địa phương.
Đây sẽ là gói hỗ trợ thứ ba của Thủ tướng Scholz kể từ khi ông nhậm chức cách đây chưa đầy 10 tháng. Hai gói trước đó trị giá hơn 30 tỷ euro.
Đức đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga vì xung đột Ukraine.
Chính phủ Đức đã kích hoạt giai đoạn thứ hai của kế hoạch khẩn cấp khí đốt ba cấp độ, và đang xem xét nới lỏng một số chính sách năng lượng - môi trường cốt lõi của mình, bao gồm kéo dài vòng đời của các nhà máy điện hạt nhân và điện than.
Giá năng lượng tăng vọt và vấn đề xung đột Ukraine đã đặt gánh nặng lên vai Thủ tướng Scholz trong năm đầu tiên tại nhiệm. Cùng lúc đó, lạm phát gia tăng nhanh chóng cũng trở thành thách thức lớn nhất đối với các chính phủ trên khắp châu Âu.
Minh Hạnh (Theo RT)
Nguồn: tienphong.vn