Trung Quốc không phản hồi đề xuất của Mỹ
Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ hôm 18/7 nêu những quan ngại về ảnh hưởng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực tại Diễn đàn an ninh Aspen ở Colorado, Mỹ.
Đá Chữ Thập bị Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông.
Ông Davidson cho biết, Washington và Bắc Kinh đang có những trao đổi ở cấp độ quân sự nhưng cần phải có một cơ chế liên lạc giải quyết khủng hoảng để giảm bớt nguy cơ từ những tính toán sai lầm.
"Cạnh tranh không có nghĩa là không hợp tác. Chúng tôi vẫn liên lạc ở cấp độ quân đội. Nhưng Mỹ từ lâu đã đề nghị Trung Quốc cần có cơ chế liên lạc xử lý khủng hoảng giữa Bộ Tư lệnh phương Nam - vốn phụ trách khu vực Biển Đông - và Bộ Tư lệnh quân khu phía Đông của Trung Quốc nhưng họ chưa phản hồi", Đô đốc Davidson nói.
Trung Quốc và Mỹ đang bị vướng vào tranh cãi liên quan đến việc triển khai các hoạt động quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bắc Kinh phản đối việc Washington cho tàu chiến thực hiện quyền qua lại vô hại ở Biển Đông trong khi các quốc gia trong khu vực liên tục bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế tại vùng biển chiến lược này.
Ông Davidson tái khẳng định cam kết của Mỹ về việc hiện diện thường xuyên ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh động thái của Mỹ không phải là để khẳng định các yêu sách của Washington trong khu vực mà là để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và duy trì trật tự dựa trên luật pháp.
"Nhiều quốc gia khác ủng hộ mạnh mẽ quyền hoạt động hàng hải tự do của chúng tôi bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc”, Đô đốc Davidson nói và lưu ý rằng 5 trong số các đồng minh có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ nằm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Davidson cũng cho biết, Trung Quốc đã tiến hành một vụ thử tên lửa ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6, trong đó ông Ngụy khăng khăng bảo vệ quan điểm cho rằng việc Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa trên các rạn san hô ở Biển Đông là “quyền lợi hợp pháp” của Trung Quốc.
Ông Davidson chỉ trích tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời miêu tả bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ở Singapore là nhạt nhẽo đối với người nghe.
“Ông Ngụy Phượng Hòa không chỉ nói rõ rằng ông ta không nghĩ châu Á và Tây Thái Bình Dương là nơi dành cho Mỹ mà về cơ bản còn nói rằng châu Á thậm chí còn không dành cho người châu Á mà châu Á là của người Trung Quốc”, ông Davids Davidson nói.
Theo ông Davidson, Trung Quốc là một “mối đe dọa chiến lược dài hạn” và quân đội Mỹ cần khẩn trương nâng cấp vũ khí và năng lực chiến đấu để tránh bị Trung Quốc vượt mặt.
Mỹ giữ thái độ cứng rắn
Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng luôn khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng biển này và đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về những hàng động bất chấp luật pháp quốc tế để xác lập chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Trước diễn biến mới nhất liên quan đến vụ nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, hôm 20/7, Mỹ đã lên án Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép, cho rằng Bắc Kinh có “hành vi bắt nạt” và làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ: “Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, cùng với những nỗ lực khác để khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Đông, bao gồm việc sử dụng dân quân hàng hải để hăm dọa, cưỡng ép và đe dọa các quốc gia khác, làm suy yêu hòa bình và an ninh khu vực”.
“Mỹ kiên quyết phản đối sự cưỡng ép và đe dọa của bất kỳ nước tuyên bố chủ quyền nào khằm khẳng định các yêu sách lãnh thổ hoặc hàng hải của mình. Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt và kiếm chế thực hiện loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này”, tuyên bố nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 19/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng đưa ra nhận xét tương tự khi viết trên Twitter: “Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa hòa bình cũng như ổn định trong khu vực”./.
Nguồn: VOV.VN