Quan chức tòa án Liên bang của Mỹ mới đây đã quyết định thành lập tội danh đối với cựu Giáo sư trường Đại học kỹ thuật Virginia Trương Dĩ Hằng (Zhang Yiheng, 47 tuổi) vì dùng công trình mà ông đã hoàn thành nghiên cứu tại Trung Quốc để lừa kinh phí nghiên cứu của chính phủ Liên bang Mỹ.

Ông Trương Dĩ Hằng từng được lựa chọn tham gia vào “Kế hoạch ngàn nhân tài” của Trung Quốc, sự việc một lần nữa khiến dư luận chú ý đến kế hoạch thu hút nhân tài này của chính phủ nước này.

Ông West Michael F. Urbanski – Chánh án bang Virginia đã ra phán quyết vào tuần trước, theo đó, ông Trương Dĩ Hằng bị kết tội âm mưu lừa gạt chính quyền liên bang, ba tội nói dối và một tội ngụy tạo chứng cứ để ngăn cản tư pháp.

Trương Dĩ Hằng từng là Giáo sư Hệ thống sinh học của Đại học kỹ thuật Virginia (hay Đại học Virginia Tech), đồng thời cũng là nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học công nghiệp Thiên Tân thuộc Viện Khoa học Trung Quốc.

Sau khi có được học vị Tiến sĩ tại Đại học Dartmouth, từ năm 2005, Trương Dĩ Hằng đảm nhận công việc giảng dạy tại Khoa Công trình hệ thống sinh học thuộc Đại học Virginia Tech, các công trình nghiên cứu của ông tập trung vào nghiên cứu về đường hydro, tinh bột cellulose, pin nhiên liệu sinh học. Năm 2011, ông trở thành công dân Mỹ.

Năm 2017, Trương Dĩ Hằng từ chức giáo sư tại Đại học Virginia Tech, và chuẩn bị về Trung Quốc phát triển sự nghiệp nghiên cứu. Nhưng trước khi rời khỏi Mỹ, ông đã bị Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt giữ. Vụ án này được tuyên bố kết thúc hồi tuần trước tại Virginia, tòa án cũng sẽ chọn ngày để tuyên bố cụ thể về thời hạn thi hành án.

42 1 Giao Su My Goc Hoa Pham Toi Lua Dao Ke Hoach Ngan Nhan Tai Cua Trung Quoc Lai Bi Chu Y

​Giáo sư người Mỹ gốc Hoa Trương Dĩ Hằng, người đã bị kết tội lừa đảo hàng triệu Đô la Mỹ tiền trợ cấp của chính quyền Liên bang (Ảnh từ internet)

Trương Dĩ Hằng lấy danh nghĩa của công ty công nghệ sinh học Cell-Free Bioinnovations, lừa lấy tiền trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ của Bộ Năng lượng Mỹ và Quỹ Khoa học quốc gia, số tiền khoảng 1 triệu Đô la Mỹ, nhưng ông lại không đem khoản trợ cấp này dùng cho các công trình nghiên cứu của Đại học Virginia Tech.

Công ty công nghệ sinh học này được Trương Dĩ Hằng thành lập năm 2012, mục đích thành lập là sản xuất công nghiệp hóa công nghệ tự nghiên cứu phát triển được tại Đại học Virginia Tech.

Thông thường, Quỹ Khoa học Quốc gia và Bộ Năng lượng Mỹ và các cơ quan chính phủ liên bang khác sẽ tài trợ vốn cho các công ty công nghệ nhỏ như vậy thông qua các chương trình SBIR hoặc STTR.

Luật sư bào chữa của Trương Dĩ Hằng cho biết, chính phủ Mỹ truy tố Trương là xuất phát từ nghi ngờ Trương đánh cắp công nghệ và thành quả nghiên cứu của Mỹ.

Do Trương Dĩ Hằng từng dược tuyển chọn vào “Kế hoạch ngàn nhân tài” của Thiên Tân, nên khiến nhiều người tập trung vào “Kế hoạch ngàn nhân tài” của chính phủ Trung Quốc. Kế hoạch này được coi là cách mà chính phủ Trung Quốc thu hút những nhân tài gốc Hoa ở nước ngoài, mục đích là để có được công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ một cách hợp pháp và phi pháp.

Nhiều năm qua, nhiều học giả thuộc “Kế hoạch ngàn nhân tài” liên tiếp bị cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ bắt giữ vì “nhận lương 2 nơi” khiến cho cộng đồng người Hoa có nhiều bàn tán.

Có người cho biết, “không dám nhận lương 2 nơi nữa”, cũng có người nhắc nhở nhân viên chính phủ Mỹ (gồm cả đại học ở các bang) không thể đồng thời có 2 công việc toàn thời gian được, các chức vụ kiêm nhiệm quan trọng cũng cần phải được phê chuẩn, nói thẳng ra “Kế hoạch ngàn nhân tài” vốn là để dẫn dụ người ta phạm sai lầm”.

Ủy ban tư vấn thuộc Viện Nghiên cứu Y tế quốc lập Mỹ (NIH) đã công bố một bản báo cáo hồi tháng 12/2018 nói rằng, một bộ phận nhỏ nhân viên nghiên cứu nước ngoài của Mỹ vừa lĩnh lương của chính phủ Mỹ, vừa đem quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ chuyển đến nước của họ, khiến cho các cơ quan học thuật các cơ quan học thuật của Mỹ trở thành người bị hại.

Báo cáo nói, các cơ quan học thuật Mỹ cần cẩn thận khi hợp tác hoặc tạo dựng quan hệ với các nhà khoa học nước ngoài và các tổ chức khoa học nước ngoài.

Ủy ban tư vấn này nhấn mạnh, Mỹ hoan nghênh các nhà nghiên cứu nước ngoài, nhưng cơ quan học thuật Mỹ cần có biện pháp thích đáng để đảm bảo phân biệt được số ít “những người có hành vi bất lương”.

 

Nguồn: Huệ Anh

Tri thức Việt Nam




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC