Cùng xem câu chuyện của người thầy này.
1. Biếu quà giáo viên hàng trăm nghìn tệ, cuối cùng vẫn cho con ra nước ngoài
Ông kể:
Trong 30 năm làm giáo viên ở Bắc Kinh tôi đã tiếp xúc với rất nhiều phụ huynh học sinh, người mà tôi có ấn tượng sâu sắc nhất là một phụ huynh hay biếu quà, có lẽ có rất nhiều người nghĩ rằng chắc hẳn là phụ huynh này biếu quà rất long trọng khiến tôi vui mừng, nhưng hoàn toàn không phải thế.
Tuy tôi cũng chẳng phải là cao thượng gì, nhưng ít nhất thì bao nhiêu năm qua, tôi vẫn kiên trì không nhận quà của phụ huynh học sinh, đây là nguyên tắc. Xuất phát từ sự lịch sự nên tôi không từ chối ngay, mà lắng nghe ông ấy nói về nỗi khổ của mình. Ông ấy nói, “Khó! Không ngờ muốn chuyển trường cho con lại khó đến vậy.”
Vốn dĩ gia đình họ đã có thẻ xanh của Mỹ rồi, con họ cũng có thể đi Mỹ học, nhưng việc kinh doanh đều ở Trung Quốc, con còn nhỏ, họ không muốn để con đi xa một mình. Nhưng đi học ở Bắc Kinh còn khó khăn hơn cả việc lấy thẻ xanh của Mỹ nữa. Ông ấy đã tìm 3 người trung gian rồi, mỗi người ông ấy đều trả 50.000 tệ mà đến bây giờ vẫn chưa làm xong thủ tục cho ông ấy, mà dù có làm được hay không cũng không trả lại tiền.
Tôi nói với ông ấy, thứ nhất, ông ấy tìm tôi cũng vô dụng thôi, quyền chiêu sinh là của nhà trường; thứ hai, tôi không nhận quà, đây là nguyên tắc. Ông ấy có hơi không tin, nhưng cũng vui vẻ nói không ngờ vẫn còn một giáo viên tốt như tôi rồi bỏ đi.
Đây chính là ấn tượng đầu tiên của tôi về ông ấy, nói thật thì là rất tệ, giống hệt như những phụ huynh có tiền trong suy nghĩ của tôi trước đó, họ nghĩ rằng tiền giải quyết được mọi thứ. Vài tháng sau trong một buổi họp phụ huynh, tôi bất ngờ khi nhìn thấy ông ấy, mà con của ông ấy lại chính là học sinh mới chuyển vào lớp tôi vài tháng trước.
Ông ấy thấy tôi bất ngờ nên cười ngại ngùng, sau đó ông ấy hẹn riêng tôi ra nói thật rằng cuối cùng có một người trung gian làm xong cho ông ấy rồi, họ tìm được cơ hội mời hiệu trưởng dùng bữa, còn về việc đã biếu hiệu trưởng bao nhiêu tiền thì ông ấy không nói, hơn nữa ông ấy còn cười nói mình cố ý nhờ hiệu trưởng nếu được vào học thì gửi vào lớp của tôi, tôi là một giáo viên tốt, nếu con được học với tôi thì sẽ thành tài.
Mọi người có biết tôi cảm thấy thế nào không? Khi đó tôi thật sự là dở khóc dở cười. Trong lòng nghĩ các ông bà phụ huynh này vì đạt được mục đích của mình mà đi là những việc không có nguyên tắc này, nhưng lại nghĩ trăm phương ngàn kế để con mình theo học một giáo viên có nguyên tắc, các vị không thấy mâu thuẫn sao?
Sau này khi con của ông ấy lên lớp 12 thì được đưa đi Mỹ. Tôi cũng đã dự đoán trước được điều này, đây chẳng phải là cái gì cũng muốn sao? Cơ sở giáo dục của Trung Quốc tốt, còn trường đại học ở Mỹ chất lượng cao, đây là điều mà các vị đã lên kế hoạch sẵn rồi đúng chứ? Khi ông ấy gửi con đi còn nói với tôi giáo dục ở Mỹ tốt đến mức nào, tôi chỉ lạnh nhạt nói, đúng vậy, Mỹ phát triển hơn ở đây những mấy chục năm mà.
(Ảnh: americanwebdream.com)
2. Không ngờ người “làm giáo dục” lại bị “giáo dục dạy”
Vài năm sau, tôi cùng trường đi khảo sát, chúng tôi dùng danh nghĩa giao lưu học thuật để đến nước Mỹ “phát triển hơn mấy chục năm” ấy. Khi thật sự nhìn thấy “nền giáo dục trong truyền thuyết” của Mỹ, tôi hoàn toàn không chấp nhận. Đúng vậy, ở một số phương diện nào đó, lớp học của Mỹ sôi nổi hơn chúng ta, cách dạy học cũng cởi mở hơn, nhưng những sự “náo nhiệt” này là để cho người ngoài xem, còn những người trong nghề thì chỉ thấy là “làm trò” thôi.
Suy cho cùng thì bất cứ nền giáo dục nào cũng đều phải xem kết quả, ở Trung Quốc kết quả này là điểm số, còn ở Mỹ thì lại là các kỹ năng, bản chất là giống nhau. Để đạt được kết quả này, các em học sinh vẫn phải học hết sức, tôi nhận thấy áp lực của học sinh ở Mỹ cũng không kém hơn học sinh Trung Quốc là bao.
Sự chứng minh rõ ràng nhất là ở Mỹ người ta cũng dùng chia cấp lớp thành lớp nhanh và lớp chậm. Sau khi nghe giáo viên ở Mỹ giới thiệu chế độ này với chúng tôi, tôi đã hỏi vấn đề khiến mình hối hận đến tận bây giờ. Tôi hỏi, nếu học sinh chỉ ở mức “lớp chậm”, phụ huynh liệu có bỏ tiền để con vào “lớp nhanh” không?
Giáo viên Mỹ kia nghe xong liền nhìn tôi như thể người sao Hỏa vậy, cô ấy không thể hiểu nổi: “Vì sao phải cho trẻ không đủ trình độ vào lớp nhanh chứ? Phụ huynh trả tiền? Chẳng lẽ trường học ở Trung Quốc thường hay như vậy sao?” Khi đó tôi đỏ mặt xấu hổ, bèn nói: “Ở chỗ chúng tôi đây cũng chỉ là chuyện ngẫu nhiên thôi”. Thật ra thì trong lòng tôi biết rõ là những việc như thế này không hề ngẫu nhiên, mà là thường xuyên, tôi đã nói dối.
Tiếp sau đó, giáo viên Mỹ nọ giải thích cho chúng tôi về nguồn gốc của chế độ chia lớp. Tư chất của mỗi em học sinh là khác nhau, vì vậy nếu dùng phương pháp dạy học giống nhau thì hiển nhiên là không phù hợp. Vì thế họ chia các em học sinh có khả năng hiểu tốt, học hành tiến bộ vào một lớp, những em bình thường vào lớp khác.
Nếu các em trong lớp nhanh học nhanh thì thậm chí có thể học được những môn ở đại học ngay từ cấp ba. Các em thuộc lớp chậm nếu cảm thấy mình đủ sức thì hoàn toàn có thể tự xin vào lớp nhanh. Chứ giáo viên ở Mỹ hoàn toàn không thể hiểu nổi những trường hợp chạy tiền để vào lớp nhanh.
Cuộc trò chuyện này khiến tôi rất lâu không thể bình tĩnh lại được, dù sau khi về nước, tôi vẫn cứ suy nghĩ. Ở Mỹ, giáo dục và biếu quà là hai điều không thể có liên quan đến nhau được, nếu phụ huynh và giáo viên không làm gương được cho con trẻ, dù có học ở trường tốt đến mấy cũng để làm gì chứ?
Tuy tôi không nhận quà, nhưng tôi lại không thể từ chối nhận các em học sinh được gửi vào lớp nhờ biếu quà hiệu trưởng, thân là giáo viên, tôi vừa dạy cho học sinh đạo lý là người, vừa không thể không tham gia vào những cuộc giao dịch không sạch sẽ như vậy, tôi lại chưa từng cảm thấy hổ thẹn, mà ngược lại còn tự xem mình là thanh cao. Có lẽ nguyên tắc của tôi cũng chỉ là do bản thân tôi yếu đuối nhát gan không dám nhận quà mà thôi.
Tôi cứ nghĩ mãi về câu nói “Bạn cho rằng mình đang làm giáo dục, thật ra bạn đang bị giáo dục dạy”. Trước đây tôi chỉ cười cho qua, còn tự cho rằng mình là người làm giáo dục hơn nửa đời rồi, bây giờ xem ra chẳng qua cũng chỉ là bị giáo dục dạy cho mà thôi.
3. Điều đáng sợ hơn cả hối lộ
Tôi lại nghĩ đến phụ huynh muốn biếu quà cho tôi. Tôi bắt đầu hiểu ông ấy, tuy tôi không đồng ý với việc ông ấy làm, nhưng đều là do nền giáo dục của chúng ta ép ông ấy thành ra như thế. Mà sự giáo dục này không chỉ đơn thuần là của nhà trường, mà là của cả xã hội. Còn nhớ có một chuyên gia giáo dục Trung Quốc từng nói: “Người xấu trong xã hội này đều từng là học trò của chúng ta”.
Là một người làm giáo dục, tôi từng có lý tưởng, cũng từng có mong muốn mình sẽ có rất nhiều học trò, nhưng tôi lại ngày càng không biết bản thân mình nên tin vào cái gì nữa rồi… ngoại trừ việc có thể kiên trì không nhận quà. Mỗi khi nhìn thấy các quan chức tham ô khóc lóc xin lỗi người dân trên TV, tôi đều không thể không cảm thấy đáng tiếc.
Có lẽ trong số họ thật sự có người cũng có niềm tin cao thượng, muốn làm quan chức, muốn tạo phúc cho dân, nhưng cuối cùng đều không tránh được cám dỗ. Sự sụp đổ niềm tin chỉ nằm ở chỗ tiền nhiều hay ít mà thôi. Điều đáng sợ là những việc như thế này đã truyền nhiễm vào cả nhà trường rồi, bên cạnh tôi có không ít những trường hợp biếu quà giáo viên với các lý do lên lớp, chuyển trường, chuyển chỗ ngồi, chẳng có việc gì mà không dùng đến tiền để mở đường cả.
Tôi từng đọc được trên mạng về một cô giáo trẻ la mắng học sinh cả một tiết học vì không tặng quà vào Ngày Nhà giáo. Những người làm giáo viên như chúng tôi không thể tưởng tượng nổi người như vậy sao có thể làm giáo viên được? Hoàn toàn chỉ biết đến lợi ích chứ nào có sự tôn nghiêm của người làm giáo viên.
Tôi cảm thấy rất may mắn khi mình chưa trở thành người như thế, nhưng suy nghĩ “tự mình trong sạch” của tôi chẳng phải cũng là một sự “sụp đổ niềm tin” hay sao? Tôi biết rõ có những học sinh vào lớp nhờ biếu tiền, tôi có từng ngăn cản chưa? Ngay cả một câu chống đối tôi cũng không dám nói với hiệu trưởng. Khi đối diện với tập thể quá mạnh, tôi lựa chọn thuận theo, lý tưởng “làm gương cho người khác” của tôi đâu rồi?
Kiểu người như tôi còn đáng sợ hơn cả những kẻ tham ô lũng đoạn. Chẳng những không tạo nên bất cứ sự tác động nào đối với sự thay đổi của xã hội, mà còn tự có cảm giác đạo đức to lớn nữa, khả năng phân biệt đúng sai không dùng để phán đoán tốt xấu mà lại dùng để tự tán thưởng mình.
Khi tôi nghỉ hưu, người khác có hỏi trước đây tôi đã làm gì cho sự thay đổi của nền giáo dục, tôi chỉ có thể nói là chẳng làm gì cả, mà ngược lại còn là một phần trong sự xấu đi của giáo dục, không làm gì cả chính là sự chối bỏ trách nhiệm ghê gớm nhất.
Nguồn: Trithucvn.net