Nhiều nước lớn ở châu Âu đang cử tàu chiến đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trước những nghi ngại ngày càng tăng về cách hành xử của Trung Quốc.

Đại sứ quán Pháp ở Tokyo, Nhật ngày 3/3 cho đăng tải một bài viết mô tả các hoạt động của một tàu hộ tống của nước này ở vùng biển châu Á.

"Tàu hộ tống Prairial đang được triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi tàu tham gia vào hệ thống ngăn chặn Triều Tiên lách các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Đó là một phần công việc của chúng tôi vì lợi ích an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", trích tuyên bố của Đại sứ quán Pháp.

Trong một thông cáo đăng tải trước đó, Đại sứ quán Pháp lưu ý, tàu Prairial đã cập cảng Sasebo thuộc tỉnh Nagasaki, Nhật vì lí do kỹ thuật và lưu lại đây 4 ngày.

Động thái gợi nhắc lần tàu đổ bộ tấn công hàng đầu Anh HMS Albion cập cảng Yokosuka, Nhật, nơi đồn trú của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ vào năm 2018 để bảo dưỡng. Theo trang Nikkei Asia, các sự kiện này cảnh báo những đối thủ tiềm tàng rằng, chiến hạm hải quân của những cường quốc châu Âu nói trên có thể tiếp cận và trông cậy vào các cảng bạn bè trong vùng khi cần thiết.

Một cuộc tập trận chung hồi tháng trước với sự tham gia của hải quân Mỹ và Pháp đã làm nổi bật xu hướng này.

Tàu tiếp dầu Hamana của Nhật đã tiếp nhiên liệu cho tàu Prairial gần Kyushu, tây nam đất nước mặt trời mọc trong sứ mệnh đầu tiên kiểu này kể từ khi thỏa thuận mua lại và cung cấp dịch vụ chéo giữa hai nước có hiệu lực vào năm 2019.

Hồi tháng 12/2020, tàu ngầm hạt nhân Pháp Emeraude đã tiến hành các cuộc tập trận chống ngầm cùng tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ USS John McCain và tàu sân bay trực thăng Nhật Hyuga ở vùng biển Philippines. Đây là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật (MSDF) và Hải quân Pháp cùng nhau tham gia một cuộc tập trận tàu ngầm.

"Cuộc tập trận 3 bên với Hải quân Mỹ và Hải quân Pháp không chỉ phát triển các kỹ năng chiến thuật mà còn góp phần xây dựng một 'Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở' dựa trên pháp quyền và tự do hàng hải", Đại úy Shingo Hamasaki, chỉ huy sư đoàn hộ tống số 3 của MSDF nhấn mạnh.

42 1 Hai Quan Chau Au Tang Hien Dien O An Do   Thai Binh Duong Doi Pho Trung Quoc Tàu hộ tống Prairial của Pháp (phải) tham gia tập trận chung cùng các chiến hạm của Mỹ và Nhật hồi tháng 2. Ảnh: MSDF

Trong khi đó, từ Berlin, các quan chức ngoại giao và quốc phòng Đức ở Berlin hôm 2/3 xác nhận với Reuters, nước này sẽ điều một tàu khu trục nhỏ đến châu Á từ tháng 8. Trong chuyến đi trở về, tàu sẽ trở thành chiến hạm đầu tiên của Đức di chuyển qua Biển Đông kể từ năm 2002, nhưng sẽ không đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo đang có tranh chấp chủ quyền tại đây.

Trung Quốc đã vẽ ra "đường 9 đoạn" để yêu sách chủ quyền đối với phần lớn các khu vực giàu tài nguyên của Biển Đông.

Bắc Kinh cũng thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở vùng biển này bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng Đông Nam Á.

Mỹ công khai gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp. Hải quân Mỹ thường xuyên thực hiện các hoạt động "tự do hàng hải", trong đó các chiến hạm Mỹ đã di chuyển gần một số đảo tranh chấp.

Các động thái của Pháp và Đức tiếp sau Anh, nước ngày càng hướng tới Ấn Độ - Thái Bình Dương trong thời kỳ hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu). Ngoài ra, mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh đã xấu đi sau khi luật an ninh mới được ban hành và có hiệu lực hồi năm ngoái ở Hong Kong (Trung Quốc).

Tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Queen Elizabeth dự kiến sẽ được điều động đến khu vực sau mùa xuân năm nay. Tháp tùng tàu thực hiện sứ mệnh "khoe sức mạnh trước Trung Quốc" là một nhóm tàu tác chiến gồm các tàu ngầm và tàu khu trục. HMS Queen Elizabeth sẽ tham gia cuộc tập trận chung với các siêu tiêm kích tàng hình F-35B của Mỹ và Nhật trong khu vực.

Theo trang Nikkei Asia, Nhật xem việc gia tăng hiện diện của các lực lượng hải quân châu Âu là cơ hội vàng để mở rộng tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Phát biểu trước Hội đồng đối ngoại của Liên minh châu Âu vào cuối tháng 1, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi hoan nghênh sự quan tâm ngày càng tăng của khối, đồng thời kêu gọi thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, bao gồm cả an ninh hàng hải.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với châu Âu như một phần của chính sách tăng tập trung vào các liên minh quốc tế. Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich trực tuyến hồi tháng trước, ông Biden gọi mối quan hệ này là "nền tảng vững chắc" cho an ninh và thịnh vượng chung.

Tuấn Anh

Nguồn: VietNamNet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC