Cảnh sát xịt hơi cay để giải tán người biểu tình ở Yangon ngày 6-3 - Ảnh: AFP
Theo truyền thông địa phương, cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar. Các cuộc biểu tình cũng được tổ chức ở thành phố Yangon, Kale nằm gần biên giới Ấn Độ và Dawei ở phía nam. Chưa có báo cáo về bạo lực.
Tờ Irrawaddy dẫn một số nguồn tin cho biết mạng Internet tiếp tục bị chặn ở Myanmar trong ngày chủ nhật 7-3. Trong ngày 6-3, chính quyền đã chặn Internet nhằm ngăn hình ảnh về phong trào biểu tình lan truyền.
Nhà mạng Telenor cũng thông báo Bộ Truyền thông Myanmar đã yêu cầu các nhà mạng chặn những mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram từ ngày 6-3 cho đến khi có thông báo mới.
Tuy nhiên, nhiều người ở Myanmar cũng thể hiện ủng hộ phong trào biểu tình theo nhiều cách. Những người không xuống đường thì lên mạng phản đối và nếu mạng bị cắt thì ở trong nhà khua nồi chảo hoặc bấm còi xe.
Theo Irrawaddy, đến nay đã có hàng ngàn công chức Myanmar tham gia phản đối chính quyền quân sự trên toàn quốc.
Rạng sáng chủ nhật, người dân cho biết binh lính và cảnh sát đã vào một số quận của Yangon và nổ súng. Họ bắt giữ ít nhất ba người ở khu Kyauktada mà không nêu lý do.
"Họ đòi bắt cha và anh tôi. Ai giúp chúng tôi với? Các người đừng hòng động vào cha và anh trai tôi. Hãy bắt chúng tôi luôn đi", một phụ nữ hét lên khi hai người thân bị dẫn đi.
Ngoài ra, binh lính cũng truy lùng một luật sư từng làm việc cho Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Suu Kyi nhưng không thấy.
Hôm qua, các cuộc biểu tình cũng rầm rộ khắp Myanmar khiến hơn 1.700 người bị bắt giữ.
Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội đảo chính và bắt giữ các lãnh đạo bao gồm cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi vào ngày 1-2. Các cuộc biểu tình và đình công diễn ra liên tục đã làm tắc nghẽn kinh doanh và tê liệt hệ thống hành chính.
Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 50 người biểu tình đã thiệt mạng.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online