Ngân hàng đầu tư Nomura có trụ sở tại Tokyo gần đây đã tiến hành phân tích một mẫu điều tra hơn 50 nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc nhằm tránh các lệnh trừng phạt thuế quan của Tổng thống Trump, kết quả nghiên cứu nhận định rằng việc này sẽ dẫn đến những hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.
“Đây không chỉ là chuyển hướng thương mại ngắn hạn; việc tái định vị cho sản xuất trung hạn cũng đã bắt đầu”, hai nhà nghiên cứu của Nomura là Sonal Varma và Michael Loo trình bày trong một ghi chép được công bố ngày 4/9.
Các công ty rời khỏi Trung Quốc gồm các nhà sản xuất thiết bị điện tử, may mặc và thiết bị điện đang hướng đến các nước láng giềng Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan. Họ cũng chuyển sản xuất đến những nước như Mexico và Mỹ.
Hãng sản xuất da giày Steve Madden có trụ sở tại New York tuyên bố sẽ chuyển 30% sản lượng túi xách sang Campuchia và nhà sản xuất máy ảnh hành động GoPro có trụ sở tại Hoa Kỳ vào tháng 6 cũng đã bắt đầu cho sản xuất máy ảnh tại Mexico. Cả hai quyết định được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump áp dụng lệnh trừng phạt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Market Watch/Getty/Reuters)
Nhưng không chỉ các công ty nước ngoài mà cả những công ty nội địa cũng đang rút khỏi Trung Quốc. Công ty sản xuất thiết bị điện tử TCL trụ sở tại Huệ Châu và Công ty sản xuất sợi Hailide New Material trụ sở tại Chiết Giang là một trong những công ty Trung Quốc đang di chuyển nhà máy sang Việt Nam.
Một số công ty như Công ty Công nghệ Lite-On, đã viện dẫn lý do rời khỏi Trung Quốc là vì cuộc chiến thương mại đang dần biến thành cuộc chiến công nghệ.
“Trong khi căng thẳng thương mại leo thang và nhu cầu giảm thiểu rủi ro là lý do chính yếu khiến các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, một số công ty cũng lấy rủi ro an ninh mạng làm lý do rời đi”, các nhà phân tích Nomura cho biết.
Nếu vấn nạn này tiếp diễn, nó sẽ gây thêm áp lực đối với Bắc Kinh trong việc đàm phán thương mại với Mỹ.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ biến động trong phạm vi 6,6 – 6,7 phần trăm trong giai đoạn hai năm từ giữa năm 2016 đến giữa năm 2018, sau đó giảm xuống mức 6.2 phần trăm trong quý hai năm nay.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ còn giảm đáng kể – đặc biệt là nếu chiến tranh thương mại kéo dài, theo Fox Business.
Một nhóm các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch trụ sở tại Hồng Kông cho rằng các mức thuế sẽ không biến động cho đến cuối năm tới, và dự kiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm còn 5.7% vào năm 2020.
“Khi Hoa Kỳ tiến hành tăng thuế và mở rộng phạm vi đánh thuế, chúng tôi dự đoán đó sẽ là một cú đánh mạnh mẽ vào hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, điều này có thể sẽ tiếp tục ngăn trở nhu cầu đầu tư kinh doanh và tạo xúc tác khiến Trung Quốc thay đổi chính sách”, theo các chuyên gia của Nomura.
Tổng thống Trump hiểu rõ sức mạnh của ông trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra vào tháng Mười. Ông cảnh báo Trung Quốc không nên trì hoãn tiến trình đàm phán đến mùa bầu cử vào tháng 11 năm 2020, với hy vọng một ứng viên đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng trước ông Trump.
“Tôi biết chắc rằng họ đang mong đợi được đàm phán với một chính quyền mới, để có thể tiếp tục ‘cướp bóc Hoa Kỳ’ (600 tỉ đô la mỗi năm), nhưng 16 tháng TIẾP THEO cũng đủ dài để đoạt lại công ăn việc làm và các doanh nghiệp từ Trung Quốc“, ông Trump viết trên Twitter hôm 3/9.
“Hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra với Trung Quốc khi tôi chiến thắng. Thỏa thuận còn KHÓ KHĂN HƠN NHIỀU! Trong khi đó, chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ sụp đổ, các doanh nghiệp, việc làm và tiền bạc sẽ biến mất!”
Nguồn: VnExpress