Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ đến Biển Đông trong chiến dịch hàng hải đầu tiên trong năm 2021. Ảnh: The Sun
Hồi đầu tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố, nước này đã cử một tàu ngầm tấn công tới Biển Đông.
Theo trang Naval News, hôm 18/2, Nhóm sẵn sàng đổ bộ (ARG) của Hải quân Pháp gồm tàu chỉ huy - đổ bộ lớp Mistral "Tonnerre" và tàu khu trục lớp La Fayette "Surcouf" cũng rời căn cứ hải quân Toulon, chính thức khởi động sứ mệnh hàng hải Jeanne d’Arc 2021 với 2 lần di chuyển qua Biển Đông.
Trong khi đó, một chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Canada hồi tháng 1 đã đi qua eo biển Đài Loan trên đường tới địa điểm tập trận chung cùng các lực lượng Australia, Nhật và Mỹ ở Biển Đông.
Trong thông cáo phát đi cuối ngày 29/1, Bộ Quốc phòng Australia cũng thông báo, các chiến hạm và máy bay quân sự của nước này sẽ tiếp tục tuần tra trong khu vực, vài ngày sau khi Trung Quốc ban hành luật mới cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng bắn tàu nước ngoài.
Báo Telegraph hôm 23/2 đưa tin, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, một trong những hàng không mẫu hạm lớn nhất và mới nhất của Anh đã rời cảng Portsmouth để lên đường tới Biển Đông. Nhà chức trách tiết lộ, tàu sân bay này được 2 tàu khu trục Type 45, 2 tàu hộ tống Type 23, một tàu ngầm hạt nhân, một tàu tiếp nhiên liệu lớp Tide và tàu tiếp tế RFA Fort Victoria tháp tùng thực hiện sứ mệnh.
Bắc Kinh lớn tiếng cảnh báo sẽ có "các biện pháp cần thiết" để đáp trả.
Theo giới quan sát, dù không có yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông, nhưng các nước phương Tây nói trên muốn ủng hộ Mỹ trong nỗ lực chống lại việc Trung Quốc đơn phương bành trướng, tranh chấp chủ quyền trên biển với các nước láng giềng trong khu vực.
Washington công khai gọi các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh với phần lớn vùng biển giàu tài nguyên, rộng gần 3,5 triệu km2 là "phi pháp". Mỹ trong tháng 2 đã hai lần điều các tàu khu trục đến Biển Đông sau các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) thường xuyên trong khu vực hồi năm ngoái, "nhằm thách thức các lệnh hạn chế đi lại cũng như yêu sách chủ quyền trái luật của Trung Quốc".
Các nhà phân tích cũng tin rằng, các nước phương Tây sẽ phản đối Trung Quốc tìm cách thâu tóm vùng biển vì việc đó chống lại các lợi ích kinh tế hiện tại của họ ở châu Á, chẳng hạn như quyền tiếp cận một trong những tuyến vận tải hàng hóa quan trọng trong khu vực.
Alan Chong, Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định, các nhà lãnh đạo phương Tây đang hy vọng sẽ “tạo ra đòn bẩy” chống lại Trung Quốc. Và một cách để hiện thực hóa mục tiêu đó là đảm bảo Bắc Kinh "coi trọng các giá trị và nguyên tắc của châu Âu về việc duy trì hoạt động đi lại tự do, rộng mở qua các vùng biển quốc tế".
Nguồn: Tuấn Anh/ Vietnamnet.vn