Tại một số thành phố lớn ở Trung Quốc, chính phủ đang hoàn thiện hệ thống công nghệ cao nhằm mục đích "bắt quả tang" mọi hành vi phạm luật của công dân. Ở các giao lộ lớn, mạng lưới camera giám sát an ninh sẽ phóng to và chụp cận mặt những người đi bộ qua đường không đúng luật, rồi bêu riếu họ trên một màn hình điện tử gần đó, theo CBS.
Đó là một ví dụ cho thấy cách vận hành của hệ thống chấm uy tín điểm công dân nhằm đánh giá "chất lượng" của 1,3 tỉ người dân Trung Quốc. "Tôi nghĩ đây là điều tốt", một phụ nữ bày tỏ quan điểm đồng tình. "(Hệ thống này) khiến mọi người trung thực hơn".
Phân loại công dân trên thang điểm từ 1 (yếu kém) đến 5 (ưu tú), hệ thống này không chỉ đánh giá mọi hành vi của người dân nơi công cộng như vượt đèn đỏ, sang đường sai luật, hút thuốc trên tàu mà còn giám sát những quyền riêng tư như thói quen mua sắm, mạng lưới giao kết bạn bè của công dân, thời gian dành cho các thú vui bị coi là không lành mạnh như chơi điện tử trên mạng, việc thanh toán hóa đơn điện, nước cũng như việc đóng khoản thuế.
Hiện hệ thống đánh giá công dân của Trung Quốc trong giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2020.
Lúc đó, mọi công dân Trung Quốc sẽ bị chấm điểm dù muốn hay không.
Những công dân bị chấm điểm tín nhiệm thấp, đồng nghĩa với việc họ bị xếp vào mục không đáng tin tưởng, sẽ mất đi nhiều quyền cơ bản. Họ có thể bị c.ấ.m mua vé máy bay hay tàu hỏa, không được phép thuê nhà, không thể vay tiền ngân hàng để kinh doanh, và khó tìm việc làm. Thậm chí con của những công dân này bị hạn chế học tại các trường học chất lượng cao.
Theo CBS, gần 15 triệu người Trung Quốc hiện đã bị c.ấ.m mua vé máy bay. Nhà báo Liu Hu là một trong số đó. Lần gần nhất anh đặt vé máy bay đã bị từ chối với lý do anh có tên trong danh sách "những công dân không đáng tin". "Tôi không thể mua nhà, con tôi không được học trường tư", anh Liu cho biết. "Cảm giác giống như anh luôn bị cái danh sách đó kiểm soát".
Chính phủ Trung Quốc cấp phép cho một số công ty công nghệ tìm giải pháp và xây dựng các thuật toán hỗ trợ hệ thống chấm điểm công dân. Trong số đó có Sesame Credit. Lợi thế lớn nhất của Seasame Credit là khả năng thu thập thông tin dữ liệu.
Công ty mẹ của Seasame Credit là hãng dịch vụ tài chính AFSG thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma. AFSG cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng nổi bật nhất là dịch vụ thanh toán trực tuyến AliPay cho phép người dùng mua sắm trực tuyến, thanh toán hóa đơn, chi trả tiền taxi, đóng học phí, mua vé xem phim và chuyển tiền, theo Wired.
Bên cạnh đó, Sesame Credit còn hợp tác với các nền tảng thu thập dữ liệu người dùng như ứng dụng gọi xe taxi Didi Chuxing, phiên bản Uber của Trung Quốc, và dịch vụ mai mối trực tuyến Baihe. Ngoài ra, Sesame còn phát triển các loại camera tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo có khả năng nhận diện khuôn mặt.
Một bộ phận cảnh sát Bắc Kinh đã được trang bị kính gắn camera có khả năng nhận diện công dân và đối chiếu với hệ thống lưu trữ dữ liệu quốc gia. Wu Fei, giám đốc điều hành của công ty sản xuất ra loại kính mắt đặc biệt, cho biết không rõ mục đích của chính phủ khi dùng sản phẩm công nghệ này. Khi được hỏi liệu có tin cơ quan chức năng dùng những chiếc kính vào mục đích chính đáng hay không, ông Fei nói: "Xin lỗi, tôi không thể trả lời câu hỏi này".
Hệ thống chấm điểm uy tín công dân đang làm dấy lên lo ngại chính phủ Trung Quốc sẽ dùng nó để tr.ừn.g ph.ạ.t và tước đi các quyền cơ bản của người dân. Hiện chưa có quy trình hướng dẫn công dân kháng án trong các trường hợp họ bị trừ điểm oan.
Theo Vnexpress.net