Hezbollah có thể đã đặt niềm tin vào bên cung ứng hoặc bị nội gián phá hoại quy trình an ninh, để lọt các thiết bị cài thuốc nổ.

Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon phát nổ trong ngày 17 và 18/9. Hai loạt vụ nổ cách nhau chưa đầy 24 giờ, khiến ít nhất 37 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương.

Lô 5.000 máy nhắn tin và các bộ đàm được chuyển đến Lebanon hồi đầu năm. Pin của bộ đàm bị gài chất nổ mạnh PETN, một nguồn tin Lebanon cho biết. Lên đến 3 g thuốc nổ bị giấu trong máy nhắn tin nhiều tháng mà không bị phát hiện.

Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công, nhiều nguồn tin và chuyên gia cũng cho rằng Israel đã can thiệp vào quá trình sản xuất thiết bị phát nổ. Israel không xác nhận hay bác bỏ thông tin này.

1 Hezbollah De Lot Thiet Bi Gan Thuoc No Nhu The Nao

Mẫu máy nhắn tin của Hezbollah bị phát nổ. Đồ họa: Guardian, Apollo

Vài giờ trước khi các thiết bị phát nổ, Hezbollah vẫn phân phát máy nhắn tin mới cho thành viên. Có trường hợp máy nhắn tin phát nổ khi vẫn còn trong hộp.

Hezbollah từ lâu đã tiến hành các quy trình như kiểm tra máy nhắn tin sau khi được bàn giao và rà soát định kỳ các thiết bị của nhóm, bao gồm thiết bị liên lạc, để xác định chúng có bị cài thuốc nổ hay bị nghe lén hay không.

Thành viên nhóm còn mang cả máy nhắn tin qua các sân bay để xem chúng có kích hoạt báo động hay không. Nguồn tin của Reuters không nêu tên những sân bay này.

Tuy nhiên, nguồn tin nói rất khó để phát hiện chất nổ như vậy "bằng bất cứ thiết bị hay máy quét nào", và từ chối nêu loại máy quét Hezbollah sử dụng.

Sau khi loạt máy nhắn tin phát nổ ngày 17/9, Hezbollah cho rằng các thiết bị khác của nhóm cũng bị cài thuốc nổ. Nhóm lập tức kiểm tra hệ thống liên lạc, rà soát thiết bị, điều tra các chuỗi cung ứng máy nhắn tin. Nhưng khi quá trình này còn chưa kịp kết thúc, loạt bộ đàm của nhóm phát nổ chiều 18/9.

Hezbollah tin rằng bên tấn công quyết định kích nổ các bộ đàm do lo ngại nhóm vũ trang sẽ sớm phát hiện ra. Số người thiệt mạng trong vụ nổ bộ đàm là 25, gấp đôi so với nổ máy nhắn tin, có thể do lượng thuốc nổ cài vào nhiều hơn. Vụ nổ cũng xảy ra khi nhiều thành viên Hezbollah đang tụ tập đưa tang những người thiệt mạng vào ngày hôm trước.

Các diễn biến cho thấy một bộ phận của Hezbollah dường như đã có sơ suất. Bên tấn công cũng có thể đã nắm được thông tin nội bộ về công nghệ mà nhóm vũ trang dùng để kiểm tra các thiết bị, theo Middle East Eye.

Nhà phân tích quân sự Johnny Khalaf, chuẩn tướng quân đội Lebanon đã nghỉ hưu nêu ra hai kịch bản: Thiết bị không được kiểm tra kỹ lưỡng vì chúng được mua từ nguồn đáng tin cậy, hoặc có nội gián đã can thiệp vào quá trình kiểm tra an ninh khiến chúng không bị phát hiện".

Một nguồn tin thân cận với nhóm vũ trang nói với Middle East Eye rằng Hezbollah nghi ngờ "có nhiều nội gián, thậm chí ngay cả trong hàng ngũ cấp cao, nếu không thì cuộc tấn công này đã không thể diễn ra".

Một nguồn tin thân cận Hezbollah nói đơn hàng mua các thiết bị liên lạc được thực hiện bởi một nam doanh nhân có quan hệ mật thiết với lực lượng này, và nhóm được mua với "giá rất tốt".

Truyền thông địa phương cho biết Hezbollah đã bắt một số người nghi thông đồng với Israel. "Quá trình thẩm vấn sẽ do Hezbollah thực hiện đầu tiên, sau đó ủy ban điều tra mới bàn giao nghi phạm cho tình báo quân đội Lebanon và chuyển sang bên tư pháp", theo một nguồn tin quân sự.

2 Hezbollah De Lot Thiet Bi Gan Thuoc No Nhu The Nao

Những gì còn lại của một máy nhắn tin phát nổ ngày 17/9 ở ngoại ô phía nam thủ đô Beirut, Lebanon. Ảnh: AFP

Hình ảnh hiện trường cho thấy máy nhắn tin Hezbollah sử dụng có kiểu dáng, nhãn mác trùng với sản phẩm của công ty Gold Apollo, trụ sở ở Đài Loan, còn bộ đàm có dán mác Icom, công ty thiết bị liên lạc trụ sở ở Nhật Bản.

Gold Apollo tuyên bố không sản xuất máy nhắn tin này, mà đã cho phép đối tác ở Hungary sử dụng thương hiệu của họ để thiết kế, chế tạo. Công ty ở Hungary nói rằng họ không sản xuất mà chỉ làm trung gian. Truyền thông Hungary cho rằng thương vụ mua bán thực chất do công ty Norta Global Ltd ở Bulgaria thực hiện.

Tuy nhiên, Bulgaria ngày 20/9 thông báo không có máy nhắn tin nào giống mẫu bị phát nổ được sản xuất, nhập khẩu hay xuất khẩu tại Bulgaria. Họ vẫn đang điều tra liệu công ty này có liên quan gì tới các vụ tấn công ở Lebanon.

Icom cho rằng những bộ đàm phát nổ ở Lebanon khả năng cao không phải của hãng, bởi thị trường tràn ngập hàng nhái, trong khi công ty đã ngừng sản xuất dòng thiết bị cùng pin từ 10 năm trước.

Một nguồn tin an ninh nói Hezbollah từng phá nhiều âm mưu của Israel nhằm vào các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài của nhóm, từ điện thoại bàn cho đến thiết bị thông gió lắp đặt tại văn phòng.

"Chúng tôi đã phát hiện ra một số vấn đề về điện tử, nhưng không phải ở máy nhắn tin", người này nói. "Họ đã lừa được chúng tôi, xin có lời khen cho kẻ địch".

Như Tâm (Theo Reuters, Middle East Eye)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC