Hai nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong (trái) và Denise Ho ra điều trần trước Quốc Hội Mỹ hôm thứ Ba, 17/9. (Ảnh: AP Photo/Jacquelyn Martin)
Theo bản tin của tờ Washington Post, nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), nữ ca nhạc sĩ Denise Ho (Hà Vận Thi), các nhà trí thức cùng một đại diện Tổng hội Sinh Viên Hồng Kông, đã ra điều trần trước Ủy ban Hành pháp về Trung Quốc của Quốc hội Mỹ (CECC) vào hôm thứ Ba 17/9.
Điều trần trước Quốc Hội Mỹ
Bắc Kinh không được tận dụng các lợi thế kinh tế của thị trường Hồng Kông, cùng lúc lại muốn xoá tan bản sắc chính trị và xã hội của người dân Hồng Kông. Quốc Hội Mỹ nên nhanh chóng thông qua việc chống dự luật của Bắc Kinh vi phạm nhân quyền tại Hồng Kông.
Đó là hai lời kêu gọi chính yếu của Joshua Wong, Tổng Thư Ký Đảng Demosisto và Lãnh tụ của Phong trào Dù Vàng trước đây, trong buổi điều trần trước Uỷ ban Quốc hội về Trung Quốc (Congressional Executive Commission on China, CECC) vào sáng thứ Ba ngày 17 tháng 9 năm 2019.
Trong nội dung điều trần, các nhân chứng nhiều lần nhắc lại cuộc biểu tình kéo dài mấy tháng qua của người dân Hồng Kông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sự tàn bạo của cảnh sát và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xóa đi sự tồn tại của “một quốc gia, hai chế độ” mà lẽ ra, Hồng Kông vốn phải là quốc gia có quyền tự trị cao.
Joshua Wong điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 17/9/2019. Nguồn: AFP
Hoàng Chi Phong, Tổng bí thư đảng Demosisto và là lãnh đạo “Phong trào Dù vàng 2014” mở đầu bài phát biểu:
“Khi tôi nói ‘một quốc gia, hai chế độ’ thì Hồng Kông đang trở thành ‘một quốc gia, một chế độ rưỡi’.
Tôi nghĩ các nhà quan sát sự kiện gần đây sẽ không có bất kỳ sự nghi ngờ nào để thấy rằng, chúng ta đang tiếp cận một cách nguy hiểm đến gần với ‘một quốc gia, một chế độ’. Tình trạng hiện tại cho thấy Bắc Kinh không thể hiểu được, nói gì đến việc cai trị một xã hội tự do”.
Luật mà các nhà dân chủ Hồng Kông thúc giục Quốc hội Mỹ sớm thông qua có tên chính thức là “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”.
Luật này được giới thiệu ra Thượng viện và Hạ viện Mỹ từ đầu năm nay, trong đó sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ phải thực hiện đánh giá hàng năm về việc Washington trao cơ chế đặc biệt cho Hồng Kông, bao gồm các đặc quyền thương mại và kinh doanh.
Đạo luật nêu trên cũng sẽ cho phép Mỹ chế tài các quan chức tại Trung Quốc và Hồng Kông làm suy yếu nền tự trị của thành phố này.
Ngoài ra, vào tuần trước, “Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông” cũng đã được một số nghị sĩ giới thiệu ra Hạ viện và nhận được sự ủng hộ của cả Dân biểu Cộng hòa và Dân chủ.
Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông sẽ cấm xuất khẩu cho lực lượng cảnh sát Hồng Kông các thiết bị kiểm soát đám đông mà lực lượng này dùng để trấn áp người biểu tình.
Bắc Kinh đã lên án “ảnh hưởng của nước ngoài” trong cuộc biểu tình ở Hồng Kông, dù không có bằng chứng cho thấy phong trào này được tài trợ hoặc hỗ trợ từ bên ngoài, và nói rằng họ coi tình hình ở Hồng Kông là vấn đề hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Trung Quốc.
Chính phủ Hồng Kông cũng nhấn mạnh rằng các cơ quan lập pháp nước ngoài không nên can thiệp vào “những việc nội bộ.”
Nguồn: BBC/AFP/Washington Post