Theo Reuters đưa tin, nước Mỹ vừa trải qua một cột mốc đau thương trong dịch Covid-19 vào Chủ Nhật ngày 30/8 (giờ địa phương) với tổng cộng hơn 6 triệu ca nhiễm virus corona. Trong đó, các tiểu bang tại vùng Trung Tây ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh.
Các tiểu bang Iowa, Bắc Dakota, Nam Dakota và Minnesota đều ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày tăng kỷ lục, trong khi số bệnh nhân tại các bệnh viện ở Montana và Idaho cũng là cao nhất kể từ khi dịch bệnh lan tới.
Ảnh minh họa
Xét trên phạm vi toàn quốc, số liệu về ca nhiễm, ca t ử vong, ca nhập viện và tỉ lệ dương tính đều giảm đi. Tuy nhiên, vùng Trung Tây hiện đang là điểm nóng của dịch bệnh. Tại Iowa, rất nhiều ca nhiễm bùng lên tại các hạt tập trung trường đại học. Trên thực tế, các trường đại học trên toàn nước Mỹ đã chứng kiến nhiều ca nhiễm xuất hiện sau khi sinh viên quay trở lại trường, buộc phải chuyển sang học trực tuyến.
Ngày 30/8, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết ông đã gửi một đội đặc nhiệm SWAT đến ĐH Bang New York (SUNY) tại Oneonta để hỗ trợ kiểm soát ổ dịch. Kỳ học mùa thu của trường mới bắt đầu từ cách đây 1 tuần, hiện đã phải hoãn thêm 2 tuần sau khi có hơn 100 ca dương tính với virus – chiếm 3% tổng số sinh viên và công nhân viên.
“Chúng tôi ghi nhận nhiều buổi tiệc lớn do sinh viên tổ chức tại Oneonta vào tuần qua. Và thật không may là vì những buổi tụ tập như vậy, một số sinh viên đã có triệu chứng nhiễm Covid-19,” – Jim Malatras, hiệu trưởng SUNY cho biết.
Dọc theo vùng Trung Tây, tỷ lệ lây nhiễm đã gia tăng sau lễ diễu hành motor thường niên được tổ chức tại Sturgis với hơn 365.000 người từ khắp đất nước tham dự. Sở Y tế bang Nam Dakota cho biết có ít nhất 88 ca dương tính có liên quan đến buổi diễu hành này.
Sau 8 tháng đối mặt với dịch bệnh, nước Mỹ lại tiếp tục gặp khó khăn trong vấn đề xét nghiệm. Số người được xét nghiệm trong những tuần gần đây bắt đầu giảm dần.
Nhiều quan chức y tế và ít nhất 33 tiểu bang đã phản đối hướng dẫn xét nghiệm Covid-19 mới do Tổng thống Donald Trump ban hành, khi cho rằng những người từng tiếp xúc với virus nhưng không có triệu chứng thì không cần làm xét nghiệm. Các chuyên gia tin rằng, nước Mỹ cần phải làm nhiều xét nghiệm hơn để xác định các ca không có triệu chứng, nhằm kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh.
Mỹ hiện tại vẫn đang là quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất trên thế giới, nhưng chỉ đứng thứ 10 nếu xét trên tỉ lệ nhiễm đầu người, đứng sau nhiều quốc gia như Brazil, Peru và Chile. Khi xét đến số ca tử vong, Mỹ cũng dẫn đầu với 183.000 trường hợp nhưng chỉ đứng thứ 11 về tỉ lệ, đứng sau Thụy Điển, Brazil, Chile, Tây Ban Nha, Anh Quốc, Bỉ và Peru.
Nguồn: Reuters/ Kenh 14