Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới khu vực tưởng niệm những người Ukraine ngã xuống trong chiến tranh ở Kiev vào ngày 2-12 - Ảnh: Reuters
Trả lời phỏng vấn đài Sky News (Anh) ngày 29-11, Tổng thống Zelensky tuyên bố: 'Nếu chúng ta muốn ngăn chặn giai đoạn nóng của cuộc chiến, chúng ta phải đặt lãnh thổ Ukraine (còn) nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta vào sự bảo trợ của NATO'.
Theo ông, việc Ukraine gia nhập NATO sẽ chấm dứt "giai đoạn nóng của cuộc chiến" và sau đó sẽ giúp đạt được thỏa thuận về việc trả lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm giữ... Đây là tuyên bố đầu tiên của ông Zelensky không có yêu sách về "các lãnh thổ bị chiếm đóng" kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022.
Nói vậy nhưng không phải vậy!
Liệu có thể coi tuyên bố trên là một bước ngoặt mạnh mẽ trong chính sách của ông Zelensky? Cổng thông tin Ukraine Strana.ua không cho là như thế.
Trong bài nhận định ngày 29-11, Strana.ua lưu ý tính đến thời điểm khi ông Zelensky công bố điều này: xảy ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đề cử trung tướng về hưu Keith Kellogg vào vị trí đặc phái viên về Ukraine. Chính ông Kellogg đã trình bày với ông Trump kế hoạch chấm dứt xung đột quân sự ở Ukraine.
Theo Đài CNN, thông qua bổ nhiệm Keith Kellogg làm đặc phái viên tại Ukraine, ông Trump đã chọn kế hoạch rất cụ thể để chấm dứt xung đột. Cơ sở của nó là không lôi kéo Mỹ quá nhiều vào cuộc xung đột và không bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Cụ thể kế hoạch của Keith Kellogg gồm các điểm:
1. Ngừng bắn dọc theo chiến tuyến hiện tại và bắt đầu đàm phán.
2. Tư cách thành viên NATO của Ukraine nên được hoãn vô thời hạn "để đổi lấy một thỏa thuận hòa bình toàn diện với các đảm bảo an ninh".
3. Kế hoạch này cũng yêu cầu Kiev chỉ có thể lấy lại các lãnh thổ đã mất bằng "các giải pháp ngoại giao", cho phép Nga không trả lại các lãnh thổ đã "chiếm đóng", nhưng Ukraine cũng như thế giới sẽ không công nhận chúng là của Nga.
4. Đổi lại, Nga sẽ được "giảm có giới hạn" các biện pháp trừng phạt, và "giảm nhẹ hoàn toàn" sau khi ký một thỏa thuận hòa bình phù hợp với Ukraine.
5. Thuế xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ chi trả cho việc tái thiết Ukraine.
6. Nếu đồng ý với điều này, Ukraine sẽ được Mỹ hỗ trợ trong tương lai (rất có thể là dưới hình thức cho vay) và Mỹ sẽ trang bị vũ khí cho Ukraine "trong phạm vi mà nước này có thể tự vệ".
7. Có thể hình thành khu phi quân sự dọc theo chiến tuyến đóng băng. Khu vực này có thể sẽ cần được bảo đảm an ninh bằng cách bố trí quân NATO hoặc binh lính từ các quốc gia không liên kết khác giữa hai bên. Tuy nhiên kế hoạch này cần một khoản đầu tư tài chính lớn.
Nói tóm lại, kế hoạch Kellogg sẽ tập trung vào việc ngừng bắn dọc chiến tuyến và từ chối kết nạp Ukraine vào NATO. Chính vì lý do này mà Tổng thống Zelensky và các đồng minh phương Tây của ông quyết định đưa ra một số chướng ngại để phá vỡ kế hoạch này trước, cụ thể là:
1. Đạt được lời mời vào NATO ngay trước lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump vào ngày 20-1-2025;
2. Nếu không thành công (một số nước NATO chắc chắn sẽ phản đối), ít nhất hãy thuyết phục ông Trump thay đổi "kế hoạch hòa bình", loại bỏ điều khoản Ukraine không được gia nhập NATO và chỉ để lại điều kiện chấm dứt chiến tranh dọc chiến tuyến.
Nga khó chấp nhận
"Tính toán ở đây là trong trường hợp này, ông Putin, người luôn giữ quan điểm trung lập, chắc chắn sẽ bác bỏ kế hoạch như vậy (kế hoạch Kellogg), chiến tranh vẫn sẽ tiếp tục và lỗi sẽ nằm ở phía Matxcơva", Strana.ua viết.
Đồng tình với nhận định từ Cổng thông tin Strana.ua của Ukraine, chính khách đối lập Ukraine, cựu ứng viên tổng thống Ukraina năm 2014 Oleg Tsarev, cũng khẳng định: Nếu Kiev nhận được lời mời vào NATO như toan tính của Kiev, Nga - với quan điểm các thỏa thuận hòa bình phải được đưa ra trong bối cảnh trung lập, không liên kết của Ukraine - "sẽ không đồng ý kế hoạch hòa bình với một quốc gia có đơn xin gia nhập NATO đã được chấp thuận".
Theo ông Tsarev, kế hoạch hòa bình mới của ông Zelensky thực tế là "tiếp tục cuộc chiến, chứ không phải kết thúc nó như thoạt nhìn từ tuyên bố của ông ấy".
Mặt khác, vẫn theo ông Tsarev, hai điểm chính trong kế hoạch Keith Kellogg cần lưu ý: Thuế đánh vào việc bán tài nguyên năng lượng thực chất là khoản bồi thường do bên thua cuộc phải trả. Và Nga, như đã biết, lại đang ở thế thượng phong trên chiến trường.
Thứ hai: Ukraine sau khi đóng băng xung đột lại được bơm thêm vũ khí, đồng nghĩa với việc mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine mà ông Putin đặt ra sẽ không đạt được. Trên cơ sở đó, chắc chắn Matxcơva sẽ không đồng tình với kế hoạch Kellogg.
Về phía Nga, Matxcơva không ảo tưởng gì về các kiểu "kế hoạch hòa bình" của phương Tây. Tạp chí Military Watch ngày 30-11 thậm chí còn đăng bài viết về phát hiện của Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SRV) liên quan đến việc NATO chuẩn bị "cuộc chiến thứ hai ở Ukraine".
Trích dẫn các nguồn tin của mình, SVR báo cáo rằng trong bối cảnh tổn thất ngày càng tăng đối với Ukraine và các đồng minh ở tiền tuyến, NATO kêu gọi đóng băng chiến sự dọc chiến tuyến hiện tại để cố gắng xoay chuyển tình thế xung đột. Biện pháp này sẽ cho phép các nước phương Tây khôi phục lại quân lực Ukraine vốn đã bị suy giảm đáng kể.
Việc đóng băng xung đột sẽ giúp đưa 100.000 quân "gìn giữ hòa bình" NATO vào Ukraine. Cùng lúc đó, NATO sẽ yêu cầu động viên thêm 1 triệu thanh niên Ukraine vào quân ngũ, sử dụng tiền của phương Tây xây dựng các nhà máy quân sự ở Ukraine để sản xuất các loại vũ khí mới nhất trong khi các trung tâm quân sự phương Tây sẽ đào tạo hơn 1 triệu binh sĩ mới ở Ukraine.
Các kế hoạch này đồng nghĩa với việc bắt đầu một cuộc chiến mới chống lại Nga - khó khăn và đẫm máu hơn nhiều, và chắc chắn Nga sẽ không đồng ý với những điều kiện như vậy để đóng băng xung đột.
Ukraine gửi thư cho NATO
Hiện một chiến dịch khá mạnh mẽ đang diễn ra để thuyết phục ông Trump chấp nhận ý tưởng của ông Zelensky. Ngay trong ngày 29-11, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sibiga đã gửi thư cho các đồng nghiệp NATO kêu gọi họ đưa ra lời mời Kiev gia nhập liên minh quân sự phương Tây trong cuộc họp ở Brussels trong hai ngày 3 và 4-12 năm nay.
Trong thư, Ukraine thừa nhận rằng họ sẽ không thể gia nhập NATO cho đến khi chiến tranh kết thúc, nhưng yêu cầu nhận được lời mời, vì giờ đây nó sẽ cho ông Putin thấy rằng một trong những mục tiêu chính của ông ấy (ngăn cản Kiev gia nhập NATO) không thể đạt được.
TƯỜNG ANH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online