Nga có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng thêm 1/4 vào năm 2025. Sự gia tăng này đánh dấu kỷ lục mới sau thời kỳ Xô Viết của quốc gia này khi vẫn tiếp tục cuộc xâm lược Ukraine bất thành.
Trong dự thảo năm ngoái, chính phủ dự định cắt giảm 21 phần trăm chi tiêu quốc phòng vào năm 2025. Sự đảo ngược này một lần nữa nhấn mạnh rằng mọi việc không diễn ra theo đúng kế hoạch; cuộc xâm lược đã thất bại và Nga đã rút ruột hết để ném vào đó.
Chi tiêu quốc phòng của Nga đã đạt mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Tổng chi tiêu cho quốc phòng và an ninh sẽ chiếm 8% GDP của Nga. Chính phủ Nga dự định phân bổ 183 tỷ đô la cho an ninh và quốc phòng quốc gia vào năm 2025, chiếm khoảng 41% ngân sách hàng năm. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi một bộ phận đáng kể dân số Nga sống trong cảnh nghèo đói.
Chi tiêu quốc phòng sẽ cao gấp đôi số tiền dành cho nhu cầu xã hội, bao gồm lương hưu, bồi thường xã hội và trợ cấp, dự kiến đạt 70 tỷ đô la vào năm 2025. Chính phủ có kế hoạch phân bổ 17 tỷ đô la, chiếm 0,7% GDP, cho giáo dục và 20 tỷ đô la, chiếm 0,87% GDP, cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2025.
Tất cả những con số này làm nổi bật sự thiếu quan tâm của Putin đối với người dân Nga và cho thấy rằng Nga đã dốc toàn bộ vào cuộc chiến này về mặt kinh tế. Ông ta kiên quyết tiếp tục cuộc xâm lược để trốn tránh sự công nhận về thất bại của nó và để bảo vệ chế độ của mình.
Tỷ lệ chi tiêu so với GDP tương tự như ước tính chi tiêu quân sự vào cuối thời kỳ Liên Xô, khi Liên Xô tham gia vào cuộc chiến tranh ở Afghanistan, đồng thời quản lý kho vũ khí hạt nhân lớn hơn đáng kể để đối đầu với các đối thủ trong Chiến tranh Lạnh.
Doanh thu dầu khí của Nga cho ngân sách nhà nước dự kiến sẽ giảm trong giai đoạn 2025 - 2027 do giá hàng hóa giảm và điều chỉnh thuế, vì nhà sản xuất khí đốt lớn nhất nước này, Gazprom, dự kiến sẽ phải giảm nghĩa vụ thuế.
Với tương lai của Nga có vẻ ảm đạm nhất, tình hình nhân khẩu học tồi tệ của nước này, cùng với chiến tranh, đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Điều này, cùng với chi tiêu công và lệnh trừng phạt tăng cao, đã góp phần làm tăng tỷ lệ lạm phát. Để chống lạm phát, Nga đã tăng lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương lên 19%, tăng đáng kể so với mức 7,5% được ghi nhận vào tháng 6 năm 2023.
Họ có cần tăng thêm nữa không? Mặc dù lãi suất cao hơn có thể giúp kiềm chế lạm phát, nhưng nó cũng sẽ kìm hãm mọi tiềm năng tăng trưởng. Nga dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm một lần nữa trong những tháng tới. Gánh nặng kinh tế của chiến tranh sẽ tiếp tục tăng theo thời gian, ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Nga.
Trần Duy Long