Donald chưa ngừng tung đòn
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài hơn một năm qua gây bao sóng gió trên thị trường tài chính và gia tăng áp lực suy giảm tăng trưởng lên nền kinh tế thế giới. Cuộc đàm phán lần này được kỳ vọng là bước ngoặt giúp giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây không cho thấy điều này.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa gia tăng sức ép với Trung Quốc trước vòng đàm phán thương mại mới tại Washington. Động thái mới nhất là Mỹ thông báo sẽ áp hạn chế thị thực lên một loạt quan chức Trung Quốc, với lý do là hành vi vi phạm quyền của người Duy Ngô Nhĩ thiểu số theo đạo Hồi tại Tân Cương, Trung Quốc.
Phía Mỹ không nêu danh tính cụ thể của các quan chức Trung Quốc bị áp hạn chế visa nhưng cho biết, đây là sự bổ sung cho biện pháp của Bộ Thương mại.
Mỹ đưa 8 công ty công nghệ Trung Quốc và "danh sách đen".
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 20 cơ quan an ninh và 8 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" thương mại, cũng với lý do các cơ quan và các công ty này vi phạm quyền của người thiểu số theo đạo Hồi tại Tân Cương. Trong 8 công ty công nghệ này có startup trí tuệ nhân tạo (Al) lớn nhất thế giới SenseTime và công ty nhận diện khuôn mặt Megvii Technology. Cả 2 do gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba hậu thuẫn.
Bên cạnh đó, còn có 2 công ty cung cấp các sản phẩm giám sát video - Hangzhou Hikvision Digital Technology và Zhejiang Dahua Technology - kiểm soát tới 1/3 thị trường toàn cầu về giám sát video
Đòn trừng phạt mới của ông Trump có thể khiến các startup công nghệ giá hàng tỷ USD của Trung Quốc tê liệt và đánh trực tiếp vào tham vọng muốn tạo ra những công nghệ mới mang tính cách mạng của Bắc Kinh.
Tình hình còn phức tạp hơn khi ông chủ Nhà Trắng công khai yêu cầu Bắc Kinh điều tra các hoạt động kinh doanh của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai ông Hunter tại Trung Quốc.
Ông Trump cũng thẳng thắn nói rằng, ông thích đạt được một thỏa thuận toàn diện bao gồm tất cả các yếu tố, từ vấn đề Bắc Kinh phải tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt các cuộc tấn công mạng và chuyển giao công nghệ bắt buộc, hạn chế hỗ trợ cho ngành công nghiệp và mở cửa thị trường hơn nữa,... thay vì một thỏa thuận nhỏ về các vấn đề tương đối dễ dàng.
Việc đưa 8 công ty vào "danh sách đen" được phía Mỹ cho biết không ảnh hưởng đến cuộc đàm phán. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, động thái này được đưa ra ngay trước thềm đàm phán đã cho thấy sự kiên quyết của chính quyền ông Trump.
Còn về phía Trung Quốc, Bắc Kinh chỉ trích động thái của Mỹ là tạo cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Nỗi lo sợ thầm kín của Trung Quốc
Gần đây, hàng loạt số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại kéo dài khoảng 15 tháng qua. Tăng trưởng suy giảm và được dự báo sẽ tiếp tục tụt giảm. Nhiều doanh nghiệp công nghệ đầu ngành như Huawei... đối mặt với nguy cơ tụt hậu.
Trên Reuters, một nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc muốn có một thỏa thuận với Mỹ, nhưng thỏa thuận đó không thể là một "trò chơi có tổng bằng 0", với hàm ý rằng kẻ được thì người mất, không như trò chơi cùng thắng win-win.
Trung Quốc muốn có một thỏa thuận với Mỹ, nhưng thỏa thuận đó không thể là một "trò chơi có tổng bằng 0"
Cũng theo nhà ngoại giao này, Mỹ cần phải chấp nhận sự khác biệt trong hệ thống kinh tế của hai cường quốc, đặc biệt là mô hình phát triển kinh tế do khu vực nhà nước dẫn đầu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây lại chính là một yếu tố quan trọng trong đòi hỏi thỏa thuận "toàn diện" của ông Donald Trump. Chính quyền ông Trump không muốn phải cạnh tranh một cách "không công bằng" với Trung Quốc tại thị trường tỷ dân này, cũng như ở nước ngoài khi mà Bắc Kinh cấm cửa, dựng hàng rào... đối với nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, trong khi hỗ trợ cho các DNNN Trung Quốc lớn mạnh và có nhiều lợi thế trên thị trường quốc tế.
Trong một phát biểu với báo chí tại Washington, ông Trump cho biết, Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước cơ hội rất tốt để đạt một thỏa thuận và cho rằng Trung Quốc còn mong muốn điều này hơn Mỹ. Nhưng, nếu đàm phán không tiến triển thì ông sẽ sẵn sàng tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% ngay vào ngày 15/10 tới.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc dường như cũng rất cứng rắn trước những giới hạn mà Bắc Kinh cho là lằn ranh đỏ. Trung Quốc cũng đã hạ thấp kỳ vọng vào vòng đàm phán trong bối cảnh khác biệt giữa hai bên liên quan đến các vấn đề cơ bản chưa thu hẹp lại.
Ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình.
Trong vòng đàm phán lần này, Phó Thủ tướng Lưu Hạc không mang danh nghĩa là "đặc phái viên" cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nó cũng đồng nghĩa với việc ông Lưu Hạc không nhận chỉ thị cụ thể nào từ nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Trên thực tế, cuộc đàm phán cấp thứ trưởng 8-9/10, trước đàm phán chính thức cũng đã không có tiến bộ gì. Trung Quốc từ chối bàn về vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc và cũng né tránh vấn đề hỗ trợ của nhà nước.
Trước đó, nhiều đánh giá cho rằng, Bắc Kinh đang trì hoãn các cuộc đàm phán để đợi cuộc bầu cử Mỹ vào năm tới với hy vọng ông Trump sẽ thua cuộc và một tổng thống mới sẽ lên thay; hoặc vị Tổng thống Mỹ này sẽ bị phế truất sớm hơn kỳ hạn với cuộc chiến luận tội ông Trump mà Hạ viện - vốn chi phối bởi Đảng Dân chủ - đang thực hiện.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò dư luận vừa được thực hiện bởi Zogby công bố hôm 9/10 cho thấy, ông Trump sẽ bị luận tội nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng tới cuộc đua giữ ghế tại Nhà Trắng của ông vào năm sau. Và ông Trump sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Nguồn: vietnamnet.vn