Câu chuyện diễn ra từ hàng chục năm về trước nhưng “huyền thoại” trồng táo Akinori Kimura vẫn nhớ như in, từ một nhân viên bình thường tại Tokyo cho tới khi được cả nước Nhật Bản gọi bằng một từ đầy kính trọng “guru” – huyền thoại, bậc thầy.
Sau ba năm làm việc tại Tokyo với cuộc đời phẳng lặng, Kimura quyết định trở về Hirosaki, tỉnh Aomori để kết hôn và kế nghiệp gia đình: Nông dân trồng táo. Vốn quen với cuộc sống thành thị, trở về quê để làm một “lão nông”, đi ngược số đông có vẻ không phải điều dễ dàng. Người ta thường nhớ tới Kimura vì những trái táo có thể để rất lâu không héo, hương thơm ngọt ngào, màu sắc tươi đẹp, một loại táo “thần kỳ” được các chính khách và người nổi tiếng hết sức ngợi khen, được phục vụ trong các nhà hàng sang trọng ở Tokyo mà bạn phải đặt bàn trước cả năm mới có cơ hội được thưởng thức.
Thành công với nghề nông vốn đã là một kỳ tích vì đôi khi “người tính không bằng trời tính”. Để trở thành một huyền thoại của làng trồng táo, Kimura đã thực sự trải qua những tháng ngày khổ cực, 10 năm chật vật với cây táo nhưng kết quả chẳng được là bao, cuộc đời tưởng chừng như đã rơi xuống đáy khi ông đã quyết định tự tử.
Nhưng cuộc đời vốn dĩ đầy kỳ tích và nhiệm màu, như cây táo trồng trên đất cằn không phụ lòng người bỗng ra hoa, Kimura cũng tìm thấy lại được ánh sáng sau những ngày giông bão.
Khi cuộc đời không nằm trong lòng bàn tay
Cả vùng Iwaki thời bấy giờ trồng táo, loại trái cây đem lại thu nhập khá giả cho người dân trong vùng. Thời bấy giờ, kỹ thuật canh tác nông nghiệp tại Nhật Bản còn phụ thuộc nhiều vào thuốc bảo vệ thực vật. Bốn vườn táo nhà ông Kimura cũng cho ra trái nhờ đều đặn phun thuốc. Những trái táo trong vùng Iwaki mang hương vị giống nhau, cùng một kỹ thuật canh tác, đúng vụ và thời điểm.
Nhưng cuộc đời vốn không bình lặng như vậy với ông Kimura. Sức khỏe của vợ ông Kimura không tốt và bà trở nên mẫn cảm với thuốc bảo vệ thực vật. Lão nông Nhật Bản phải lựa chọn: Tiếp tục sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay chuyển qua trồng táo bằng một phương pháp khác. Vì tình yêu cho vợ, ông chấp nhận đánh đổi những vườn táo trĩu quả của mình, chạy theo con đường khó khăn hơn đầy liều lĩnh và rủi ro.
Nhìn những cây táo không ra quả sau khi dùng thuốc, vườn táo ngày một tàn úa, ông Kimura ứa nước mắt. Dù đã thử nhiều cách thức, sâu bệnh vẫn tàn phá mùa vụ; những cây táo chẳng thể đơm hoa, nói gì đến việc ra trái. Mất đi những trái táo là mất đi tài sản, ông lần lượt phải đem bán hết của nải để trang trải cuộc sống.
Người ta cười nhạo Kimura, “làm sao có thể trồng táo mà không dùng thuốc?”, ai cũng nghĩ vậy. Sự cố chấp của ông trở thành thứ để dân làng đàm tiếu, cười nhạo và chỉ trích. Kể cả con gái ông cũng không chịu nổi cuộc sống nghèo khổ, tự hỏi tại sao phải đi một con đường khó khăn như vậy và từ bỏ sự sung túc?
Ông Kimura cũng tự hỏi bản thân: Liệu mình có phải kẻ điên rồ không? Con đường ông đang đi có thực sự đúng đắn? Có những lúc, lão nông “gàn dở” kia quyết định buông xuôi tất cả, chọn lấy cái chết để quên đi sự nghiệt ngã của cuộc sống lúc bấy giờ.
Cây táo 10 năm không ra quả, cuộc đời 10 năm bỗng đơm hoa
Nếu cây táo 10 năm chưa ra hoa, năm thứ 11 ắt hẳn kết ra những trái ngon nhất. Cuộc đời 10 năm vất vả, năm tháng sau này rồi cũng sẽ nở hoa. Ông Mikura và vườn táo kỳ diệu của mình chính là minh chứng cho nhận định ấy.
Lão nông Nhật Bản nhận ra rằng vấn đề của cây không phải nằm ở dịch bệnh mà ở đất trồng, mối tương quan với thiên nhiên, côn trùng, động vật sinh sống quanh đó và cả nguồn nước. Phải đặt những trái táo trong một mối quan hệ chặt chẽ với thiên nhiên – một hệ sinh thái thì chúng mới nảy nở sinh trưởng thành công, Kimura luôn quan niệm như vậy. Nghĩ là làm, ông đã thử nghiệm với nhiều loại đất trồng trong vài năm, nghiên cứu cẩn thận về côn trùng tại thư viện địa phương.
Sau 8 năm ròng nỗ lực với phương pháp mới, một trong số hơn 400 cây táo của ông đã đơm hóa và sau đó cho ra được 2 trái vào mùa thu. Hai trái đó như một kỳ tích giữa khu vườn cả chục năm khô cằn rệu rã. Ông Kimura gọi đó là 2 “trái táo thần kỳ”.
Mùa xuân năm sau đó, cả khu vườn ngập tràn những bông hoa táo trắng muốt. Nhìn những thành quả của mình cuối cùng cũng đơm hoa kết trái, những thành viên trong gia đình Kimura không giấu được giọt nước mắt. Khu vườn táo của ông không còn sợ bị côn trùng xâm hại khi đã được khôi phục về trạng thái cân bằng tự nhiên. Những phương pháp ông sử dụng không làm xáo trộn trật tự của thiên nhiên với các chế phẩm sinh học an toàn cho cây.
Cách mạng nông nghiệp – cách mạng cuộc đời
Ông Kimura từng hóm hỉnh đùa rằng: “Có lẽ do thấy tôi ngốc nghếch quá nên cuối cùng cây táo cũng thương mà cho quả”.
Nhìn nhận thực tế, thành quả của ông là sự đánh đổi rất nhiều mồ hôi và nước mắt, không phải may mắn hay tình cờ. Những trái táo của ông Kimura đã thay đổi nền nông nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong hoạt động trồng táo. Trước đây, người dân Nhật Bản không bao giờ nghĩ có thể trồng táo mà không sử dụng thuốc trừ sâu. Ông Kimura không chỉ trồng táo mà còn canh tác lúa và trồng rau màu theo cách thức tương tự như vậy. Công trình của ông đã theo chân Kimura tới nhiều nơi trên khắp Nhật Bản. Ông đã có bài phát biểu, bài giảng tại nhiều bệnh viện, trường học, các hội nông dân, không chỉ tại Nhật Bản mà còn ở Hàn Quốc và Đài Loan.
Táo đã trở thành loại trái cây số một Nhật Bản xuất khẩu đi thế giới. Giấc mơ của ông Kimura không chỉ dừng lại ở việc giúp ngành công nghiệp trồng táo phát triển mà trên hết, đưa ngành nông nghiệp thoát khỏi thuốc trừ sâu và hóa học.
“Tôi muốn thay đổi những suy nghĩ truyền thống của người nông dân và cả người tiêu dùng. Nền nông nghiệp Nhật Bản đang đứng trên bờ vực của suy thoái. Chính vì vậy, tôi sẽ cố gắng để truyền lại những kiến thức về nông nghiệp và thực phẩm cho mọi người chừng nào tôi còn sống”.
Di sản của ông Kimura không chỉ nằm ở một trái táo mà đã chuyển hóa thành triết lý sống cho mọi người. Trái táo diệu kỳ là kết quả của hành trình dài theo đuổi giấc mơ làm nông nghiệp không hóa chất, một con đường chông chênh có nằm mơ nhiều nông dân Nhật Bản trước đó cũng không dám nghĩ tới. Cuộc đời ông Kimura như một câu chuyện cổ tích có thật ngoài đời – người nông dân hiền lành với giấc mơ lớn, trải qua tột cùng của đau khổ rồi cuối cùng cũng thu được trái ngọt. Người ta thấy ở đó những triết lý sâu sắc về cách con người vượt lên nghịch cảnh; đôi khi giấc mơ bị coi là điên rồ nhưng cứ nhẫn nại với điều mình luôn tin tưởng, chắc chắn rồi cây táo cũng sẽ nở hoa.
Cuộc sống này, vốn dĩ còn đầy những điều kỳ diệu, và cả kỳ tích. Cứ mang trong mình những khát khao, đam mê không vị kỷ và nỗ lực theo đuổi tới cùng, số phận cũng sẽ không bạc đãi bạn. Hãy cứ bình tâm và nỗ lực, trái táo Kimura cũng sẽ xuất hiện, vào một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời.
Nguồn: Kenh14